Tái sinh ở "làng chết"

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:17, 22/10/2014

Trước tình trạng hàng trăm cháu bé “máu pha chì” nhiễm độc do việc tái chế chì bừa bãi khiến người dân nơi đây “tỉnh ngộ”, chủ động di dời cơ sở sản xuất ra xa khu dân cư đã cứu sống những con người trong ngôi làng vốn được mệnh danh là “làng ung thư” này

Quá khứ đáng buồn
Nghề tái chế chì ở thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã tồn tại cách đây cả nửa thế kỷ với hình thức sản xuất và tái chế thủ công khiến môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Thời kỳ cao điểm thường xuyên có 25 lò mỗi ngày nấu trên 10 tấn chì, thải ra không khí hàng tấn khói bụi.

Nguyên liệu nấu chì là phế thải từ bình ắc qui như tấm cách điện sau khi thu gom từ nhiều nguồn về được tháo rút phần axit còn sót lại, rồi được phá dỡ- để lấy các tấm chì bên trong.

Sau khi phá dỡ các dung dịch hóa chất trong các bình ắc quy được đổ bừa bãi, vỏ bình để khắp đường làng ngõ xóm. Những ngày nắng nóng bụi chì và nước axít trong các cống rãnh bốc mùi khét lẹt; khi trời đổ mưa thì chảy bừa bãi, ngấm vào lòng đất, đọng đầy các ao hồ. Không khí trong thôn luôn ngợp trong khói bụi của chì.

Trong quá trình nấu chì, một lượng khói, bụi than và bụi chì, xỉ than, đồ phế thải… không qua bất cứ công đoạn xử lý nào được thải trực tiếp ra môi trường. Cùng với đó, hoạt động vận chuyển chì và các loại phế thải nhiễm chì… theo các phương tiện vận chuyển không được che chắn phát tán khắp nơi. Đặc biệt, nhân công làm việc không được trang bị đồ bảo hộ lao động, với áo quần nhiễm chì và hóa chất, vô hình trung trở thành nguồn gây ô nhiễm chì cho chính bản thân và những người trong gia đình.

Theo các nhà chuyên môn, hàm lượng chì thải ra ở Đông Mai quá lớn: trong nguồn nước, mức trung bình là 0,77mg/l, trong khi theo tiêu chuẩn Việt Nam, con số này chỉ được phép ở mức 0,05 mg/lít vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7,7-15 lần. Ở nơi ao hồ đãi và đổ xỉ hàm lượng là 3,278mg/l, vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 32-65 lần. Do bề mặt nước bị ô nhiễm, một số thực vật, cây cối, rau cỏ ở đây cũng bị ảnh hưởng.

Người dân ở đây cho biết, khoảng chục năm về trước làng nghề có tới cả trăm xưởng tái chế chì hoạt động suốt ngày, đêm. Khói từ các xưởng tái chế chì thải ra táp vào lá lúa khiến sâu bệnh cũng phải chết, người dân trồng rau, trồng lúa không cần dùng đến thuốc sâu. Hàng nghìn người dân, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em trong làng hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp bị nhiễm độc chì.

Do nhiễm độc từ nước và khí thải của chì, có thời kỳ cả thôn Đông Mai có hơn 50% số người bị đường ruột, tá tràng, đau dạ dày; 30% mắc bệnh đường hô hấp, đau mắt; 100% số người trực tiếp nấu chì đều bị nhiễm độc chì trong máu. Đáng buồn hơn đã có hơn 40 người bị tàn tật nặng do ảnh hưởng của bụi và khói chì; trong đó có hơn 20 trẻ em bị viêm não, với các di chứng ngớ ngẩn, thọt chân, mù mắt, bại liệt...

Một số gia đình có 2-3 con bị não dị dạng, có cháu đã thiệt mạng, nhiều cháu nhiễm chì trong máu, hàng tháng phải đi lọc chì rất tốn kém. Theo phân tích từ cơ thể những người bị nhiễm độc chì, hàm lượng chì trong nước tiểu từ 0,25 -0,56 mg/l; trong máu 135 mg/l, vượt 1,5 lần mức cho phép.

Năm 2012, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) và trường Đại học Washington (Hoa Kỳ) đã chọn ngẫu nhiên 109 trẻ em dưới 10 tuổi tại Đông Mai để xét nghiệm hàm lượng chì trong máu. Kết quả 100% các em có hàm lượng chì trong máu vượt quá ngưỡng cho phép là 5 ug/dl. Cụ thể, 15 em nhiễm ở ngưỡng nguy hiểm (65 ug/dl); 17 em ở mức báo động (45- 65 ug/dl); 70 em ở mức quá cao (25 - 44 ug/dl) và 7 em nhiễm ở mức cần quan tâm (10-19 ug/dl).

Theo các nhà khoa học thì với hàm lượng chì trong máu thế này sẽ tác động không mong muốn đến hệ thần kinh của trẻ cùng những di chứng như: chậm phát triển trí não, còi cọc. Đặc biệt những trẻ em nhiễm độc chì đến 70mg/dl thì bị hội chứng não cấp, phù não, các rối loạn khác, có thể dẫn đến tử vong. Ô nhiễm chì làm trẻ em chậm phát triển trí tuệ, suy giảm chỉ số IQ, thay đổi hành vi, tính tình.

Làng ung thư đã được cứu

Hậu quả thế nào thì những con số và thực tế trên đây đã nói lên tất cả. Chính con cháu và người thân của những người làm nghề nơi đây bị ảnh hưởng và “chết dần chết mòn” đã khiến người dân hiểu được hậu quả của chính công việc mình đang làm gây ra.

Từ khi có kết quả sàng lọc nói trên, ít nhất đã có trên dưới 20 hộ gia đình ở Đông Mai chủ động đưa con cháu lên Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để xét nghiệm và điều trị, rất nhiều hộ khác cũng khắc khoải, mong muốn con cái được thải độc, tẩy chì, được sống và lớn lên trong môi trường thanh sạch.

Tái sinh ở

100% các cơ sở sản xuất trong khu dân cư đã được chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề xã Chỉ Đạo với diện tích trên 21,8ha, cách khu dân cư khoảng 1km.

Từ bất an, lo lắng cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức y tế, môi trường và chính quyền địa phương những người dân thôn Đông Mai đã có những thay đổi thiết thực nhằm giữ lấy cuộc sống cho chính mình.

Hiện nay, Đông Mai đã di dời cơ sở sản xuất ra khu công nghiệp tập trung theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp làng nghề xã Chỉ Đạo với diện tích trên 21,8ha, cách khu dân cư khoảng 1km. Và đặc biệt tín hiệu đáng mừng đó là đa phần các hộ di dời là tự nguyện, họ tự bỏ tiền mua đất, san ủi mặt bằng, xây dựng nhà xưởng.

Theo ông Lê Văn Lệ (Phó chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo) thì việc ô nhiễm môi trường ở Đông Mai đã giảm nhiều, các hộ sản xuất đã có những cải tiến đáng kể về kỹ thuật như làm ống dẫn khói, thu vào túi vải để tận thu lượng chì bị mất trong quá trình đun nấu và bảo vệ môi trường. Đồng thời ông cũng  khẳng định 100% không còn tình trạng nung nấu chì trong khu dân cư. Tất cả mọi hoạt động sản xuất đã được đưa ra khu tập trung, những nhà nào chưa có điều kiện xây dựng xưởng sản xuất thì có thể nung nấu qua hình thức là thuê lại lò của các chủ lò.

Với mong muốn khắc phục những hậu quả và giải quyết tình trạng ô nhiễm tại thôn Đông Mai thì Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đã phối hợp với Chi cục BVMT và địa phương thực hiện Dự án khắc phục ô nhiễm chì trong đất tại thôn Đông Mai.

Dự án đã tiến hành lấy hàng nghìn mẫu đất để phân tích, đánh giá hàm lượng chì. Sau khi có kết quả phân tích mẫu, dự án đã lựa chọn 38 hộ gia đình có hàm lượng chì trong đất vườn ở mức cao và hiện không có các hoạt động phá dỡ bình hoặc nấu luyện chì tại nhà để xử lý đất nhiễm chì theo phương pháp che phủ bằng đất sạch hoặc cát sạch hoặc đổ bê tông hoặc lát gạch.

Ông Lê Đức Lành, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: “Ô nhiễm chì trong đất tại làng nghề tái chế chì Đông Mai là do quá trình tích tụ chì từ hoạt động sản xuất trong nhiều năm. Do vậy, hiện nay mặc dù hoạt động tái chế chì trong thôn đã giảm, thậm chí có khu vực đã nhiều năm nay không còn diễn ra hoạt động tái chế chì nhưng lượng chì tồn lưu trong đất vẫn còn rất lớn. Và đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng ngộ độc chì của nhiều trẻ em trong thôn. Dự án khắc phục ô nhiễm chì trong đất được triển khai ở qui mô nhỏ nhưng dự án đã thực sự đem lại niềm hi vọng hồi sinh cho nhiều diện tích đất tưởng chừng đã “chết” vì nhiễm chì nặng.

Người dân ở đây đã biết chủ động đầu tư áp dụng các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí đó là tín hiệu đáng mừng khi mà họ đã biết bảo vệ sức khỏe, đời sống của bản thân và cộng đồng. 

Huy Hùng