Sẽ không còn khói thuốc?!
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:38, 23/05/2014
Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì đến năm 2030, có gần 10% dân số Việt Nam sẽ tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
Một thời đại không thuốc lá đang hình thành?
Vào năm 1987, những quốc gia thành viên của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông qua một nghị quyết thành lập "Ngày không thuốc lá trên thế giới", nhằm mục đích giảm bớt con số 3,5 triệu người chết mỗi năm do những bệnh liên quan đến thuốc lá. Bắt đầu từ năm 1988, ngày 31 tháng 5 là ngày để cho thế giới chú ý đến bệnh nghiền thuốc lá cũng như là những cái chết và bệnh tật mà thuốc lá đã tạo ra. Với sự hiểu biết của công chúng ngày càng gia tăng về nguy cơ của thuốc lá, nhiều quốc gia đã tiến đến việc cấm hút thuốc. Hoa Kỳ, với kỹ nghệ thuốc lá lớn nhất trên thế giới và cũng là nơi có nhiều vụ kiện lớn xảy ra, là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc cấm hút thuốc. Vào năm 1990, San Luis Obispo thuộc tiểu bang California là thành phố đầu tiên trên thế giới đã thông qua đạo luật cấm hút thuốc trong tất cả những tòa nhà công cộng. Từ đó, nhiều thành phố và tiểu bang đã mô phỏng luật này. Sau 4 năm nỗ lực hợp tác làm việc, những quốc gia thành viên của WHO đã thông qua Hiệp ước Căn bản về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC, Framework Convention on Tobacco Control). Kể từ đó, nhiều quốc gia thành viên của WHO đã phê chuẩn Hiệp ước này. Sau lần phê chuẩn thứ 40 (từ quốc gia Pêru), Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực vào tháng 2 năm 2005. Cho đến nay, 168 quốc gia đã ký kết và 141 quốc gia đã phê chuẩn hiệp ước này, và sẽ trở thành những thành viên chính thức tuân theo pháp luật với hiệp ước FCTC. Hiệp ước về sức khỏe quần chúng này đã đưa ra những nguyên tắc chỉ đạo để kiểm soát việc cung cầu của thuốc lá, là bước quan trọng cho sức khỏe của dân chúng mọi quốc gia, cũng là một đánh dấu quan trọng về sự hợp tác quốc tế trong một thế giới toàn cầu.
Châu Âu, từng nổi tiếng về truyền thống hút thuốc lâu đời, gần đây đã đi đầu thế giới về việc thông qua luật cấm hút thuốc. Từ năm 2004, các quốc gia Newzeland, Na Uy, Ý, Malta, Thụy Ðiển và Hà Lan đã cấm hút thuốc tại những nơi công cộng; nhiều quốc gia khác đã ban hành hoặc dự trù ban hành những luật tương tự. Trong năm 2003, Cộng Đồng Chung Châu Âu đã ban hành chỉ thị đòi hỏi tất cả những quốc gia thành viên cấm quảng cáo thuốc lá trên báo chí, đài truyền thanh và trên trang mạng bắt đầu từ ngày 31 tháng 7 năm 2005. Tại Hoa Kỳ, 14 tiểu bang và hơn 2 ngàn thành phố bao gồm New York, Los Angeles và Chicago đã ban hành luật cấm hút thuốc tại những nơi công cộng không thoáng khí. Những thành phố gần đây đã ban hành luật này là: Calabasas thuộc tiểu bang California đã cấm hút thuốc tại hầu hết những địa điểm công cộng lộ thiên cũng như là bên trong các tòa nhà. Ðiều này được xem là luật cấm có tính cách toàn diện nhất trên nước Mỹ; vào tháng 9 năm 2006, quận San Diego đã ban hành lệnh cấm hút thuốc tại các công viên, bãi biển và những nơi công cộng đông người lui tới; thành phố Ashland thuộc tiểu bang Kentucky đã cấm hút thuốc tại tất cả những văn phòng và nơi công cộng không thoáng khí, cũng như là những vận động trường, sảnh đường, sân và những tầng lầu nhà hàng, bắt đầu có hiệu lực vào tháng 10 năm 2006; và vào ngày 16 tháng 11, tiểu bang Hawaii đã trở thành tiểu bang không hút thuốc thứ 14 khi luật cấm hút thuốc nghiêm nhặt được ban hành. Thủ đô Wahsington của Hoa Kỳ cũng tham gia vào danh sách những thành phố cấm hút thuốc vào tháng 1 năm 2007.
Tại Châu Úc, quốc gia Tasmania là quốc gia đầu tiên ban hành luật cấm hút thuốc toàn diện trong các tòa nhà vào tháng 1 năm 2006; từ tháng 8 năm 2006, tất cả những quán ăn, quán rượu và câu lạc bộ thuộc miền Tây Úc đã cấm hút thuốc; thủ đô tự trị của Úc sẽ cấm hút thuốc tại những nơi công cộng vào tháng 12 năm 2006; tại Queensland, luật cấm hút thuốc được ban hành vào tháng 7 năm 2006 được xem là luật nghiêm nhặt nhất tại Úc, đã cấm hút thuốc tại tất cả các quán ăn, quán rượu, câu lạc bộ, nhà hàng, những địa điểm làm việc, các địa điểm ăn uống lộ thiên và các địa điểm công cộng ngoài trời như bãi biển, vườn chơi trẻ em, những vận động trường lớn, và trong vòng 4 mét (13 bộ Anh) từ cửa những tòa nhà công cộng.
Hàn Quốc đã cấm hút thuốc trong bệnh viện, trung tâm giữ trẻ, trường mẫu giáo và các địa điểm giáo dục khác. Luật cũng đòi hỏi phải có những địa điểm cấm hút thuốc tại các trung tâm trò chơi điện tử, quán nối mạng Internet, thư viện sách hình, vận động trường bóng chày và bóng đá, các nhà hàng lớn, trên xe lửa và tại những trạm xe điện ngoài trời. Thêm vào đó, những trung tâm y tế công cộng trên toàn quốc đều có những bệnh xá miễn phí cho những ai muốn bỏ hút thuốc.
FCTC đến Luật phòng chống tác hại của thuốc lá
Ngày 11/11/2004, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO, Công ước đã có hiệu lực tại Việt Nam từ 17/03/2005. Vào tháng 06/2012, Quốc Hội đã thông qua Luật phòng, chống tác hại thuốc lá với những biện pháp toàn diện để kiểm soát thuốc lá. Luật nhằm mục đích xây dựng môi trường không thuốc lá để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với khói thuốc cho cộng đồng. Theo luật, công dân có quyền yêu cầu không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút, nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá, tiếp thị thuốc lá trực tiếp đến người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Nghiêm cấm tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, không sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em. Việc vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm nơi làm việc, trường cao đẳng, đại học, học viện. Ôtô, tàu bay, tàu điện cũng là những phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Cấm hút thuốc trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm cơ sở y tế, giáo dục, trừ các trường cao đẳng, đại học, học viện. Không được hút thuốc ở nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Bên cạnh các địa điểm cấm hút thuốc, nơi dành cho người hút thuốc như: khu vực cách ly của sân bay, quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; các phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa. Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; có thiết bị phòng cháy, chữa cháy
Cuộc thi “ Cuộc sống không khói thuốc lá”
Nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/05/2014, TƯ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Y tế và Quỹ lá phổi thế giới phát động bình chọn cho cuộc thi Cuộc sống không thuốc lá vào ngày 21/04/2014 vừa qua. Tham dự cuộc thi năm nay có rất nhiều bức ảnh, áp phích cổ động, video clip ngắn thể hiện thông điệp và hình ảnh không khói thuốc lá rất đặc sắc. Đây là một “sân chơi dành cho các bạn thanh niên thể hiện sự sáng tạo của mình đồng thời cũng là cơ hội để các bạn nhận thức đầy đủ hơn vị trí, vai trò, khả năng của mình trong việc góp phần xây dựng môi trường sống không khói thuốc lá, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng”- theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Cục Trưởng Cục Quản Lý Khám chữa bệnh, Chánh Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá- Bộ Y tế khen ngợi.
Cùng xem một số tác phẩm dự thi: