Chuyện chưa kể về vị lương y bào chế những bài thuốc trị bệnh... “lạ”

Sức khỏe - Ngày đăng : 15:53, 09/08/2014

Rời quê lúa Thái Bình lên đường nhập ngũ rồi vào vùng biên giới Tây Ninh, sau gần 30 năm, người lính cụ Hồ chân chất ấy đã trở thành vị thầy thuốc mang quân hàm của tỉnh Tây Ninh.

Cũng ngần ấy thời gian, ông bốc thuốc chữa bệnh cứu người, hết lòng với công việc thiện nguyện. Đó chính là Thiếu tá, thầy thuốc Lê Mạnh Đường.

Thấy người dân ốm là chạy đến chữa

Trong một chuyến công tác ở Tây Ninh, chúng tôi được nghe kể về Thiếu tá Lê Mạnh Đường, vừa là Thiếu tá quân đội vừa chữa bệnh cứu người. Theo chân đồng nghiệp, chúng tôi đến phòng mạch của thầy thuốc Đường tại ấp Long Phi, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Anh đon đả bắt tay từng người, vui vẻ hỏi thăm chúng tôi. Suốt buổi trò chuyện, không khi nào đôi mắt anh thôi cười, phong thái vẫn chứa đầy khí chất của người lính cụ Hồ. Gương mặt vương đầy nắng gió nhưng vẫn còn phảng phất cái chân chất của người con trai quê lúa Thái Bình.

Chuyện chưa kể về vị lương y bào chế những bài thuốc trị bệnh... “lạ”

Thiếu tá Lê Mạnh Đường bốc thuốc cho bệnh nhân nghèo

Giọng bùi ngùi, Thiếu tá Đường chia sẻ: “Năm 1986, 18 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ, liền được phân công vào mặt trận tỉnh Tây Ninh. Khi ấy, vùng biên giới này còn khó khăn, bà con ốm đau không có điều kiện đi khám chữa bệnh. Gia đình tôi vốn có truyền thống 4 đời bốc thuốc, từ nhỏ đã được ông bà chỉ dạy nhiều về Đông y nên cứ nghe ở đâu có người đau ốm là tôi chạy tới thăm khám liền. Thấy vậy, đơn vị đã cử tôi đi học lớp sơ cấp quân y và trung cấp y tế. Năm 1991, tôi được điều về công tác ở đồn Biên phòng Mộc Bài đảm nhiệm công tác vận động quần chúng. Sau mấy lần thuyên chuyển công tác nữa thì về Bến Cầu cho đến giờ”.

Theo lời Thiếu tá Đường kể lại, vào năm 1993 anh trở thành hội viên Hội Đông y huyện Bến Cầu. Cũng trong năm đó, anh lập gia đình rồi mở tiệm thuốc Đông y ngay tại nhà ở ấp Long Phi cho đến bây giờ. Thiếu tá Đường còn cho biết thêm, hiện anh được giao phụ trách Hội Đông y của xã.
Trong phòng mạch nhỏ chất đủ loại thuốc, hằng ngày người dân vẫn ra vào nơi đây bốc thuốc, thăm khám bệnh thường xuyên. Đặc biệt, trong số bệnh nhân đến khám bệnh, bốc thuốc mỗi ngày, có nhiều người dân Campuchia từ bên kia biên giới sang. “Trong quá trình khám, chữa bệnh cho người dân hai nước, tôi luôn lồng ghép tuyên truyền về Luật Biên giới và hướng cho họ cùng bộ đội biên phòng bảo vệ cột mốc biên giới”, Thiếu tá Đường cho biết.

Trong câu chuyện đời, chuyện nghề, Thiếu tá Đường tâm sự thêm, hơn 20 năm theo nghiệp thuốc đã để lại trong anh rất nhiều kỷ niệm: “Có lẽ ấn tượng hơn cả là những bệnh nhân đầu tiên, khi mình mới vào nghề, cảm động nhất là người dân đã đặt trọn niềm tin vào mình”. Với người thầy thuốc, niềm tin của bệnh nhân là liều thuốc kích thích giúp mình thêm yêu nghề.

Thiếu tá Đường kể: “Vào khoảng năm 1996, ông Nguyễn Văn Trễ ở xã Long Thuận bị bệnh viêm cuống phổi nhưng vì nhà nghèo không có tiền chữa trị nên cứ để bệnh kéo dài. Đến khi bệnh nặng quá, lên bệnh viện bị trả về thì mới tá hỏa, lúc ấy đã không kịp nữa rồi”. Thời điểm ấy, Thiếu tá Đường tình cờ nghe được tin gia đình ông Trễ mời thầy tụng đến nhà tụng kinh gõ mõ, chuẩn bị tiễn đưa ông sang thế giới bên kia. Chẳng kịp suy nghĩ nhiều, anh liền tức tốc đến châm cứu và sắc nước gừng cho người đàn ông xấu số uống. Dù không tin chắc lắm nhưng người nhà ông Trễ cũng đành còn nước còn tát. “Lúc đó, ông Trễ chỉ còn thở ngáp mang cá, mắt trợn trắng và mất hết cảm giác, châm cứu không còn biết đau. Thân thể ông chỉ còn da bọc xương”, Thiếu tá Đường nhớ lại.

Thật bất ngờ, sau một thời gian châm cứu và uống nước gừng, sức khoẻ ông Trễ có dấu hiệu phục hồi tốt, rồi ông đòi ăn cháo. Cả gia đình ông mừng rơi nước mắt, nhốn nháo cả lên. Sau một thời gian uống theo toa của Thiếu tá Đường, căn bệnh quái ác của ông Trễ hoàn toàn biến mất. Đến nay, đã gần 70 tuổi nhưng hằng ngày, ông Trễ vẫn chạy xe chở hàng thuê.

Chữa được hàng loạt căn bệnh

Danh tiếng và tay nghề của thầy thuốc Đường ngày càng lan xa không chỉ Bến Cầu mà trải dài khắp các vùng biên giới Tân Biên, Tân Châu và cả những tỉnh miền Trung xa xôi. Bà Ngô Thị Mai (62 tuổi, ngụ huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) cho biết thêm: “Hồi trước tôi bị thoái hóa khớp, thuốc thang tứ phương cũng không khỏi nên đã tưởng suốt phần đời còn lại phải nằm liệt giường. May nghe bạn bè giới thiệu nên tôi tìm đến phòng mạch của thầy thuốc Đường châm cứu rồi bốc thuốc uống. Sau hai tháng thì đỡ dần, đi lại được bình thường. Tôi bốc thêm hai chục thang nữa, giờ vẫn uống và không còn thấy triệu chứng gì về bệnh khớp nữa”.

Đối với người thầy thuốc, còn niềm vui nào hơn là khi thấy bệnh nhân của mình hoàn toàn bình phục. Nhưng Thiếu tá Đường vẫn không tự mãn, anh không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề. Khi có bệnh nhân mới, anh luôn trăn trở, suy nghĩ tìm ra những phương thuốc mới, cách điều trị sao cho phù hợp với cơ địa mỗi người. Hiện nay, không chỉ đặc trị các bệnh gan, phổi, xương khớp hay xoang, hen… người thầy thuốc mang quân hàm xanh Lê Mạnh Đường còn chữa trị những bệnh nguy hiểm như tai biến mạch máu não, đột quỵ… giúp nhiều người phục hồi tốt, nếu không trở lại hoàn toàn bình thường thì cũng cải thiện được 50 - 60%. Bên cạnh công việc thường ngày, anh luôn sắp xếp làm công tác từ thiện. Những năm qua, những chuyến đi đến vùng biên thăm khám, phát thuốc chữa bệnh cho dân nghèo của anh ngày càng dày lên theo thời gian.

Nói về công việc thầm lặng của người thầy thuốc nơi biên giới, Thiếu tá Đường từ tốn nói: “Tôi đã trồng một số cây thuốc Nam để điều trị các chứng bệnh tại chỗ như các bệnh về hô hấp hay tiêu hóa. Kết hợp với chữa bệnh, tôi còn tuyên tuyền bà con phòng tránh bệnh là chủ yếu. Những ngày đầu quả thật khó khăn, song đến giờ tôi đã là một người con của Tây Ninh, đã là người thân của bà con nên tất cả thuận lợi hơn rất nhiều”.
Những năm qua, thầy thuốc Lê Mạnh Đường đã góp phần làm cho lối sống của những người dân nơi đây thay đổi hẳn. Không chỉ sức khỏe được cải thiện mà bà con còn được tập huấn về các phương pháp phòng bệnh. Với tấm lòng của một vị lương y và khí chất của  người lính cụ Hồ, Thiếu tá Lê Mạnh Đường xứng đáng là người thầy thuốc nhân dân của huyện Bến Cầu.

Người thầy thuốc, người đồng chí tận tâm

Thiếu tá Tạ Ngọc Thuyên, Trưởng ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Tây Ninh cũng là người từng được Thiếu tá Đường chữa bệnh, cho biết: “Đồng chí Lê Mạnh Đường là người thầy thuốc,  người đồng chí đồng đội tận tâm. Những năm vừa qua, đồng chí Đường không chỉ tận tụy chữa bệnh cho dân mà các anh em trong đơn vị ai có bệnh cũng đều là bệnh nhân của đồng chí Đường”.

 

Văn Tú - Bảo Vũ