"Cậu ông trời" xuống phố
Sức khỏe - Ngày đăng : 09:31, 07/09/2012
Nhưng đằng sau đó là câu hỏi có nên sử dụng thịt cóc với kiểu tận diệt? Cóc đồng, cóc nhà, cóc già, cóc trẻ đang dần tiến đến nguy cơ tuyệt diệt bởi nhu cầu thứ thịt này vẫn còn rất nhiều.
Ai cóc đây…!
Với chiếc xe đạp cọc cạch, thô sơ hay với cái xe gắn máy cũ kỹ, người bán cóc làm ruốc (chà bông) cùng với hàng trăm chú cóc len lỏi khắp các đường cùng ngõ hẻm ở thành phố để rao bán. "Ai mua cóc làm ruốc không? Ai cóc đây…" xen lẫn vào tiếng rao mệt mỏi của người phụ nữ là tiếng hàng trăm con cóc đồng thanh nghiến răng ken két như chào nhau vĩnh biệt cõi đời.
Nghề bán cóc làm ruốc không biết có từ bao giờ, xuất phát từ đâu mà chỉ biết có nhiều gia đình đã có thâm niên ba, bốn đời nối tiếp nhau làm nghề hành quyết cóc. Có điều để lên "chuyên nghiệp" thì có lẽ mới chừng dăm năm trở lại đây. Bởi, bây giờ nghề này đã thành lập một đội quân, cả mấy thế hệ trong gia đình tham gia buôn bán cóc.
Đội quân bán cóc làm ruốc có mặt khắp nơi
Nổi tiếng khắp miền Bắc, thậm chí là tung hoành khắp dải đất hình chữ S này phải kể đến những người dân ở xã Thọ Xuân (Đan Phượng, Hà Nội). Nghe đâu, chỉ tính sơ sơ trên đầu ngón tay thì địa phương này có cả hàng trăm người bán cóc mưu sinh. Nghề này đem lại cuộc sống ổn định, thu nhập khấm khá mà cũng không cần đầu tư quá nhiều vốn liếng. Thế cho nên, chỉ với cái xe đạp cà tàng, mấy chục con cóc là chị Nguyễn Thị Nụ ở Thọ Xuân cũng đủ tiền trang trải cuộc sống khi ngày ngày rong ruổi giữa thủ đô.
Chị Nụ tâm sự: "Hai vợ chồng tôi đều đi bán cóc. Chồng tôi đi xe máy, còn tôi đi xe đạp. Ngày mà đắt hàng thì cũng được 400-500.000 đồng, trung bình mỗi ngày 300.000 đồng cho cả hai vợ chồng. Nói chung là không biết thế nào cả chú ạ. Giờ Hà Nội người ta cho con ăn sữa Mỹ, sữa Nhật, ruốc cóc không dễ bán như ngày trước. Ở quê bán cái này thì càng khó vì giá cao".
Trung bình một lạng ruốc cóc có giá từ 150 đến 200.000 đồng. Đấy là tính hết cả công đoạn từ chặt đầu, lột da đến hấp chín rồi rang ruốc trực tiếp tại nhà. Một kg ruốc cóc có giá cả triệu bạc chứ không ít. Nhưng mỗi gia đình họ chỉ mua 3, 4 con, tức đến khi thành ruốc nó chỉ còn vài hoa hoặc đến nửa lạng.
Nhu cầu thịt cóc rất lớn nên loài cóc đang có nguy cơ tận diệt
Để được một lạng ruốc cóc vàng ươm, nhiều dinh dưỡng thì đòi hỏi tay nghề của người làm thịt cóc phải rất thành thạo và chuyên nghiệp. Cóc còn sống sau khi được lột da, bỏ tất cả nội tạng chỉ lấy phần thịt đùi cho vào hấp mềm rồi gỡ lấy thịt. Nêm một chút gia vị sau đó cho vào chảo nóng sao khô, vàng. Công đoạn sao này phải đều tay bởi ruốc cóc rất dễ cháy. Ruốc cóc có hàm lượng rất cao nên được nhiều người ưa chuộng vì thế mà giá thành không hề thấp.
Tàn đời nhà cóc
Một ngày hai vợ chồng chị Nụ "tử hình" khoảng 150 đến 200 "cậu ông trời". Nếu trung bình chỉ tính riêng Thọ Xuân có 100 người hành nghề này thì mỗi ngày có đến hàng chục vạn con cóc… lìa đời. Tôi hỏi chị Nụ: "Một ngày làm thịt nhiều cóc thế thì lấy hàng ở đâu ra?". Chị cười bảo: "Nhiều lắm, có đại lý thu mua mà. Người ta bắt khắp các vùng quê rồi tập hợp về xã cả container cóc ấy chứ".
Nghe chị kể, ngày xưa nơi triền sông Hồng tập trung đông đảo họ hàng nhà cóc. Dân sống xung quanh đó cũng trở thành những làng chuyên đi soi cóc để bán cho Thọ Xuân. Cóc nhiều đến mức bắt vài năm cũng chẳng hết. Nhưng giờ thì hiếm lắm. Có một đận, không biết để làm gì mà thương nhân Trung Quốc về tận đó hoặc thuê "cò" thu mua cóc rồi tuồn hàng qua biên giới. Cóc to, cóc nhỏ "vượt biên" hết khiến cho nguồn hàng khan hiếm. Mãi sau thì bỗng dưng họ lại không mua nữa vì thế mà cóc sông Hồng mới có đất để sinh sôi. Nhưng cóc chưa kịp "khai sinh" cũng đã bị "khai tử" rồi.
Mỗi kg cóc sống có giá từ 60 đến 80.000 đồng. Nếu cóc to thì khoảng 10 đến 15 con, cóc nhỏ thì 20-30 con mới được một kilôgam. "Loài cóc cũng khá khôn nếu thấy người bắt ở nơi này thì nó gọi nhau chạy đi trú ẩn nơi khác. Nhưng chạy đi đâu thì rồi cũng quay về chỗ cũ và bị bắt hết thôi", chị Nụ nói.
Thịt cóc sau khi được lột da làm sạch
Anh Vũ Văn Phương ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cũng đã làm nghề bán cóc 6 năm nay. Gặp anh khi đang làm thịt cóc cho một gia đình ở Thanh Xuân, Hà Nội, anh tâm sự: "Cóc tôi bán đều là cóc đồng chứ không phải cóc nuôi. Nhà có 5 người thì tối nào cũng huy động đi bắt cóc và thu mua chỗ quen. Giờ cóc ngoài tự nhiên khan hiếm nên xuất hiện nhiều cơ sở nuôi cóc".
Anh Phương cho biết, cóc ngoài tự nhiên sống hoang dã thì thịt cóc bao giờ cũng thơm hơn, chất dinh dưỡng đảm bảo hơn. Còn cóc nuôi giờ họ nuôi như nuôi gà, nuôi vịt, dân bán cóc thường gọi là "cóc công nghiệp" thì khi mua có giá thấp hơn mà cũng người trong nghề mới biết được. Hiện nay, anh Phương phải thu mua cóc từ 3 tỉnh khác nhau mới đủ nguồn thịt cóc.
Có nên tận diệt?
Không ai ngờ sau cái bộ dạng xù xì, xấu xí thì thịt cóc có 53,37% protit, 12,66% lipit, rất ít gluxit, 23,56% trơ và 4,18% độ ẩm. Trong protit có rất nhiều axít amin có giá trị chủ yếu là asparagin, histidin, axit glutamic, glycocol, threonin, axit aminobutyric, tytosin, methionin, leuxin, isoleuxin, phenylanin, tryprophan, xystein. Giá trị dinh dưỡng trong thịt cóc cao hơn nhiều nếu so sánh với thịt ếch, thịt lợn...
Tuy nhiên, thịt cóc cũng là con dao hai lưỡi bởi một số bộ phận của cóc như gan, mật, trứng lại có chứa những chất kịch độc. Quá trình chế biến nếu không đảm bảo, chỉ một sơ suất nhỏ, nguy cơ dẫn đến ngộ độc thịt cóc là khó tránh. Ở nước ta đã xuất hiện nhiều vụ ngộ độc do ăn phải mật, gan cóc nhưng những kiến thức cơ bản thì ít người biết trước khi chế biến thịt cóc để sử dụng.
Hiện nay, đội quân bán cóc làm ruốc rong ruổi khắp nơi từ nông thôn đến thành phố. Mỗi ngày hàng vạn con cóc chết oan uổng trên khắp đất nước. Thịt cóc cũng góp mặt trong hàng trăm bữa ăn hàng ngày của trẻ nhỏ nên đảm bảo khâu chế biến là vô cùng quan trọng.
Một điều đáng lo ngại nữa là tình trạng "cậu ông trời" đang bị "trảm" vô tội vạ. Trong khi đó cóc là một loài vật rất có ích đặc biệt là với sản xuất nông nghiệp. Nguồn thức ăn của cóc chủ yếu là sâu bọ, ruồi muỗi, cóc được coi như loài thiên địch rất có lợi tạo nên sự cân bằng sinh thái. Thế nhưng ở các vùng quê cóc đang bị "truy nã" tận diệt không kịp sinh sôi. Tuy thịt cóc có công dụng thần diệu nhưng hiện nay với khoa học phát triển đã có nhiều chất dinh dưỡng thay thế mà giá thành phù hợp. Như vậy có nhất thiết phải bắt loài cóc "bỏ mạng" dẫn đến nguy cơ không còn tồn tại trên đời nữa hay không?
Biên Thùy