Mục tiêu tăng GDP năm 2020 khoảng 6,8% là mức tăng hợp lý
Chính trị - Ngày đăng : 11:13, 11/11/2019
Sáng nay 11/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với tỷ lệ tán thành 88,20%.
Trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thay mặt UBTVQH báo cáo một số vấn đề liên quan đến nghị quyết này. Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến đồng ý với mục tiêu tổng quát như dự thảo Nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị nhấn mạnh về chủ quyền biển, đảo. UBTVQH đã tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung để nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung này trong mục tiêu tổng quát.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai và chất lượng xây dựng pháp luật cũng là những nội dung đã được bổ sung, thể hiện cụ thể trong dự thảo Nghị quyết.
Về các chỉ tiêu kinh tế, có ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu GDP tăng từ 6,8% trở lên, ý kiến khác đề nghị chỉ tiêu này nên trong khoảng từ 6,7-6,8% là phù hợp, không ghi "khoảng 6,8%.
Kết quả biểu quyết.
Quá trình thẩm tra, UBTVQH cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2019, dự báo về bối cảnh, tình hình của năm 2020 còn nhiều biến động khó lường.
Trên cơ sở tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, mục tiêu tăng GDP năm 2020 khoảng 6,8% là mức tăng hợp lý, bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội”, người đứng đầu Uỷ ban Kinh tế giải trình.
Liên quan đến chỉ tiêu nhập siêu, phản hồi một số ý kiến cho là chưa hợp lý trong bối cảnh 3 năm qua đều xuất siêu, UBTVQH cho rằng, kinh tế và thương mại thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc.
Xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn thách thức; Cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản ngày càng mạnh mẽ; Hoạt động sản xuất, chế biến của một số ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu. Đặc biệt, xu hướng tăng của dòng vốn đầu tư nước ngoài để đón đầu cơ hội từ Hiệp định thương mại Việt Nam-châu Âu (EVFTA) có thể dẫn đến kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu tăng cao…
Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ mục tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% để phấn đấu thực hiện.
Về chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 1-1,5%, UBTVQH nhận định, việc duy trì tỷ lệ hộ nghèo giảm trong những năm cuối của nhiệm kỳ là khó khăn hơn các năm trước, vì bao gồm nhiều đối tượng nghèo đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, người khuyết tật, neo đơn...). Do vậy, đề nghị Quốc hội giữ mục tiêu giảm nghèo từ 1-1,5% - thấp hơn so với năm trước.