Dự án sân bay Long Thành: Lo Chính phủ phải gánh nợ cho doanh nghiệp

Chính trị - Ngày đăng : 14:39, 12/11/2019

Sáng nay Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và Chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Lo Chính phủ phải gánh nợ cho doanh nghiệp

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Dự án với kỳ vọng đánh dấu một bước chuyển mình về kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua từ năm 2015. Tuy nhiên, đến nay đã qua 4 năm nhưng vẫn chưa duyệt được Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Trong Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này giai đoạn 1, Chính phủ kiến nghị giao cho Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, Thảo luận tại hội trường về nội dung này sáng 12/11, nhiều đại biểu băn khoăn với đề xuất của Chính phủ.

ĐB Hoàng Thị Hoa - Bắc Giang tán thành với chủ trương không vay vốn ODA để thực hiện dự án, vì tác động đến nợ công. Mặt khác, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng quốc gia có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ.

Về việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, chỉ định doanh nghiệp thực hiện dự án gồm ACV và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, ĐB Hoa cho rằng, xét tổng thể các doanh nghiệp đầu tư vào cảng hàng không, sân bay thì ACV là công ty lớn nhất và có kinh nghiệm nhiều năm trong đầu tư, quản lý, khai thác các cảng hàng không trong cả nước. Đây là doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối hơn 95%, ngoài nhiệm vụ kinh doanh còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, bảo đảm kết nối đường hàng không giữa các khu vực trong cả nước và hiện nay ACV đang quản lý khai thác 21/22 cảng hàng không.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng cho rằng, nếu giao dự án cho các doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện thì tương lai đất nước sẽ có công nghiệp hàng không và đây sẽ là đột phá tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.

Dự án sân bay Long Thành: Lo Chính phủ phải gánh nợ cho doanh nghiệp

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Quảng Trị phát biểu tại hội trường.

Tuy nhiên, ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Trị, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phân tích: Trong tổng số 4,194 tỷ USD vốn của ACV đầu tư vào dự án, dự kiến ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế hoặc trong nước, giải ngân trong giai đoạn 2021-2025.

Theo ĐB Đồng, việc vay vốn để đầu tư của ACV sẽ không hề khó khăn do tầm quan trọng quốc gia của dự án đầu tư, cũng như do vị thế và tiềm lực của ACV ở Việt Nam, khả năng vay thương mại nước ngoài của ACV với lãi suất ưu đãi là có tính khả thi.

Điều đáng quan tâm là ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối (chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu), nên dù doanh nghiệp này huy động vốn dưới hình thức nào trên thị trường vốn quốc tế, thì mặc nhiên Chính phủ Việt Nam, dù không cấp bảo lãnh đối với khoản vay, vẫn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tài chính chủ yếu trong trường hợp ACV không trả được nợ vay.

Chủ trương của Chính phủ không mời thầu quốc tế đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành để đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước. Đồng thời đề xuất giao cho ACV làm chủ đầu tư 3 trong 4 các hạng mục đầu tư chính với lý do ACV là đơn vị có lợi thế về kinh nghiệm đầu tư và quản lý cảng hàng không, ACV cũng có khả năng chủ động về nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và việc vay vốn của các tổ chức tài chính quốc tế thì không cần bảo lãnh của Nhà nước.

ĐB Hoàng Văn Cường - Hà Nội cho rằng, 3 lý do để giao ACV như vậy là chưa thuyết phục. Việc chỉ định thầu cho ACV có thể rút ngắn được 1,5 năm nhưng trong toàn bộ quá trình đầu tư dự án chưa chắc đã rút ngắn được thời gian, vì đây là DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối nên tất cả các hạng mục triển khai đều phải đấu thầu, có thể làm chậm trễ dự án, trong khi tư nhân thì không phải đấu thầu. 

Theo ĐB, chưa thể khẳng định chỉ ACV chỉ có kinh nghiệm mà các đơn vị khác không có kinh nghiệm, và dù ACV có kinh nghiệm nhất, nhưng thực tế với với cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã chứng minh tư nhân có thể làm tốt. Chưa kể, theo ông Cường, việc giao cho ACV cũng chưa chắc đảm bảo vốn tốt nhất, bởi 3/4 nguồn vốn dự án phải đi vay, thủ tục phức tạp và khi xảy ra rủi ro Nhà nước có thể gánh. Trong khi đó nhiều tập đoàn tư nhân luôn săn sàng tham gia đầu tư, linh hoạt huy động vốn, điển hình như đường cao tốc Bắc - Nam.

ACV có đủ năng lực tài chính

Giải trình thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Thể nhận định, không có một sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1, giai đoạn 2. Khi sân bay này vừa hoàn thành, lượng khách thông qua có thể đạt ngay 20 – 25 triệu khách/năm. Những sân bay khác như Cần Thơ, xây xong 10 năm mới có 1 triệu khách/năm. Lượng khách qua sân bay Vân Đồn trong năm đầu cũng rất thấp.

Riêng sân bay Long Thành vừa xong sẽ đảm bảo lượng khách thông qua tới 25 triệu khách/năm. Đến 2030, con số này sẽ là 85 triệu khách/năm. Tổng công suất của Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 có thể lên tới 100 triệu khách/năm. Chính vì thế, tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án rất cao. Về tổng mức đầu tư. Trong hơn 1 năm qua, liên danh tư vấn Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Việt Nam đã tập trung cao độ để hoàn thành dự án, Bộ trưởng khẳng định.

Dự án sân bay Long Thành: Lo Chính phủ phải gánh nợ cho doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu giải trình thêm một số nội dung.

Theo Bộ trưởng, hiện Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra độc lập về dự án. Cùng với đó sẽ cố gắng rà soát làm sao đảm bảo tổng mức đầu tư sát với tình hình thực tế, không có lãng phí và trượt giá như những dự án khác.

Còn về GPMB, Bộ trưởng cho biết: Chính phủ có Ban chỉ đạo Công trình trọng điểm quốc gia do một đồng chí Phó Thủ tướng. Đồng chí Phó thủ tướng cũng thường xuyên kiểm tra tình hình GPMB tại Đồng Nai. Thực tế, việc GPMB chậm cũng có nhiều lý do. Chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội sẽ phối hợp với Đồng Nai, báo cáo Chính phủ, đảm bảo mặt bằng trước hết cho giai đoạn 1 của dự án.

Về năng lực của ACV, Bộ trưởng cho biết, hiện doanh nghiệp này này có khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (sau khi đã cân đối kế hoạch đầu tư phát triển 21 CHK mà ACV đang quản lý, khai thác theo kế hoạch của Bộ GTVT; bao gồm cả việc đầu tư Dự án Nhà ga hành khách T3 CHKQT Tân Sơn Nhất).

Kế hoạch từ nay đến 2025, ACV dự kiến sẽ bố trí vốn tự có được 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư. Phần vốn còn lại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm, thông qua các hình thức: Vay thương mại các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (Export Credit Agreement) áp dụng cho các hạng mục thiết bị nhập ngoại; Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, ACV đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của Dự án. Hiệu quả kinh tế của dự án CHK quốc tế Long Thành rất cao. Nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn yên tâm hỗ trợ ACV – Bộ trưởng nhấn mạnh đồng thời cũng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, chúng ta huy động nguồn lực trong nước trước. Khi nào nguồn lực trong nước không đảm bảo mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài.

Mai Thoa