Y đức và chuyện mò kim đáy bể

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:59, 02/08/2013

Lẽ đời thì nhân nào, quả ấy, chẳng có gì lạ. Vô cảm, vô trách nhiệm, tham lam, lạnh lùng thấy chết vẫn tỉnh bơ, mặc cả tiền bạc trước tính mạng con người…

Thì những gì đã xảy ra, dù đáng bị coi là khủng khiếp, vẫn chưa phải là thảm hoạ cuối cùng. Thảm hoạ đáng sợ hơn vẫn ngày ngày rình rập nơi các cổng bệnh viện, có thể hiện hình bất cứ thời khắc nào, sập xuống đầu bất cứ ai, khiến đứa trẻ nào sắp chào đời cũng có nguy cơ sinh nhầm thời.

Cách đây hơn 9 năm, cuốn tiểu thuyết Thiên thần sám hối của tôi ra đời. Nội dung của nó xoay quanh việc một cái bào thai chỉ còn đúng ba ngày thì hết hạn trong bụng mẹ, tức là phải chui ra để làm người. Nhưng trong ba ngày đó, thông qua sự truyền dẫn của người mẹ, bào thai nghe được vô số chuyện kinh khủng bên ngoài. Nó bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc là có nên chui ra không, hay cứ ở trong bụng mẹ cho an toàn. Bởi vì xem ra cái cuộc đời ngoài kia, qua những gì nó nghe được, cũng bất trắc, nguy hiểm lắm.

Trong khi bạn đọc đón nhận nồng nhiệt với chỉ trong vòng hơn chục tháng, cuốn tiểu thuyết được in lại tới 10 lần, thì cũng không ít người tự coi mình là đức cao vọng trọng tỏ ra bực mình phán rằng: Tác giả bị ám ảnh bởi hiện thực đen tối nên cứ phải bịa ra những tình cảnh đen tối, chứ cuộc sống làm gì đến nỗi “tiêu cực” như vậy.

Hoá ra, ngay cả khi cố tình bịa ra những tình cảnh đen tối, tôi phải thừa nhận mình vẫn thua xa hiện thực mà ngành y tế Việt Nam đang tạo ra. Những câu chuyện bị coi là “rùng rợn” trong tác phẩm của tôi, giờ chả thấm vào đâu so với chuyện thường ngày trong các bệnh viện. Tôi không thể bịa được chuyện một điều dưỡng viên làm rơi cả 5 đứa trẻ sơ sinh xuống đất từ độ cao hàng mét tại một bệnh viện phụ sản luôn được xếp hạng cao ở Hà Nội. Một mét là bao nhiêu? Với đứa bé vừa chào đời, thì cái độ cao đó là vô cùng khủng khiếp. Tôi không thể bịa được chuyện một cháu bé con nhà hiếm muộn, đã 10 tuổi mà vừa lên bàn nội soi vài phút là cuộc đời chấm dứt. Tôi còn khuya mới hình dung tới một hiện thực chắc chưa phải là đen tối nhất khi một bé sơ sinh chết chỉ vì bị tiêm…nhầm thuốc như trường hợp ở Vinh-Nghệ An. Nếu cháu bé 29 tháng tuổi có suy nghĩ như một người khí khái, hẳn nó sẽ bảo với mẹ hãy cho nó về nhà, kể cả phải chết còn hơn bị bệnh viện huyết học ở một thành phố nọ hành hạ. Hay như trường hợp cháu bé bị cắt nhầm bàng quang khi đi chữa thoát vị bẹn ở Khánh Hoà, cũng là điều khó mà tưởng tượng ra được. Khó tưởng tượng bởi vì ngay cả làm thế với một con vật, cũng đủ để mà ân hận. Vậy mà ở viện tuyến trên người ta coi việc đó chỉ là tai nạn nghề nghiệp, điều trị theo chế độ bình thường, sau đủ những hạch sách về tiền bạc! Cho đến chuyện ba đứa trẻ chết một lúc, tại một địa điểm sau khi tiêm vacxin phòng viêm gan B, như ở bệnh viện Đa khoa Hướng Hoá, Quảng Trị hôm 20 tháng 7 vừa qua, thì có lẽ xứng đáng vào sách kỷ lục gi-nét thế giới về thảm hoạ y tế.

Có cả trăm ngàn lý do được đưa ra để bào chữa cho những vụ “rủi ro” vừa kể: Do căng thẳng thần kinh, do quá tải bệnh nhân, do những quy định cứng nhắc của cơ chế …Với trường hợp làm rơi năm đứa trẻ thì do điều dưỡng viên… trượt chân! Do thuốc bảo quản trong tủ lạnh, mà tủ lạnh thì hỏng nên thuốc bị hỏng theo khiến ba đứa trẻ vừa chào đời đã phải lìa đời!

Luôn luôn có sẵn rất nhiều lý do.

Những lý do như vừa kể (trượt chân, tủ lạnh hỏng…), không những rất thật, mà còn là điều có thể xảy ra thường xuyên, bất cứ lúc nào. Nhưng chính vì thế mà lời giải thích của bệnh viện là không thể chấp nhận. Tình huống điều dưỡng viên trượt chân, bị ngã do cả trăm lý do bất khả kháng, (nghĩa là thuộc những sự cố không thể tránh khỏi)…khiến làm rơi trẻ sơ sinh, là những tình huống quá dễ tưởng tượng và nó phải được lường trước từ cấp lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa và chính điều dưỡng viên. Trong trường hợp cả năm đứa trẻ bị rơi vẫn còn sống như hôm 14 tháng 7 vừa rồi, chỉ là do chúng gặp may. Tương tự như vậy với tình huống tủ lạnh bị hỏng. Ngay cả cái lý do đó, nếu đúng, cũng đáng là một chuyện rùng rợn. Làm sao mà nơi bảo quản vacxin bị hỏng cũng không ai biết. Cái tủ lạnh ngày ngày sử dụng, to lù lù chứ có phải bao diêm đâu!

Nếu người ta luôn ý thức rằng trẻ bị rơi có thể vỡ tan đầu, nát hết nội tạng, có thể tàn tật suốt đời; trẻ bị tiêm nhầm thuốc, tiêm vacxin bị hỏng nguy hiểm như tiêm thuốc độc…thì những lý do trên không được phép tồn tại vì chúng đã phải bị loại bỏ bằng các biện pháp đề phòng trước từ rất xa. Thậm chí cả những tình huống hi hữu, cực kỳ ít xảy ra, ít hơn cả ngàn lần sự cố trượt chân, cũng phải được tính tới tỉ mỉ, có phương án khắc phục. Đảm bảo mạng sống của một con người chứ đâu phải một con mèo. Ngay cả mạng một con mèo cũng không thể vô tâm, tắc trách như vậy.

Nhưng đó sẽ vẫn chỉ là giấc mơ của 99 phần trăm người dân Việt khi phải đi khám và điều trị bệnh tại bất cứ cơ sở y tế nào trên mảnh đất này. Những sự cố vừa kể, vẻ bề ngoài giống như những tai nạn. Nhưng thực chất nó là QUẢ đắng kết lại từ cái NHÂN lép, bị dị dạng của ngành y tế, được gieo vãi khắp nơi, từ nhiều năm nay. Cái nhân lép và thối rữa một phần mầm ấy không những không bị loại bỏ, mà nó cứ được tạo môi trường để các loại nấm độc, vi trùng khiến cho quá trình thối rữa lan sang nốt những phần còn lành. Các loại nấm độc ấy ký sinh trong hàng loạt chính sách đầy ảo tưởng, lý thuyết suông, bất khả thi, dùng người không đúng với phẩm hạnh và năng lực của họ vào những vị trí giữ vai trò duy trì đạo đức. Từ một lĩnh vực đề cao sự tận tuỵ, lòng trắc ẩn, coi lòng nhân từ là lẽ sống, giờ đây trở thành lĩnh vực đặt tiền lên vị trí vật tổ, thì phải bới phong bì lên may ra mới thấy tí y đức nằm chỏng chơ và vô dụng dưới đáy, là chuyện tất yếu!

Và hoá ra từ 9 năm trước, đứa bé trong tác phẩm của tôi cứ băn khoăn với quyết định có nên ra đời, không phải là một một ý nghĩ tiêu cực hoàn toàn. Giả sử ba đứa trẻ vừa chết bởi tiêm vacxin cũng nấn ná thêm vài tiếng đồng hồ nữa, khiến mẹ chúng đẻ rơi tại nhà, hoặc chuyển đến bệnh viện khác, chúng đã không phải sớm trở về cát bụi như vậy. Đến phút nguy hiểm nhất, nó, cái thằng bé trong tác phẩm của tôi, còn may hơn hàng chục những bạn đồng niên của nó ra đời quá vội vã mà thành nhầm thời, sau nó hàng chục năm. May vì nó còn được một thiên thần có mặt kịp thời để can ngăn ý định ấy, khích lệ cả nó và mẹ nó bằng những lời an ủi đầy cảm động để nó quyết định giành lấy sự sống. Còn với những đứa bé rơi xuýt vỡ sọ thì chỉ có vài câu xin lỗi qua loa, cùng những lời bao che lố bịch và chắc chắn là sai sự thật. Nhưng thế lại vẫn chưa phải là tệ nhất. Dù sao chúng vẫn còn được sống, được nghe lời xin lỗi. Rủi nhất cho tới thời điểm này đích thị là ba đứa trẻ chết vì cái tủ lạnh bị hỏng!

Nhưng những đứa trẻ sắp ra đời cùng với cha mẹ, ông bà của chúng đừng vội hy vọng không còn những sự cố tương tự. Sẽ còn những cú trượt chân, sẽ còn những cái tủ lạnh bị hỏng, sẽ còn những lọ vacxin hết hạn hoặc bị rút bớt, sẽ còn nhiều, rất nhiều vụ cắt nhầm, bỏ quên dụng cụ y tế trong bụng bệnh nhân, ăn cắp nội tạng…vì nó không bị ngăn chặn thích đáng. Sau những sự việc như vậy, mặt ao bèo y đức quá lắm chỉ rãn ra tí chút rồi lại nhanh chóng khép lại. Những cái chết chỉ có giá trị cung cấp một hiện thực về sự vô tăm tích của kiếp người. Bởi vì, tại thời điểm ba đứa trẻ lìa đời ở Hướng Hoá, cái tin động trời động đất với bất cứ quốc gia nào, thì nghe nói một vị quan chức cao cấp của bộ Y tế đang chỉ cách đó mấy chục phút xe có còi ủ chạy, nhưng lấy lý do vì nhiệm vụ mà quý vị đó kiên quyết không đến tận nơi xem xét, đưa ra những quyết định quan trọng hơn cả cứu hoả và bày tỏ sự hối lỗi có giá trị giáo dục đạo đức cho thuộc cấp. Nhiệm vụ gì lại có thể quan trọng hơn nhiệm vụ ngăn những cái chết hàng loạt tại thời điểm đó và những cái chết tiếp theo hoàn toàn có thể xảy ra?

Đến thế thì thôi rồi y đức ơi! Lần này tìm nó không phải cứ bới đống phong bì tầng tầng lớp lớp là thấy, mà phải mò dưới đáy biển.

Tạ Duy Anh (Công lý và xã hội)