Người giúp hồi sinh hơn 527 quả tim bé nhỏ

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:21, 11/05/2012

Khi đương chức, mỗi lần xuống các trung tâm y tế, nhìn bà con nghèo chen nhau khám chữa bệnh trong hoàn cảnh ngành y tế trang thiết bị cấp cứu cổ lỗ và lạc hậu, lòng ông lại nhói đau.

Những người dân xứ Dừa Đồng Khởi dũng cảm hết lòng trong chiến đấu, chở che cho cách mạng, giờ không ít người mang bệnh tật nhưng lại có hoàn cảnh khó khăn. Ông nghĩ rằng, mình phải làm một cái gì đó cho dân mình bớt khổ…

Người có trái tim nhân ái

 

Mang tâm huyết trong lòng, ngày rời ghế Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre về nghỉ hưu, ông Lê Huỳnh xin mở một phòng khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Ông đi vận động kinh phí của các cá nhân, tập thể rồi vận động các y bác sĩ hàng tuần thay nhau khám bệnh từ thiện. 

 

Hơn 8 năm trôi qua, giờ đây, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo & người tàn tật tỉnh Bến Tre (BTBNN&NTT) có cả một cơ ngơi đồ sộ, tấp nập người tìm đến nhờ giúp đỡ. Mọi người ví ông là “ông Bụt của trẻ thơ” Huỳnh Văn Cam (Lê Huỳnh). Ông sống một mình không có gia đình nhưng có hàng ngàn đứa con, cháu nuôi như trong chuyện cổ tích thời nay.

 

Hẹn với ông Lê Huỳnh, nhưng khi đến nơi, ông đang tiếp người nhà một bệnh nhân mổ tim bẩm sinh. Cũng kiểu cách, từ cái nhìn, nụ cười

thân thiện, hiền lành và ân cần như hồi còn ngồi ở trụ sở UBND tỉnh. Ông nhẹ nhàng hướng dẫn bổ sung mấy thứ thủ tục cần thiết để nhanh chóng đưa cháu bé đến khám và mổ tim. Nói theo nhà Phật, cứu một mạng người hơn xây bảy ngôi chùa. Như vậy, thêm một trái tim bé bỏng bị bệnh tim có hy vọng được cứu sống. Chỉ riêng điều ấy thôi đủ cảm nhận ý nghĩa vô cùng vĩ đại của người đàn ông mang tên Lê Huỳnh. 

 

Người giúp hồi sinh hơn 527 quả tim bé nhỏ

 

Hai người bạn thân Lê Huỳnh, Bảy Vũ Hoàng

 

Theo lời của ông Trần Công Ngữ (Bảy Vũ Hoàng), Phó Chủ tịch Hội BTBNN&NTT Bến Tre, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Lê Huỳnh quê ở Giồng Trôm (Bến Tre). Trước năm 1957, ông Lê Huỳnh từng đi dạy học ở Phước Mỹ, rồi in ấn tài liệu cho cách mạng. Năm 1960, Đồng khởi Bến Tre, ông chuyển sang làm công tác tuyên huấn ở Thạnh Phú Đông rồi chuyển về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy phụ trách Tiểu ban văn nghệ. Vào thời điểm đó, ở Bến Tre, đặc biệt là vùng đất lửa anh hùng Giồng Trôm, Mỏ Cày lời ca tiếng hát, tiếng trống thúc giục bà con xuống đường rất quan trọng trong đấu tranh binh vận. Đây còn là quê hương của nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định và đội múa lân nữ Lương Hòa. 

 

Đến năm 1969, ông Lê Huỳnh về làm Trưởng đoàn văn công tỉnh. Sau giải phóng, ông làm Phó rồi Trưởng ty văn hóa. Năm 1977, ông làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh rồi làm Chủ tịch UBND tỉnh. Năm 2003, ông về hưu, thành lập phòng khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo. 

 

Cả cuộc đời ông chỉ lao đầu vào công việc quên luôn chuyện lập gia đình. Mỗi lần ai hỏi, ông chỉ cười: Tại hồi đó, hồi đó đó… Có thể từ góc khuất cô đơn của đời mình nên ông luôn sống hết mình vì công việc và dốc hết trái tim, tình cảm cho việc cứu người. Đặc biệt là trẻ thơ bất hạnh sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh. 

 

Sống trên đời, cần có một tấm lòng!

 

Khu vực ấp 3, thị trấn Bình Đại, ai cũng biết và cảm tình với chàng trai tính nết hiền lành tên là Huỳnh Văn Phong (SN 1983). Năm 27 tuổi, chàng trai khôi ngô, tuấn tú không dám mở lời hay đón nhận một tình yêu vì trái tim anh được các bác sĩ đã khám và xác định “bị hẹp hở van hai lá - hở van động mạch chủ”. Đang tuổi thanh niên tràn đầy sức sống thì Phong cảm nhận cơ thể anh đang yếu đi từng ngày, mệt mỏi, đau tim, khó thở. Sự sống của anh có thể đếm từng ngày nếu như không được phẫu thuật. Trong khi đó, gia đình anh sống trong cảnh “thiếu trước hụt sau”. Cha anh chạy xe ôm, mẹ làm mướn thì lấy đâu ra số tiền cả trăm triệu đồng để mổ?

 

Tình cờ, Hội BTBNN&NTT phát hiện và đưa Phong đi BV Chợ Rẫy để phẫu thuật miễn phí. Ngày 2-6-2010, một ngày không thể nào quên trong đời Huỳnh Văn Phong khi ca phẫu thuật thành công. “Ông Bụt” đời anh là “cha Năm Lê Huỳnh” cùng tập thể Hội BTBNN &NTT Bến Tre đã mang lại cho anh trái tim khỏe mạnh bình thường. Bây giờ thì anh đủ can đảm tỏ tình với người con gái mình yêu và chuẩn bị xây dựng một gia đình mới.

 

Còn ở phường Phú Khương, Tp. Bến Tre có hai vợ chồng đều bị mù là anh Trương Thảo Hoa (quê ở Chợ Lách) và chị Nguyễn Thị Trang (quê ở Đăk Lăk) lập ra cơ sở xoa bóp Nguồn Sống dành cho người khiếm thị. Tưởng đâu bất hạnh chỉ dừng lại đôi mắt. Nào ngờ sau một năm cưới nhau, chị Trang bị bệnh tim rất nặng. Ngày 1-9-2010, chị Trang được Hội BTBNN &NTT đưa đi mổ tại BV Chợ Rẫy với chi phí trên 50 triệu đồng. Giờ đây, chị Trang đã khỏe mạnh trở lại, phụ chồng làm nghề xoa bóp tại cơ sở Nguồn Sống. 

 

Người giúp hồi sinh hơn 527 quả tim bé nhỏ

 

Ông Lê Huỳnh đến tận giường bệnh thăm cậu bé vừa mổ tim

 

Ở xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri có bà Nguyễn Thị Lệ 51 tuổi, bị mù từ nhỏ. Bà Lệ kể lại: “Khi tôi sinh ra, lúc mới lớn lên đôi mắt của tôi cứ nhìn nhá nhem rồi mờ dần, mờ dần và không còn nhìn thấy được gì trong mấy chục năm qua. Con tôi là Trần Hồng Vũ năm nay 21 tuổi cũng mù từng ấy năm qua. Ngày Vũ bị mù cũng là ngày chồng bỏ mẹ con tôi đi…”. Quãng đời đen tối tưởng đâu vĩnh viễn đi cùng hai mẹ con bà Lệ. Năm 2008, Chi hội BTBNN &NTT huyện Ba Tri vận động xây tặng gia đình bà căn nhà tình nghĩa.

 

Tháng 5-2009, Hội BTBNN&NTT Bến Tre quyết định hỗ trợ cho hai mẹ con đi mổ mắt. Thật kỳ diệu, cả hai mẹ con mắt được sáng trở lại, được nhìn thấy cuộc đời xung quanh và mẹ con nhìn thấy nhau. Bà Lệ tình nguyện vào làm tại bếp ăn từ thiện BV Đa khoa Ba Tri như một sự trả ơn cuộc đời đã mang lại cho mẹ con bà ánh sáng, niềm tin kỳ diệu. 

 

Những con số của lòng nhân ái mà ông Lê Huỳnh và Hội BTBNN&NTT rất đáng để cho người đời kính trọng sau 8 năm hoạt động. Từ vài hội viên ban đầu thành lập do ông gầy dựng đến nay đã có 1.000 hội viên với 9 Chi hội trực thuộc các huyện thị. Từ trái tim đến trái tim, qua sự tài trợ hảo tâm, từ thiện của các tập thể, cá nhân và tổ chức trong, ngoài nước, đến nay, Hội đã vận động trên 100 tỷ đồng. Hội đã tài trợ cho các chương trình từ thiện vì người nghèo, người tàn tật. Phẫu thuật tim bẩm sinh cho hơn 527 người, chủ yếu là trẻ em; mang lại ánh sáng cho hơn 14.000 người mù lòa; xây dựng 216 căn nhà tình nghĩa, tình thương, mái ấm trái tim và hàng ngàn suất học bổng, xe đạp, xe lăn… Riêng 6 bếp ăn từ thiện hoạt động mỗi ngày cấp miễn phí cho khoảng 1.000 suất ăn.

 

“Chương trình không chỉ gói gọn trong tỉnh Bến Tre mà mở rộng vòng tay nhân ái dành cho người Bến Tre xa quê hiện sinh sống tại các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước, Đồng Tháp”- Ông Lê Huỳnh cho biết thêm. 

 

Ông Lê Huỳnh chia sẻ: Một trong những “mạnh thường quân” mang đến điều kỳ diệu, đem ánh sáng, nụ cười, trái tim khỏe mạnh cho hàng chục ngàn bệnh nhân nghèo phải kể đến sự đóng góp rất lớn về vật chất và con người, thiết bị y tế hiện đại của tổ chức Hội Nha khoa Phương Đông (Nhật Bản), suốt 19 năm đeo đuổi chương trình vá môi, hở hàm ếch cho người nghèo Bến Tre đặc biệt là trẻ em. 

 

Tuy ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Lê Huỳnh bận rộn suốt ngày với công việc giúp ích cho đời. Nói như ông: “Hưu thì cứ hưu, nhưng ngừng làm việc không thể nào chịu nổi”. Còn nói như anh em báo chí, Bến Tre có hai con người làm việc không biết nghỉ ngơi. Đó là anh hùng lao động Trịnh Văn Y (Mai Sơn) “vua xóa cầu khỉ” và ông Huỳnh Văn Cam (Năm Lê Huỳnh). 

 

Điều làm cho ông cảm thấy hạnh phúc nhất ở “tuổi xế chiều” đó là chăm lo “ngôi nhà chung” - Hội BTBNN&NTT Bến Tre, nơi đó ông có hàng ngàn đứa con cháu thân thương còn hơn cả ruột thịt.

 

Vũ Hiếu