Bài thuốc đặc trị bệnh gan - 30 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:49, 03/06/2014
Nhìn những người dân chết dần trong bệnh tật vì không có tiền khám chữa, ông đã lặn lội khắp mọi vùng quê chữa bệnh từ thiện cho dân nghèo các tỉnh miền Tây Nam bộ, chỉ với mong muốn có thể san sẻ với những người dân bất hạnh một cơ hội sống. Bằng nhường ấy thời gian, đối với người dân tỉnh Tây Ninh và các tỉnh thành lân cận, ông luôn là người thầy thuốc của mọi người, mọi nhà.
Lương y Võ Thanh Nhị đang thăm khám bệnh
Một lòng với công việc thiện nguyện
Tìm về ấp Trường Phước (xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh), chúng tôi dễ dàng hỏi địa chỉ của lương y Võ Thanh Nhị, bởi người dân nơi đây không còn ai lạ gì thầy Nhị nữa. Lúc chúng tôi đến thì thầy Nhị đã nghỉ trưa. Không có bệnh nhân, thầy đang dạy cho cô con gái những kiến thức về y học. Phòng khách cũng là nơi thầy Nhị đặt tủ thuốc và thăm khám bệnh.
Bao năm hành nghề chữa bệnh, thầy Nhị đúc rút cho mình nhiều kinh nghiệm, đặc biệt với bệnh gan. Thầy Nhị cho hay: “Thực ra, chữa bệnh, dù bằng thuốc Bắc hay thuốc Nam thì cũng đều cần có thời gian. Bệnh nhân đến thầy khám chữa bệnh đa phần mắc bệnh gan. Dù là viêm gan hay gan nhiễm mỡ, xơ gan… cũng đều khó chữa và còn rất tốn kém nữa. Ở những vùng bà con còn nghèo, họ không có điều kiện khám chữa bệnh nên không phát hiện bệnh sớm được, do đó thường khi biết thì đã rất nặng rồi. Như bệnh nhân của tôi, phần lớn đều đã ở giai đoạn cuối nên chuyện điều trị rất lâu dài. Hầu như ít nhất phải mất một đến hai năm mới trị dứt hoàn toàn được”. Nắm bắt được những bất cập đó, lương y Võ Thanh Nhị đã vận động một số mạnh thường quân thực hiện nhiều chuyến đi khám chữa bệnh, bốc thuốc từ thiện.
Nói về phương thuốc chữa bệnh gan của mình, thầy Nhị không giấu giếm: “Bài thuốc cũng khá đơn giản, hầu như những vị thuốc đều ở xung quanh ta thôi. Cây chó đẻ, bách hoa xà, nấm linh chi, hoa sứ, dái ngựa, cù đèn… tất cả đem cắt nhỏ, phơi khô rồi sắc nước uống, cứ ngày ba lần uống đều đặn. Sau khi uống được nửa tháng thì ngưng uống một tuần để kiểm tra. Ngoài ra, đối với những người bệnh ở xa hoặc không có điều kiện để sắc thuốc uống, tôi cũng tán nhỏ, vo thành viên để họ uống dần. Quan trọng là ta phải theo dõi bệnh nhân để tăng giảm liều lượng cho hợp lý, nếu có dấu hiệu thuyên giảm phải bớt liều uống lại, nếu bệnh tình vẫn không tiến triển thì gia tăng thêm lượng thuốc”.
Thầy Nhị chia sẻ thêm: “Đối với người bệnh, thường đôi khi họ không có đủ kiên nhẫn, cứ uống vài ba tuần không thấy thuyên giảm sẽ ngay lập tức đổi phương thuốc khác, thậm chí đang uống thuốc Nam thì đổi ngay sang thuốc Tây. Mà thông thường hai loại thuốc này rất kỵ nhau, uống vào bệnh không bớt mà đôi khi có hại thêm cho mình. Nhưng người dân lại không biết, vốn có bệnh thì vái tứ phương mà. Như một số người bị viêm xoang, khi tìm tới tôi thường đã rất nặng, tôi kê đơn thuốc, ngoài sắc nước uống tôi cũng bào chế dạng nước thật keo rồi đổ thẳng xuống mũi. Phải chịu khó chữa như vậy từ hai đến ba tháng bệnh mới bớt được”.
Từ thực tế hằng ngày, từ ngàn xưa con người ta đã biết tự chữa bệnh bằng những cây thuốc dân gian, nay nó vẫn ở trong vườn nhà mình đấy thôi. “Như trị bệnh trĩ chẳng hạn, tôi dùng lương khương, tức trái khổ qua, bông thốt nốt, lá sa kê, vỏ cây sầu đâu, cúc dại, đem phơi khô rồi sắc nước uống. Thực ra bệnh trĩ cũng là một trong những căn bệnh khó chữa, phải chữa từ từ. Bước đầu, bệnh nhân uống nhiều nước để làm nhuận trường, dễ đi tiêu đã. Thường bệnh nhân là người già hay mắc phải nên càng khó vì họ không có điều kiện hoặc kiên nhẫn để chữa. Bên cạnh đó thường xuyên ăn những thức có tính mát để giải độc, tự làm mát cơ thể như khổ qua, rau nhào, rau bù ngót… Đấy, thực ra thuốc ngay trong vườn nhà mình”, thầy Nhị lý giải.
Duyên nợ với ngành y
Tâm sự về ước mơ chữa bệnh từ thiện cho người nghèo, thầy Nhị dốc lòng nhiệt huyết nhưng phải vận động động được người có tâm cùng chí hướng ủng hộ mình: “Thực ra không phải chỉ có tấm lòng là được mà còn cần có tiền nữa, vì tất cả thuốc thang hầu như tôi đều phải mua lấy. Thăm khám bệnh mình có thể miễn phí được rồi, quan trọng là nếu mình không cho thuốc thì bệnh nhân cũng không thể tự mua được”. Cơ duyên để vị lương y này mở rộng việc thiện nguyện chữa bệnh cho người nghèo xuất phát khi thầy Nhị chữa khỏi bệnh cho con gái của bà Út Nêm, một gia đình khá giả ở xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành. Cô bé bị bại liệt do biến chứng não, đã chạy chữa nhiều nơi nhưng đều vô vọng. Khi tìm đến thầy Nhị, bà Út Nêm cũng không hy vọng gì nhiều. Thế nhưng, sau một thời gian thuốc thang, cô bé khỏi bệnh một cách thần kỳ. Cảm động, bà đã xin được hỗ trợ tổ chức y tế từ thiện của thầy Nhị mỗi tháng 2 triệu đồng.
Cũng từ đó, tấm lòng của các vị mạnh thường quân mãi tận Cà Mau, Bình Thuận, Bình Phước… tìm đến xin hỗ trợ bệnh nhân nghèo ngày càng đông. Chung một tấm lòng hướng thiện, mong góp chút sức cho những bệnh nhân nghèo, họ đã chung tay cùng thầy Út Nhị đi đến mọi miền đất nước, thăm khám và cấp phát thuốc miễn phí. Thầy Nhị cũng cho biết thêm, hiện tại ngoài bài thuốc chữa bệnh gan thầy chưa có điều kiện để cấp phát miễn phí những phương thuốc khác cho bệnh nhân. Tuy nhiên, giá thuốc thầy bán tại tiệm cũng chỉ gọi là bán cho “có lệ”, bởi mỗi toa thuốc không đến 100 ngàn đồng.
Gần 30 năm duyên nợ với nghề, thầy Nhị vẫn cần mẫn rảo bước khắp mọi miền quê nghèo. Vị lương y tuổi Ngựa (ông sinh năm 1966) này cười cho biết: “Tôi tuổi Ngựa nên hay đi nhiều, ở không một chỗ đâu có yên”. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Đông y tại trường Trung cấp y tế tỉnh Tây Ninh, ông về công tác tại trạm y tế Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Tại đây, ông đã gặp được người vợ hiền, mà sau này chính là cánh tay đắc lực giúp ông trong những chuyến đi và là hậu phương vững chắc của ông.
“Đến năm 2000, tôi cùng gia đình chuyển về công tác tại trạm y tế xã Trường Tây, huyện Hòa Thành và làm ở đây cho đến bây giờ. Hồi đó khó khăn lắm, vợ tôi đã phải đi bán hàng rong để lo cho gia đình và phụ tiền cho tôi mua thuốc. Làm nghề này có được bao nhiêu tiền đâu, nhưng biết tôi tâm huyết với nghề, với bệnh nhân nên bả vẫn lặng lẽ động viên, lo chu toàn việc nhà để tôi chuyên tâm làm việc. Thế rồi do phụ tôi nhiều nên bả cũng quen mặt, quen tên thuốc, dần dà bả giúp tôi bốc thuốc. Tôi chỉ lo khám và kê đơn”. Ông nói về người phụ nữ đứng đằng sau mình với vẻ tự hào. Hiện tại, cô con gái lớn của ông đã tốt nghiệp chuyên ngành Đông y tại trường trung cấp Y tế tỉnh Tây Ninh, hiện đã đi làm và vẫn phụ giúp ông tại phòng khám. Cậu con trai thứ hai cũng nối gót cha và chị gái, đang theo học ngành y.
Cả đời tận tụy với bệnh nhân, lương y Võ Thanh Nhị như một con tằm miệt mài xây kén, dâng từng sợi tơ cho đời. Với tâm niệm không ham tiền bạc, hư danh, chỉ mong mình mãi có thể là một người thầy thuốc có ích cho dân nghèo. Bằng những bài thuốc của mình, ông đã giúp biết bao người dân nghèo tìm lại được cuộc sống khỏe mạnh. Với những thành quả ấy, ông xứng đáng là người thầy thuốc của nhân dân.
Từng chữa bệnh cho thân mẫu Thủ tướng Thầy Nhị cho biết, trong những bệnh nhân của mình, ca chữa bệnh khó quên nhất đối với thầy Út Nhị phải nhắc đến bà Mười Hương, thân mẫu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bà Mười bị thoái hóa cột sống, đi lại rất khó khăn, qua những người dân từng tới đây khám bệnh bà biết đến thầy út Nhị và đã lặn lội tìm đến xin thăm khám. Thật không ngờ chỉ sau 9 lần bốc thuốc, bệnh của bà Mười đã khỏi hoàn toàn. |