TP.HCM: Rượu độc, thịt bẩn tràn lan

Sức khỏe - Ngày đăng : 11:07, 13/04/2012

Cồn, nước lã, phẩm màu được biến thành rượu “xịn” khiến dân nhậu nhập viện vì ngộ độc. Cùng với đó, thịt thối cộng với huyết heo, phẩm màu và hóa chất độc hại được “biến” thành đặc sản thịt đà điểu.

Hầu hết rượu chứa độc chất

TS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện nhân dân 115 cho biết, vừa cứu sống bệnh nhân Trần Văn H., 46 tuổi, ở Long An, nhập viện trong tình trạng ngộ độc rượu rất nặng. Cách đây 10 ngày, ông H. lai rai với một bạn nhậu gần nhà, sau cơn say ông H. mất trí nhớ, nôn ói, khó thở và được người nhà đưa cấp cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó chuyển lên Bệnh viện nhân dân 115.

Tại đây, các bác sĩ khẳng định ông H. bị ngộ độc rượu. Loại rượu mà ông H. uống có nguồn gốc từ lò nấu rượu thủ công gần nhà. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ aldehyde vượt mức quy định hàng trăm lần. “Với nồng độ cồn cao như vậy, người uống không ngộ độc mới lạ” - TS Phú nói.

Tràn lan rượu tự chế đầy độc chất.

Cận Tết, tình trạng ngộ độc rượu phải vào cấp cứu ở các bệnh viện không còn xa lạ nữa. Tại bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM mới đây, các bác sĩ cấp cứu liên tiếp hai bệnh nhân ngộ độc rượu rất nặng. Khi xét nghiệm thấy nồng độ aldehyde trong máu bệnh nhân quá cao. Mang mẫu rượu bệnh nhân uống đi xét nghiệm phát hiện chất methanol và aldehyde vượt trên 60 lần.

Kết quả xét nghiệm 54 mẫu rượu không nhãn mác ở TP.HCM và các tỉnh lân cận mới đây do Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM công bố khiến nhiều người giật mình: 47 mẫu rượu chứa aldehyde vượt mức cho phép. Rượu trắng, rượu ngâm có chất aldehyde, furfurol vượt cao nhưng không thể so sánh với rượu mùi với hàm lượng aldehyde hơn mức cho phép hàng trăm lần.

Kiểm tra hai cơ sở rượu ngâm và rượu mùi ở quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thu giữ hơn 3.000 chai rượu các loại không có giấy phép sản xuất. Số rượu này, chế bằng cách dùng rượu trắng pha cồn công nghiệp, phẩm màu để ra rượu thuốc, rượu mùi. Không chỉ rượu thủ công, kết quả kiểm nghiệm của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cũng cho thấy rượu xịn, mác ngoại cũng chứa hàm lượng aldehyde rất cao.

Khi xét nghiệm rượu mùi brandy extra XO Leopold 39%vol, phát hiện hàm lượng aldehyde lên mức 230,15mg/l. Kết quả kiểm nghiệm nước cốt rượu brandy Solera Reserva 38% cũng cho thấy lượng aldehyde lên tới 286,81mg/l. Cả hai loại rượu này đều vượt so với quy định hàng chục lần.

Thịt đà điểu đểu, chim giả

Mới đây, khi ập vào Cơ sở sản xuất thực phẩm Tấn Phát ở 460/6/9 hương lộ 2, Bình Trị Đông, Bình Tân, TP.HCM, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm và môi trường (PC49) Công an TP.HCM phát hiện công nghệ lên đời các loại thịt bẩn thành đặc sản rất tinh vi và mất vệ sinh.

Tại cơ sở này, nhiều công nhân thu gom thịt heo nái, thịt thối và thịt trăn giá bèo về để chế biến thịt đặc sản. Một công nhân cho biết, thịt heo nái trộn với thịt trăn và phẩm màu hòa cùng huyết heo sẽ cho ra đời… thịt đà điểu. Số thịt này sau đó được đưa đi cung cấp cho các nhà hàng có tiếng ở TP.HCM.

Chủ cơ sở Tấn Phát khai nhận, sau khi mua thịt trăn về, nhân viên của cơ sở trộn thịt trăn với oxy già làm cho thịt trắng tinh. Riêng thịt heo nái, cơ sở này lọc hết mỡ rồi trộn phẩm màu công nghiệp màu đỏ, sau đó ướp với huyết heo. Khi thịt ráo nước chúng được đưa vào bịch hút chân không và khi chế biến sẽ có vị dai như thịt đà điểu.

Số thịt bẩn này nếu được hóa phép sẽ thành đặc sản ở các quán nhậu (Ảnh: Lê Nguyễn).

Bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết, vừa phát hiện một lượng lớn thịt heo nái xề làm giả thịt heo rừng vận chuyển từ một tỉnh miền Bắc vào TP.HCM tiêu thụ. Theo bà Tuyết, do quan niệm đầu năm ăn thịt heo rừng gặp may, lợi dụng cơ hội này các đầu nậu bắt đầu dùng công nghệ biến thịt heo nái thành thịt rừng.

“Bằng cách mua thịt heo nái sau đó dùng khò đốt da rồi dùng súng bắn lông 3 chấu vào miếng thịt vừa khò biến thịt lợn nái thành thịt rừng” - bà Tuyết cho biết.

Không chỉ thịt rừng ở các nhà hàng hiện nay hầu hết là thịt đểu, ngay cả thịt cá sấu cũng bị làm giả từ thịt heo thối. Mới đây, Trạm thú y huyện Bình Chánh phát hiện một cơ sở giết mổ ở huyện này đã mua thịt heo bệnh, heo không nguồn gốc về, ngâm tẩm bằng sunfua dioxit để làm cho thịt đã tái nhợt thành đỏ tươi. Sau khi biến thịt thối thành thịt sậm đỏ, cơ sở này đóng vào gói với tên gọi thịt đà điểu.

Ngày 9-1, khi chạy ra đường dẫn lên cầu Phú Mỹ ở quận 2 mua thịt chim về làm mồi nhậu, anh M. ở quận 8 cho biết đã gặp phải thịt chim giả. “Mua 10 con chim chàng nghịch với giá 650.000 đồng về làm thịt, khi mổ bụng thì tôi mới phát hiện toàn là chim cút đã ươn thối” - anh M. nói.

Theo khảo sát của Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, các điểm bán chim hiện nay hầu hết là chim giả. Đa số là chim cút sau khi được vặt lông, khò cho cháy, bôi phẩm màu vàng để giả các loại chim quý.

Lê Nguyễn/TPO

congly.com.vn