Việt Nam chủ động phòng chống chủng virus cúm mới

Sức khỏe - Ngày đăng : 11:07, 13/04/2012

Trong khi nhiều chủng virus cúm tồn tại trong điều kiện khí hậu thuận lợi, các chuyên gia dịch tễ đang lo ngại chủng cúm mới có thể tái tổ hợp, hung hãn hơn và gây dịch ở Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc chủng cúm mới S-OtrH3N2 được xác định là do tái tổ hợp từ chủng cúm A/H1N1 đại dịch năm 2009 và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn.

Thông tin trên được ông Bình đưa ra sau khi có thông tin 3 bệnh nhân ở Mỹ mắc chủng cúm mới S-OtrH3N2 vừa được phát hiện ở nước này. Không ít người dân hoang mang và lo ngại về sự bùng phát của một chủng virus cúm mới ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trước đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ tái tổ hợp giữa các chủng virus cúm, đặc biệt là virus cúm A/H5N1 với virus A/H3N2, A/H1N1 hay virus cúm ở lợn tạo ra tuýp mới có độc lực cao, lan truyền mạnh trên người hay động vật có vú.

Chích ngừa cúm A tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. (Ảnh: NLĐ)

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, lo ngại về một chủng virus cúm mới có thể xảy ra tại Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Tại Việt Nam, điều kiện môi trường, khí hậu, độ ẩm rất thuận lợi cho virus cúm phát triển. Thêm vào đó, lại có rất nhiều chủng virus cúm lưu hành, gây bệnh như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, cúm B… Vì thế, nguy cơ các chủng virus cúm tái tổ hợp là rất cao.

"Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân mắc chủng virus cúm mới tái tổ hợp từ hai cúm A/H1N1 và A/H3N2, vì thế chưa biết mức độ nặng, nhẹ thế nào. Nếu tách rời nhau, đây chỉ là chủng cúm bình thường nhưng cũng không loại trừ khi chúng kết hợp với nhau lại trở nên nguy hiểm. Tuy nhiên, vấn đề mà các chuyên gia dịch tễ lo lắng chính là khi virus cúm A/H1N1 kết hợp với cúm A/H5N1 thành chủng virus mới. Nếu một chủng virus có tốc độ lây lan nhanh như A/H1N1 “liên kết” với virus cúm A/H5N1 có độc lực mạnh thì cực kỳ nguy hiểm. Trong trường hợp thành dịch, thiệt hại về người không thể lường trước được. Đây không chỉ là nỗi khiếp sợ ở Việt Nam mà với cả thế giới”- bác sĩ Hà lo ngại.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 11-2011, trên phạm vi cả nước có 25 trường hợp mắc cúm A/H1N1, trong đó có trường hợp tử vong. Tính chung trong 11 tháng đầu năm nay, cả nước có tổng cộng 759 trường hợp mắc cúm A/H1N1, 17 trường hợp tử vong. Như vậy, tại Việt Nam, dịch cúm vẫn đang tồn tại và có thêm nhiều ca mắc mới mỗi tháng.

Một bệnh nhân nhiễm cúm A đang được chữa trị. Ảnh: Q.Khánh

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để phát hiện các chủng virus cúm mới, cần phải phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm và điều tra kỹ lưỡng các ca bệnh có hội chứng cúm, đặc biệt các ca bệnh ở những người chăn nuôi lợn hay đã tiếp xúc với lợn, nhằm phát hiện lây truyền từ người sang người, từ đó hạn chế sự tiếp xúc với lợn nếu có nghi ngờ, và được điều trị sớm bằng oseltamivir.

Điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, y tế thú y. Đó là một phần của việc phát hiện sớm và đáp ứng nhanh đối với các bệnh mới xuất hiện và đại dịch. Trong năm tới, vắcxin phòng bệnh cúm phải bao gồm kháng nguyên của virus mới này.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã và đang phối hợp với các Viện Pasteur và Vệ sinh dịch tễ khu vực chủ động giám sát chặt chẽ diễn biến của dịch cúm, duy trì hệ thống giám sát trọng điểm cúm quốc gia, phân tích thường xuyên các đặc điểm dịch tễ, lâm sàng và virus của bệnh dịch để có thể đưa ra các dự báo và ứng phó kịp thời.

Bên cạnh đó là việc phát hiện và điều tra các ca bệnh hay chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng ở các cơ sở y tế và các cửa khẩu quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực của các cơ sở y tế sẵn sàng điều trị bệnh nhân kịp thời và hiệu quả, đặc biệt ở nhóm người có nguy cơ cao.

Viện đã và đang triển khai giám sát đồng thời nhiễm virus cúm ở người và động vật như lợn, gà, vịt... ở một số điểm nhằm xác định sự tương tác giữa các virus này để có thể phát hiện sớm virus cúm mới và có đáp ứng kịp thời.

Hiện nay, các vắcxin cúm có mặt tại Việt Nam chỉ là vắcxin phòng bệnh cúm thông thường hay gặp trên người, được gọi là bệnh cúm theo mùa như cúm A/H3N1, H3N2, H1N1. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ, việc tiêm ngừa những vắcxin cúm này cũng rất cần thiết, bởi ngoài tác dụng phòng ngừa hiệu quả bệnh cúm thông thường, nó còn góp phần ngăn chặn việc tạo ra biến chủng của virus cúm gia cầm A/H5N1 cũng như loại cúm mới nhiều độc lực do tái tổ hợp.

Phương Lan

congly.com.vn