Dịch MERS – CoV: Người dân không nên quá hoang mang
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:03, 09/06/2015
Trước những diễn biến phức tạp, cũng như mức độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao của dịch MERS, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS cho 63 tỉnh thành trong cả nước vào chiều ngày 8/6. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh MERS cũng đã họp với các Bộ, ngành liên quan để phân tích, đánh giá tình hình cũng như những nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, có khoảng 80.000 lao động Việt Nam đang ở vùng có dịch là Hàn Quốc và Trung Đông. Bộ đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp đưa ra hướng dẫn bệnh MERS cho lao động Việt Nam tại các nước này. Bộ Công an và Quốc phòng hiện đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại tất cả các đơn vị. Về phía Cục Quân y - Bộ Quốc phòng cũng đưa ra thông tin, các bệnh viện dã chiến đã sẵn sàng ứng phó với dịch.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng dự báo với số lượng gần 3.000 hành khách Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam mỗi ngày, ca nhiễm Mers đầu tiên sẽ không hẳn ở Hà Nội hay TP.HCM mà sẽ ở các địa phương khác. Vì thế, Thứ trưởng đề nghị tất cả các địa phương không được chủ quan, không được nghĩ mình không có nguy cơ; đồng thời xây dựng kế hoạch phòng chống dịch.
“Nếu địa phương nào chậm trễ, không phê duyệt kế hoạch, sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Đối phó với dịch phải hết sức nhanh chóng, không thể có ca bệnh mới họp, mới phân công”, Thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị Bộ Y tế kêu gọi người dân phối hợp với ngành y tế, các trường hợp đi về từ vùng dịch hay có tiếp xúc với những người này mà có triệu chứng ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán, trong trường hợp phát hiện ca bệnh, cần hạn chế tối đa việc vận chuyển lòng vòng qua các cơ sở y tế. Những trường hợp nhẹ, tiến hành điều trị ngay tại tuyến huyện.
Hội nghị trực tuyến tập huấn về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS cho 63 tỉnh thành trong cả nước
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bệnh lây từ người sang người nên việc phòng chống cần được quan tâm và tích cực chủ động. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, người dân không nên quá hoang mang, tuy hiện nay chưa có thuốc đặc trị và vắc xin, nhưng Bộ Y tế đã có những kế hoạch kĩ lưỡng để ứng phó trong trường hợp xấu nhất là dịch bệnh lây lan đến Việt Nam. Cụ thể, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch phòng, chống dịch MERS-CoV theo Quyết định 1944/QĐ-BYT gồm 3 tình huống. Bộ Y tế cũng đã thành lập 04 đội đáp ứng nhanh tại miền Bắc, miền Nam, miền Trung và khu vực Tây Nguyên; tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, và chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện cũng như các cở sở y tế; tăng cường áp phích băng rôn thông tin về dịch bệnh tại các cửa khẩu; kiểm soát và theo dõi người nhập cảnh bằng các tờ khai báo y tế tại các cửa khẩu, sân bay; bên cạnh đó không ngừng tăng cường công tác truyền thông tới người dân và cộng động cần chủ động phối hợp cùng với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế lập 4 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV
Để phòng tránh dịch bệnh Bộ y tế có những khuyến cáo sau:
Thứ nhất không nên du lịch hoặc ký kết làm ăn với các nước Trung Đông và Hàn Quốc, Trung Quốc trong giai đoạn này.
Khâu kiểm dịch tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu hàng không phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt. Tất cả khách du lịch từ Trung Đông và Hàn Quốc phải khai rõ tình trạng sức khỏe của mình với cán bộ y tế.
Bên cạnh đó, người dân cần chủ động bảo vệ mình bằng cách vệ sinh tay chân, răng miệng sạch sẽ, tránh tập trung ở những nơi đông người, nhất là trẻ em.
Đối với Ban chỉ đạo và phòng chống dịch bệnh, phải có sự cam kết và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, phải thực hiện giám sát cộng đồng, cách ly đúng cách ngay khi ngờ, bắt đầu từ phòng chờ; thực hiện cách ly kể cả khi có kết quả dịch phết mũi âm tính; áp dụng triệt để các biện pháp dự phòng và tránh các giọt tiết khi tiếp xúc với bệnh nhân có các triệu trứng về hô hấp; với cán bộ y tế nên đeo khẩu trang N95 khi làm các thủ thuật khí dung; trong trường hợp phát hiện hay nghi ngờ MERS-CoV, cần đánh giá nhanh và cách ly ngay các nghi ngờ để có thể điều trị bệnh nhân kịp thời, giảm thiểu các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh từ người đến thăm và nhân viên y tế; cần tăng cường công tác chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện từ việc dự phòng chuẩn, dự phòng giọt bắn, dự phòng lây nhiễm qua không khí và xử lý chăn ga, lau sát khuẩn, xử lý chất thải.