Đề án tái cơ cấu DNNN: Tái cơ cấu không phân biệt cấp, cơ quan quản lý

Chính trị - Ngày đăng : 08:35, 27/07/2012

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg, ngày 17-7-2012 về Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”.

Phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

 

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước nhằm đạt mục tiêu cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Nâng cao sức cạnh tranh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với doanh nghiệp hoạt động công ích.

 

Quyết định 929/QĐ-TTg quy định, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được phân loại thành ba nhóm.

 

Nhóm 1: Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, quốc phòng, an ninh; xuất bản; thuỷ nông; bảo đảm an toàn giao thông; xổ số kiến thiết; sản xuất, phân phối điện quy mô lớn đa mục tiêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đô thị; các cảng hàng không; cảng biển loại I; in, đúc tiền. 

 

Đề án tái cơ cấu DNNN: Tái cơ cấu không phân biệt cấp, cơ quan quản lý

Lĩnh vực viễn thông, đường bộ, đường sắt... sẽ sớm tái cơ cấu

 

Nhóm 2: Doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực theo quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 4-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản; cung cấp hạ tầng mạng thông tin truyền thông.

 

Nhóm 3: Các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng doanh nghiệp; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên; giải thể, phá sản.

 

Tái cơ cấu doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Trước mắt, trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, viễn thông, xuất bản, xổ số kiến thiết, cấp thoát nước, môi trường đô thị, thủy nông, quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt, đường thủy... Tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm. Tổ chức lại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ.

 

Thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

 

Tập trung tháo gỡ cho được khó khăn, vướng mắc hiện tại, nhất là về định giá doanh nghiệp, xử lý tài chính, công nợ, đất đai, chế độ đối với người lao động... và ngăn ngừa thất thoát tài sản. Ban hành các quy định, hướng dẫn việc thực hiện sắp xếp doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Ban hành các quy định, hướng dẫn việc thực hiện sắp xếp doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực không phân biệt cấp, cơ quan quản lý.

 

Phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, mua bán nợ để thúc đẩy cổ phần hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và huy động vốn phục vụ tái cơ cấu. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chủ động nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh, những vấn đề cần điều chỉnh liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách như chi phí tái cơ cấu, xử lý nợ, chế độ đối với người lao động, thuế..

Giải pháp thực hiện

 

Theo Quyết định, trong thời gian tới cần khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015 của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Xác định số lượng, danh sách cụ thể các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100%, nắm giữ trên 75%, nắm giữ từ 65% đến 75%, nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và các doanh nghiệp khác.

 

Thực hiện cho được mục tiêu sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp theo các phương án đã được phê duyệt; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2012 - 2015. Từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trình Thủ tướng Chính phủ; từng tổng công ty, doanh nghiệp do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập trình bộ, UBND tỉnh, thành phố Đề án tái cơ cấu để phê duyệt trong Quý III năm 2012 và triển khai thực hiện.

 

Quyết định chỉ rõ, chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015. 

 

Đối với những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có khó khăn về tài chính, một mặt cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, mặt khác cần cơ cấu lại vốn, tài sản.

 

Theo Quyết định, các Bộ quản lý ngành kinh tế kỹ thuật (Xây dựng, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải) rà soát, đánh giá tính hợp lý, khả năng, điều kiện, cách thức tổ chức lại, từ đó xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trách không phân biệt cấp, cơ quan quản lý, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III năm 2012 và chỉ đạo triển khai thực hiện. 

 

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tiền lương, tiền thưởng để doanh nghiệp thực sự chủ động trong trả lương, trả thưởng gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động; thu hút lao động có trình độ cao vào làm việc.

Trần Đức