Bí quyết của cụ bà 108 tuổi vẫn luồn kim khâu vá, đọc vanh vách hàng trăm câu ca dao
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:00, 14/12/2014
Không muốn "đổ" bệnh để khổ con cháu
Qua đoạn đường đã được bê tông hóa khang trang, nhưng vẫn mang rõ nét dáng dấp cây đa - bến nước - sân đình của một làng cổ Việt Nam, chúng tôi hỏi đường đến nhà cụ Đinh Thị Chén, một bác trung niên đang ngồi xem đánh cờ, vui vẻ chỉ tay về phía ngôi nhà 2 tầng nói: Mọi ngày, giờ này là cụ Chén ra đây ngồi kể chuyện chiến tranh và đọc ca dao cho chúng tôi nghe đấy, thế mà hôm nay lại chưa thấy cụ.
Trái với suy nghĩ của chúng tôi về một cụ già chỉ còn nằm một chỗ, miệng nói thều thào khi ở tuổi bách niên, vừa bước vào sân, chúng tôi đã thấy cụ Chén đang ngồi ở hiên nhà khâu áo, đôi bàn tay nhanh nhẹn, đưa từng mũi kim thoăn thoắt và điêu luyện.
Đã hơn 100 tuổi những mắt cụ Chén vẫn tinh tường, cụ tự xâu kim và khâu vá quần áo
Ông Đinh Viết Trưởng (55 tuổi) là cháu trai, cũng là người đang phụng dưỡng cụ Chén mời chúng tôi vào nhà, vừa rót chén trà nghi ngút khói, vừa vui miệng kể: “Cụ sinh được ba người con, hai trai một gái, nhưng hai người con trai đã mất từ hồi chiến tranh còn bác gái năm nay cũng ngoài 70 tuổi rồi. Cụ vẫn minh mẫn lắm! thường hay tự tắm giặt, khâu quần áo, cho mình. Cụ có thói quen sau khi ăn cơm là uống trà nóng, nên lúc nào đi chợ là cũng phải nhớ mua chè về pha cho cụ hằng ngày. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng cụ vẫn thường xuyên đi chơi bên nhà hàng xóm, trí nhớ tốt lắm, chuyện xưa, tích cũ của làng cụ nhớ như in, bạn bè của con cháu vào chơi 1 lần, lần sau đến cụ nhận ra ngay"
Khi hỏi cụ, sao cụ không mặc quần áo mới, việc gì phải khâu vá làm gì, cụ trả lời câu hỏi của chúng tôi một cách rành rọt: "Con cháu chúng nó mua nhiều lắm, bà còn cất ở túi đây này, toàn quần áo đẹp đấy, nhưng bà để lễ tết mặc cho mới, chứ giờ già rồi ai “dòm” nữa. Mấy cái quần này vẫn mặc đẹp, chỉ tuột tý chỉ, khâu lại là được ngay. Đấy! ngày xưa thì ăn chẳng đủ nói gì đến mặc, bây giờ bọn trẻ, quần hơi cũ một tý là chúng bỏ luôn, bà thấy phí phạm là bà cứ nhặt vào gói ở đây, rồi lúc nào có chị đồng nát đi qua, bà lại đưa cho chị ấy về mặc được cái nào thì mặc. Trước thì còn có người hay đi mua quần áo cũ, vài năm nay chả thấy ai”
Cụ sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, kinh tế eo hẹp, nên đã ảnh hưởng nhiều tới nếp nghĩ và cách sinh hoạt, cụ Chén sống tiết kiệm, giản dị và sạch sẽ.
Cụ Chén đi lại nhanh nhẹn
Bà Lịch vợ ông Trưởng cho biết: “Con cháu vẫn hay mua quần áo mới cho cụ, nhưng cụ toàn cất đi thôi, tính cụ tiết kiệm từ xưa đến nay rồi, mặc dù cụ không biết chữ, nhưng lại thuộc đến hàng trăm câu ca dao đó”
Hỏi cụ về bí quyết sống thọ, cụ Chén móm mém cười nắm lấy tay tôi rồi nói “Trời cho sống ngày nào thì sống, chứ bà làm gì có bí quyết gì, bà hay uống nước chè xanh đặc sít ấy. Người già thì xương cốt hay đau nhức, nên bà năng đi lại tập thể dục, chứ cứ ngồi lâu là càng mỏi hơn, rồi đổ bệnh ra đấy lại khổ con cháu.”
Nhìn vẻ minh mẫn và nghe giọng nói của cụ Chén, quả thật khó có thể tin cụ đang ở độ tuổi "xưa nay hiếm". Có lẽ nhờ chăm chỉ vận động, sống trong môi trường trong lành, con cháu hiếu thảo, đời sống tinh thần thoải mái và do thói quen uống chè thường xuyên mà cụ mới có sức khỏe như vậy.
108 tuổi - vẫn thuộc lòng những câu ca dao xưa
Lần giở danh sách người cao tuổi trong xã, Ông Trần Công Tiếm Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tân Thịnh cho biết, hiện nay trong xã có trên 100 cụ thọ từ 90 – 103 tuổi, riêng cụ Đinh Thị Chén là 108 tuổi, cao tuổi nhất trong xã hiện giờ.
Cả cuộc đời, kế thừa và gìn giữ những tinh hoa của gia đình truyền thống, cụ Chén luôn coi trọng những chuẩn mực đạo đức từ câu nói, tác phong hành xử trong từng mối quan hệ gia đình. Cụ cho rằng, muốn gia đình hòa thuận phải “Trên kính, dưới nhường”, giải thích về điều này, cụ đọc vanh vách cho chúng tôi nghe nhiều câu ca dao nói về cách răn dạy của ông bà ta đối với con cháu như "Lá lành đùm lá rách; Kim vàng ai nỡ uốn câu, người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời; Không thầy đố mày làm nên; Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng…"
Cụ Chén hiện 108 tuổi, là người sống thọ nhất xã Tân Thịnh
Chị Chung gần nhà cụ Chén chia sẻ “Cụ Chén coi vậy mà hiền lành lắm, không bao giờ thấy cụ to tiếng hay quát mắng ai hết. Cụ thuộc nhiều ca dao, nên thỉnh thoảng tôi lại sang nghe cụ đọc, nghe hay lắm”.
Được coi là "cây cao bóng cả" của làng, cụ Chén như trụ cột tinh thần cho con cháu, cụ am hiểu lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục, lại nắm rõ quá trình phát triển của làng xã, cụ kể với chúng tôi: “Từ thời Nam Định còn là trong ba thành phố quan trọng nhất Bắc Kỳ, thì bà đã được dạy dỗ là “Đói cho sạch, rách cho thơm"; "Giấy rách phải giữ lấy lề"; “Nghèo, đói nhưng phải lấy lễ nghĩa, đạo đức làm trọng”
Gặp và nói chuyện với cụ Chén chưa đầy vài giờ đồng hồ, song chúng tôi cảm thấy như bắt gặp lại nhiều giá trị truyền thống, đặc biệt những chuẩn mực đạo đức của cha ông hiện lên chân thực quý giá biết nhường nào. Thật may mắn biết bao khi xã hội này còn có nhưng "kho tàng sống" là các cụ cao tuổi như cụ Chén.