Chăm sóc sức khỏe người di cư còn “bỏ ngỏ”
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:07, 13/04/2012
Nguy cơ lây bệnh cao
“Dọn nhà cho chị xong, em còn tới mấy nhà nữa. Thường thì khoảng 21 giờ em mới về nhà. Cùng trọ một nhà (ngõ Kiến Thiết, phố Khâm Thiên, Hà Nội) nhưng vợ chồng em tiện đâu ăn đó, tối về chỉ nói được với nhau vài câu là mỗi người một giường ngủ”, chị Nguyễn Hồng Nhung, quê ở Nam Định chia sẻ.
Phát tờ rơi và cung cấp thông tin tuyên truyền dân số - chăm sóc sức khỏe tại chợ Long Biên, quận Ba Đình (Hà Nội).
“Tại sao mỗi người một giường, nhà trọ rộng thế sao?”, Nhung cười đáp: “Không, nhà trọ rộng khoảng 60 m2 nhưng có tới 15 - 16 người trọ nên nhà chỉ toàn giường là giường (8 - 9 chiếc). Vợ chồng em là một trong số 5 cặp vợ chồng cùng trọ một nhà song khi ngủ thì nam ngủ riêng, nữ ngủ riêng”.
Chị Nhung cho biết, cả 2 vợ chồng chị đều lên Hà Nội mưu sinh từ nhiều năm nay. Những phụ nữ cùng trọ và làm nghề mua đồng nát giống chị Nhung lắm khi còn kiêm luôn cả nghề “ôsin” theo giờ, với giá 30.000 đồng/giờ. Quần quật từ sáng đến tối nên họ không còn hơi sức và thời gian để đọc báo, xem tivi, nâng cao hiểu biết về cách chăm sóc sức khỏe hay phòng tránh bệnh tật. Chị Nhung và những người cùng trọ cho biết, nhiều năm nay họ chưa từng thấy ai tới các khu trọ tuyên truyền hay hướng dẫn họ cách phòng tránh bệnh tật. “Nếu cảm, sốt thông thường thì tụi em vẫn cố làm, chứ mỗi lúc lại vào viện thì tiền đâu ra. Khi nào ốm quá thì mới đành về quê nghỉ vài hôm”, chị Nhung chia sẻ.
Theo nhiều nghiên cứu về đời sống của người dân di cư trong nước (giống như chị Nhung), hiện họ đang sống trong những căn nhà trọ xây tạm, ở những khu vực mà cơ sở hạ tầng, hệ thống thoát nước và giao thông công cộng nghèo nàn. Vì thế, họ sử dụng rất ít tiền cho việc ăn uống và chăm sóc sức khỏe. Điều kiện sống tạm bợ trong một thời gian dài là nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và gia tăng các nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm cho người di cư.
Đặc biệt, theo “Nghiên cứu định tính về nhận thức, thái độ và đời sống tình dục của những người lao động di cư tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh” do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội công bố năm 2010, phần lớn lao động di cư không hoặc hiểu biết rất sơ sài về sức khỏe và an toàn tình dục. Đáng lưu ý là người lao động di cư có gia đình thường không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với bạn đời của mình. Trong khi đó, do sống xa vợ lâu ngày, không ít nam giới di cư đã chọn cách “ăn phở trả tiền” hoặc có bạn tình lâu dài ở thành phố. Đây chính là nguyên nhân gia tăng tỷ lệ phụ nữ bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục một cách thụ động từ những nam giới di cư.
Cần những chính sách cụ thể
Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế: Trong thời gian tới, tình hình di cư tại Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn. Từ năm 2009, ngành Dân số đã triển khai nghiên cứu về nhu cầu phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng người di cư ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. “Trong năm 2010 – 2011, chúng tôi rất chú trọng công tác tăng cường các dịch vụ dân số- chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân di cư tại khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Trọng khẳng định.
Tuy nhiên, di cư nói chung và sức khoẻ người di cư nói riêng là những vấn đề đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương. “Nếu không làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho những người di cư, nhất là những nữ di cư thanh niên thì dễ dẫn đến gia tăng tình trạng có thai ngoài ý muốn, cũng như tỷ lệ lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục, thậm chí là lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”, bà Trần Thị Vân, Trợ lý Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến cáo.
Do đó, cần sớm có những chính sách cụ thể về nhà ở, giáo dục cho con cái những người di cư… Đặc biệt, cần phải chú trọng đặc biệt tới công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, xây dựng và triển khai thêm nhiều dự án chăm sóc sức khỏe dành riêng cho những người dân di cư. Ngành y tế nên tiến hành nghiên cứu về sức khoẻ người di cư để có cơ sở đề xuất xây dựng chính sách phù hợp, tạo sự đồng thuận giữa các bộ, ngành, đồng thời giảm bớt khoảng cách trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa người di cư và người bản địa.
Phương Liên