“Thần y” sở hữu bài thuốc chữa gãy tay, chân “độc nhất vô nhị”

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:20, 07/05/2014

Nhiều năm nay, người dân Tam Đảo mỗi khi bị gãy tay, chân đều tìm đến ông Dương Văn Nghị để chữa trị. Sự mát tay hiếm có, cộng với bài thuốc “độc nhất vô nhị” đa giúp ông chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người.

Mặc dù được gọi là “thần y”, nhưng ông Nghị chỉ nhận mình là thầy lang chữa bệnh cứu người mà thôi.

Đi tìm ông thầy lang sống trên núi

Khi nghe tin chúng tôi có dịp ra Hà Nội công tác, một người bạn đang công tác trong ngành y tế tại Tam Đảo liền điện thoại rủ ra Tam Đảo ngắm cảnh đẹp và diện kiến một “thần y” có một không hai tại đây. Ông là Dương Văn Nghị, sở hữu bài thuốc chữa gãy tay chân cực kỳ hiệu nghiệm. Bên cạnh đó, cuộc đời của vị “thần y” này cũng là một câu chuyện ly kỳ. Trước lời “rủ rê” của người bạn và tò mò về người đàn ông “đặc biệt” này, chúng tôi quyết định lên đường.

Có mặt tại Tam Đảo, chúng tôi nhờ người bạn đưa đến nhà ông Nghị ngay. Trên đường đi, người bạn cho biết, ông Nghị được người dân Tam Đảo gọi là “lão hâm”. Ông sống nghèo khó và sở hữu một bài thuốc trị gãy tay chân rất hiệu nghiệm.

Sau khi theo chân người bạn vượt qua hàng chục ký lô mét đường mòn dẫn vào một ngọn núi, chúng tôi mới thấy thấp thoáng một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ nằm trên lưng chừng núi được anh bạn cho biết đó là nhà của ông Nghị. Khi chúng tôi đến nơi, đã thấy ông Nghị đứng ở trước nhà. Ông khoác vai chúng tôi kéo một mạch vào nhà.

“Thần y” sở hữu bài thuốc chữa gãy tay, chân “độc nhất vô nhị”

Vị “thần y” sở hữu bài thuốc bí truyền chữa gãy tay chân

Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, ông Nghị cười khà khà rồi lên tiếng: “Trước đó, tôi được một người quen thông tin là có nhà báo đến rồi. Tôi còn biết mục đích của các anh đến đây để làm gì”. Khi bị ông Nghị “bóc mẽ”, chúng tôi đành phải nói ra mục đích của chuyến “viếng thăm” này. Chúng tôi vừa dứt lời, ông vui vẻ đi ngay vào vấn đề: “Các anh muốn phỏng vấn gì thì cứ hỏi, tôi không giấu gì nhưng chỉ mong sao các anh đừng hiểu nhầm tôi là “lão hâm” hay “lang băm” là được”.

Giải thích về việc bị gọi là “lão hâm” ông Nghị bảo: “Do bài thuốc bí truyền thuộc vào loại “có một không hai” nên bản thân nó đã mang trong mình một bí mật không thể có ai ngoài tôi được biết. Do vậy nhiều người tò mò nghi kỵ bảo tôi là “lão hâm” hoặc “ông già hâm”. Thậm chí, có nhóm lang vườn ở đâu tìm tới với ý đồ khai thác bí mật từ bài thuốc này nhưng bất thành, tức tối họ phao tin tôi là lang băm”.

Học bài thuốc quý từ bố vợ

Thấy trong nhà nóng bức, ông Nghị liền gọi chúng tôi ra ngoài hiên nhà trò chuyện. Chọn cho mình chỗ ngồi nhìn rõ phong cảnh ở xung quanh ngôi nhà của mình nhất, ông Nghị mới bắt đầu chia sẻ câu chuyện đời mình. Ông sinh năm 1935, thời điểm đất nước đang xảy ra chiến tranh ác liệt. Khi đến tuổi đến trường, ông Nghị được bố mẹ cho đi học tại một lớp học dã chiến của địa phương.

Sau nhiều năm chờ đợi hòa bình, đến năm 1945, Cách mạng tháng 8 thành công, gia đình ông Nghị không còn phải sống trong cảnh “đạn lạc, bom rơi” nữa. Sau đó, ông được cử đi học sư phạm rồi sau đó về dạy ngay tại trường huyện. Đến những năm giáp chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Nghị được lãnh đạo tín nhiệm giao một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong ngành tình báo.

Nhờ trí thông minh, lại can trường nên dù trong lòng địch, ông Nghị vẫn không hề nao núng và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Sau nhiệm vụ đặc biệt này, ông Nghị lại trở về chiến trường, trực tiếp cầm súng tiêu diệt quân thù. Trong thời gian chiến đấu, thấy nhiều đồng đội bị đạn pháo bắn vào chân tay làm gãy xương, ông Nghị vô cùng đau xót. Nhớ lại bài thuốc của bố vợ hay sử dụng để làm lành vết gãy, ngoài những giờ chiến đấu, ông Nghị lao vào tìm hiểu thêm và nghiên cứu bài thuốc này. Chỉ sau thời gian ngắn mày mò, ông Nghị đã dùng bài thuốc của mình cứu chữa cho rất nhiều đồng đội.

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Nghị quay trở lại quê hương tiếp tục làm nghề “gõ đầu trẻ”. Trong thời gian này, bài thuốc chữa gãy tay chân được ông Nghị tiếp tục hoàn thiện và bổ sung thêm nhiều vị thuốc khác giúp việc chữa lành vết thương ngày càng nhanh hơn. “Đến thời điểm này, bài thuốc của tôi đã trở thành “độc nhất vô nhị”, hầu như đã chữa cho người nào là người ấy sẽ khỏi ngay”, ông Nghị cười lớn rồi nói.

Góp thêm câu chuyện về vị “thần y” này, người bạn đi cùng cho biết, từ khi sở hữu bài thuốc quý trong tay, ông Nghị đã ra sức chữa bệnh cho dân làng. Điều đặc biệt là ông không hề lấy tiền công. Thậm chí, nhiều bệnh nhân nghèo ở xa sau khi chữa xong, ông Nghị còn cho tiền để họ về quê. Bệnh nhân khi được chữa khỏi, người thì mang đến con gà, người thì cân gạo “tạ lễ”. Đó có lẽ là niềm vui vừa là niềm an ủi cho một vị lang y tâm đức trên dãy núi mịt mùng sương khói này.

Hé lộ công thức bài thuốc bí truyền

Khi được chúng tôi lên tiếng hỏi công thức đặc biệt khiến bài thuốc này có công hiệu. Ông Nghị liền nói ngay: “Bài thuốc chữa gãy tay chân này gồm có ba loại cây thuốc có sẵn trên núi Tam Đảo, đó là cây phu quân (người chồng), cây phu thê (người vợ) và cây ái tử (người con). Mỗi loại cây thuốc này có tác dụng riêng với vết thương. Trong đó, cây phu quân có tác dụng làm xương liền lại, cây phu thê giúp phục hồi, còn cây ái tử giúp co giãn gân cốt và lưuthông các mạch máu. Ba loại thuốc này đều phải được hái trong buổi sáng sớm và buổi chiều muộn khi không còn ánh mặt trời. Thuốc được hái về phải lập tức cho vào cối giã nhuyễn đắp vào vết thương ngay. Nếu không đảm bảo yếu tố trên thì công hiệu sẽ không như ý”.

“Ưu điểm lớn nhất của bài thuốc chữa gãy tay chân này là thời gian phục hồi rất nhanh. Trong trường hợp, nếu bệnh nhân bị gãy tay thì chỉ sau bốn ngày là hết đau, 12 ngày là trở lại bình thường đối với trẻ em, còn người già thì 15 - 20 ngày là bình phục. Nếu gãy chân thì một tháng là đi lại bình thường, thậm chí chạy nhảy tốt. Trong khi đó, nếu bó bột ở bệnh viện thì ít nhất cũng phải qua hai tháng”, ông Nghị cho hay.

Ngoài việc chữa gãy chân tay, bài thuốc của ông Nghị còn có thể chữa được các ca bệnh vỡ xương chậu, xương bả vai, xương cổ... Ông Nghị cho hay, việc chữa trị cho các ca bệnh này khá mất thời gian và ông phải được xem qua ảnh chụp phim X-quang của bệnh nhân để có cách dùng thuốc hợp lý. “Tuy nhiên, khi gặp phải những trường hợp nặng trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế, tiếp xúc với các công nghệ hiện đại để đảm bảo an toàn”, ông Nghị nói.

H. Định - T. Huế