Bài thuốc gia truyền giúp sản phụ thư thái khi lâm bồn
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:58, 29/05/2014
Bài thuốc gia truyền là sự tổng hòa của hơn 20 loại thảo dược khác nhau. Những loại thảo dược này khi kết hợp với nhau sẽ giúp kích thích các dây thần kinh, làm cho toàn thân thai phụ thư thái, sẵn sàng cho việc sinh con.
Bà lang đỡ đẻ “mát tay” cho hàng ngàn sản phụ
Nhiều năm nay, mỗi khi lên Hòa Bình công tác, chúng tôi lại được người dân địa phương kể câu chuyện về bà lang xứ Mường Bi tên Bùi Thị Đình sở hữu một bài thuốc Nam gia truyền vô cùng quý giá. Người dân cho biết, có thể nói, đây là bài thuốc có “một không hai” dành cho những sản phụ chuẩn bị lâm bồn không phải chịu cảnh đau đớn do cơn đau đẻ mang lại. Đặc biệt, bài thuốc này còn giúp cho đứa trẻ sơ sinh chống lại nhiều bệnh tật. Sau nhiều lần trì hoãn, chúng tôi quyết định diện kiến bà lang để tìm hiểu về bài thuốc độc đáo này.
Cây sa nhân – Một cây thuốc nằm trong bài thuốc quý của bà lang Đình. Ảnh nhỏ: Bà lang Bùi Thị Đình
Từ thủ đô Hà Nội, chúng tôi phải mất khá nhiều thời gian mới đến được tỉnh Hòa Bình. Từ trung tâm hành chính tỉnh, bằng nhiều loại phương tiện chúng tôi mới lại đến được bản Mường Bi nằm ở xóm Ải (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc). Bà Đinh Thị Tuất (ngụ xã Phong Phú) một người dẫn đường tận tình cho biết: “Bà lang Đình nổi tiếng xứ này gần 30 năm nay rồi. Giờ này, bà ấy đang ở nhà đấy”.
Nhìn ngôi nhà sàn đặc trưng và nhìn cách ăn vận của bà Đình, chúng tôi nhận ra ngay bà lang Đình nổi tiếng xứ Mường Bi này. Bà Đình niềm nỡ mời chúng tôi vào nhà. Khi biết mục đích chuyến viếng thăm bất ngờ của chúng tôi, bà Đình nở nụ cười thật tươi. Sau khi “ép” chúng tôi uống hết chén trà, bà Đình mới chia sẻ về bài thuốc Nam đặc biệt mà mình đang nắm giữ.
Trước khi chia sẻ về bài thuốc, bà Lang bảo chúng tôi phải tìm hiểu về nghề đỡ đẻ của mình trước. Khi hiểu rõ nghề này rồi thì khi bà kể về bài thuốc thì chúng tôi “mới ngấm” được. Bà Đình chia sẻ, đại gia đình nhà bà có truyền thống đỡ đẻ nhiều đời nay tại xóm Mường Bi này. Từ khi còn nhỏ, bà Đình được bà nội và mẹ truyền dạy những kiến thức cơ bản của nghề đỡ đẻ. Khi lớn lên một chút, bà thường được đi theo bà nội, mẹ đỡ đẻ cho người dân trong vùng. Tính đến bây giờ, bà Đình đã đỡ đẻ thành công cho hàng ngàn sản phụ. Nhiều người dân địa phương gọi bà là bà lang “mát tay” của sản phụ.
“Đây là một nghề đặc biệt, phải là những người có nhiều kinh nghiệm thìmới dám đi đỡ đẻ. Làm công việc này, người đỡ đẻ chỉ cần sơ sẩy một giây sẽ khiến cho bà mẹ lẫn em bé gặp nguy hiểm. Trong hàng ngàn ca đỡ đẻ, tôi cũng từng gặp một vài ca nguy hiểm. May mắn là nhờ những kinh nghiệm mà bà nội và mẹ truyền dạy, nên đã nhanh trí xử lý để cứu mẹ lẫn con”, bà lang Đình hào hứng kể về công việc hằng ngày của mình.
Hơn 30 năm nay, người dân xứ Mường Bi đã rất quen với hình ảnh bà lang hiền hậu chất phác nhưng rất nhanh nhẹn và nhiệt tình. Chỉ cần có người gọi đi đỡ đẻ cho người dân ở trong bản, thậm chí ở các bản khác cách vài cây số, thì dù trời mưa gió hay đêm tối bà vẫn băng rừng vượt núi để đi. Bà Đình tâm sự: “Người Mường Bi quê bà vẫn còn rất nghèo khó, trạm xá thường ở xa, nên việc có bà lang đến đỡ đẻ rất quan trọng. Nhiều trường hợp sản phụ được đưa đi bệnh viện, giữa đường thì vỡ ối. Nhận được tin, tôi liền có mặt để đỡ đẻ. Nếu thời điểm đó, không có những bà lang như tôi thì sản phụ cùng em bé đã tử vong rồi”.
Bài thuốc là tổng hòa của 20 cây thuốc
Hé lộ về bài thuốc Nam đặc biệt của mình, bà Đình cho biết, người được truyền lại bài thuốc này, phải là người có kinh nghiệm đi đỡ đẻ nhiều năm và phải có đạo đức. Bà Đình chia sẻ: “Chính vì lý do trên, đến năm tôi tròn 20 tuổi, bà nội mới tin tưởng mà truyền bài thuốc này cho tôi. Khi truyền xong bài thuốc, bà nội có căn dặn tôi là phải dùng bài thuốc để “cứu người”, chứ không được trục lợi, kiếm tiền bất chính”.
Bà Đình chia sẻ tiếp: “Bài thuốc Nam gia truyền này có công dụng đặc biệt giúp những phụ nữ mang thai dễ dàng “vượt cạn”, đồng thời có tác dụng giúp các em bé mới lọt lòng mẹ chống lại được rất nhiều bệnh tật để lớn lên khỏe mạnh. Bài thuốc gia truyền là sự tổng hòa của hơn 20 loại thảo dược khác nhau, thành phần chủ yếu có cây dụi, cây tơn, cây lá hì, lá lốt lai, cây cánh bướm, cây sa nhân, cây ngạnh trê… Những loại thảo dược này khi kết hợp với nhau sẽ giúp kích thích các dây thần kinh, làm cho toàn thân thai phụ thư thái, sẵn sàng cho việc sinh con”.
“Để sử dụng bài thuốc này, người nhà sản phụ phải bỏ tất cả vô nồi nước lớn rồi đun lên. Khi nào nước sôi thì múc ra ngoài để nguội. Trước khi sản phụ lâm bồn, bà đỡ sẽ tắm cho sản phụ bằng loại nước này. Khi sản phụ sinh đứa bé xong, bà đỡ cũng sẽ lấy loại nước thuốc này tắm cho em bé. Thực tế đã chứng minh, nhiều sản phụ khi được tắm với loại nước thuốc này đều thấy thư thái hơn trong việc sinh con. Đối với em bé, sau khi được tắm loại nước thuốc này thì không mắc các bệnh vặt như những đứa bé không tắm nước thuốc”, bà lang Đình cho hay.
Ngoài bài thuốc quý trên, bà Đình còn có nhiều bài thuốc hay dành cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Như chữa chứng thiếu sữa ở mẹ, bà Đình khuyên nên dùng các loại cây roi kiến, cây lá bướm và một vài loại thảo dược khác về giã nát, đun sôi, lấy nước uống hằng ngày. Đối với trường hợp trẻ bị ho nhẹ thì chỉ cần lấy cây lá bướm giã nát lấy nước cho trẻ uống là sẽ đỡ... Những bài thuốc dân gian này có nguồn gốc từ thiên nhiên nên vừa dễ kiếm lại vừa an toàn, rất phù hợp cho cư dân vùng rừng núi xứ Mường này. Bà Đình chia sẻ: “Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ công thức, kinh nghiệm sử dụng các loại dược thảo này”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Dựng, Trưởng xóm Ải cho biết: “Chính quyền địa phương đều biết rõ bài thuốc giúp chữa trị cho bà đẻ và trẻ sơ sinh của gia đình bà Đình là bài thuốc gia truyền được truyền qua nhiều đời.
Trước đây, khi chưa có trạm y tế, đa số các bà đẻ và trẻ sơ sinh đều được bà Đình giúp đỡ. Giờ đây, vẫn có nhiều gia đình hay đến nhờ bà hái các loại thảo dược dùng để tắm cho trẻ và đặc trị các bệnh nhẹ thường gặp, tất cả đều được bà miễn phí. Việc làm của bà Đình không chỉ giúp chữa bệnh cho nhiều người mà còn làm tăng thêm tình đoàn kết của bà con trong bản làng”.
Cần được lưu truyền để giúp đỡ người dân Ông Huỳnh Văn Nam, cán bộ UBND huyện Tân Lạc cho biết: “Với địa bàn rộng lớn và đi lại còn khó khăn như huyện Tân Lạc, điều kiện y tế còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn thì những bài thuốc dân gian hiệu quả của bà đỡ Bùi Thị Đình là rất đáng quý và cần được lưu truyền để giúp đỡ nhiều người dân. |