Chất vấn Bộ trưởng Công Thương: Những ca đại biểu hỏi "nóng", Bộ trưởng trả lời "thật"
Chính trị - Ngày đăng : 12:26, 07/11/2019
Các vấn đề liên quan đến ngành điện và các dự án điện cụ thể, cũng như những băn khoăn về việc mua bán, tàng trữ hàng hoá, gian lận về xuất xứ, giả về chất lượng, giả về thương hiệu buôn lậu trốn thuế, tiếp tục được các ĐBQH quan tâm đặt ra với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong phiên trả lời chất vấn.
“Tôi chắc cũng không thể nói được là thời điểm nào”
Liên quan Dự án Nhà máy Điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu, ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) phản ánh Dự án đã báo cáo với Thủ tướng 18 tháng nay và đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc. Nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục đầu tư tròn 12 tháng nay theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Thủ tướng đã hai lần chỉ đạo Bộ Công Thương có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Trong thời gian chờ đợi các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bạc Liêu và Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đã có không dưới 30 văn bản đề nghị và kiến nghị sớm trình để phê duyệt dự án.
Tuy nhiên, cho đến nay thì dự án quan trọng này của tỉnh nghèo Bạc Liêu vẫn chưa được Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao lại có sự chậm trễ như vậy? Cần tiếp tục thực hiện những thủ tục gì để dự án này được Bộ trưởng trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh?.
Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng ngày 7/11
Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng xem xét để sớm đưa vào bổ sung trong quy hoạch điện để phục vụ cho mục tiêu phát triển. Bộ Công Thương đã triển khai việc tổ chức xin ý kiến của các bộ, ngành để thẩm định và tổng hợp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ theo quy định pháp lý để bổ sung quy hoạch và triển khai thực hiện.
Mặc dù còn thiếu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng nhưng vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản 1480 báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung nhà máy điện này vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để có cơ sở triển khai thực hiện.
Ngày 29/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp để xem xét các đề nghị của Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch này và các quy hoạch liên quan. Phó Thủ tướng đã có thông báo kết luận và yêu cầu Bộ Công Thương phải rà soát, đánh giá tổng hợp bổ sung một số khía cạnh có liên quan đến cả nhà máy Điện Bạc Liêu cũng như các giải pháp để bảo đảm đánh giá về hiệu quả và cũng như tác động chung đến cân đối điện và mặt bằng giá điện và rất nhiều vấn đề khác liên quan.
Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các Bộ liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để lấy các ý kiến bổ sung với các dự án này và sau đó ngày 30.10.2019, Bộ Công Thương đã có văn bản 8224 gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo việc hoàn thiện nội dung liên quan, trong đó có dự án nhà máy điện Bạc Liêu.
“Bộ Công Thương đã thực hiện khẩn trương. Có hai lần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bổ sung quy hoạch dự án”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và cho biết thêm, Chính phủ sẽ xem xét sau khi có ý kiến hướng dẫn của UBTVQH về giải thích pháp luật để bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện thời gian tới.
Liên quan vấn đề này điều hành Phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Bộ trưởng trả lời về việc giải quyết rất chậm đối với dự án Điện khí hóa lỏng Bạc Liêu. 8 tháng đầy đủ hết các thủ tục đầu tư, ý kiến kiến của Chính phủ, UBTVQH cũng đã xem xét việc này. Người ta kêu rất nhiều. Cứ nói chung chung là sẽ xem xét thì rất khó. Đây là một dự án của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị Bộ trưởng có thể nói là trong cuối từ giờ tới cuối năm có giải quyết được dự án này hay không?
Báo cáo với Chủ tịch QH, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, bản thân Bộ Công Thương cũng rất mong muốn sớm có được quyết định tổ chức triển khai dự án. Trên thực tế, chúng ta đang thiếu điện và đang rất cần những trung tâm này. Tuy nhiên, “tôi chắc cũng không thể nói được là thời điểm nào, vì cái này chúng ta sẽ đợi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ cho ý kiến và sau đó đó sẽ triển khai theo đúng quy định và hy vọng sẽ sớm được thực hiện việc này vào đầu năm 2020”, Bộ trưởng nói.
Không tích cực, thậm chí là cố ý làm trái Luật Quy hoạch
Gay gắt hơn khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về dự án Điện khí hóa lỏng Bạc Liêu, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) khẳng định, dự án này đã hoàn tất thủ tục. Ngày 9/4/2019 tại văn bản 135 của Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho triển khai và trách nhiệm này thuộc Bộ Công Thương.
ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) tranh luận lại với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về dự án Điện khí hóa lỏng Bạc Liêu
Tiếp đó, Bộ Công Thương lại dựa vào Luật Quy hoạch và để chậm trễ cho đến tháng 6/2019. Tại phiên họp tháng 6 của UBTVQH, Chủ tịch QH đã khẳng định rằng dự án này không vướng Luật Quy hoạch và đặc biệt là sau đó hai cơ quan của Chính phủ của QH là Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì dự thảo Luật quy hoạch và Ủy ban Kinh tế -cơ quan thẩm tra Luật Quy hoạch đều khẳng định dự án này không chịu tác động bởi khoản điểm a khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch.
Thế nhưng đến nay, Bộ Công Thương vẫn đề nghị UBTVQH giải thích một số điều của Luật Điện lực để kéo dài thời gian triển khai dự án này. Như vậy là không tuân thủ cam kết với nhà đầu tư.
Đây là dự án kỳ vọng rất lớn thu hút đầu tư của cả một vùng đồng bằng sông Cửu Long nơi cả nước đang quan tâm, Đảng và Quốc hội đều luôn hướng về đồng bằng sông Cửu Long nhưng trách nhiệm của Bộ Công Thương, theo đánh giá của ĐB Lê Thanh Vân là “không tích cực, thậm chí là cố ý làm trái Luật Quy hoạch, cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng”. Đại biểu đề nghị Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay dự án này.
"Đang ở mức độ nào? Đã đến mức phải “rung chuông cảnh báo”? "
Băn khoăn với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Tuấn Anh, ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) một lần nữa nêu thực trạng tăng trưởng đột biến của một số ngành hàng hiện nay.
Đại biểu nêu rõ, cử tri có quyền đặt câu hỏi tới Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc mua bán, tàng trữ hàng hoá, gian lận về xuất xứ, giả về chất lượng, giả về thương hiệu buôn lậu trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng trung chuyển hàng hoá qua Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào? Đã đến mức phải “rung chuông cảnh báo” cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa?
Dư luận cho rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư làm ăn liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, các nước đang bị Mỹ, EU trừng phạt thương mại sẽ lợi dụng lợi dụng thị trường Việt Nam, lợi dụng chính sách xuất khẩu của Việt Nam. Vi phạm điều này dẫn đến hệ luỵ là Việt Nam sẽ là nạn nhân bị các nước điều tra áp thuế chống phá giá và áp thuế tự vệ, làm thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính.
Bên cạnh đó, ở thị trường trong nước hiện nay đang thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì các doanh nghiệp lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng làm giả thương hiệu, làm giả về xuất xứ để lừa dối người tiêu dùng.
Con số 7,9% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 được Chính phủ báo cáo trước QH bền vững và có thực sự là nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam hay không?
Không phải thiếu kiên quyết, hoặc có thái độ vô cảm
Trả lời tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, để thực hiện cơ chế phòng vệ thương mại, hiện đã có danh mục 25 mặt hàng cảnh báo có nguy cơ có gian lận thương mại trong thương mại với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Tại sao chỉ có đưa ra 25 mặt hàng có nguy cơ này? Bởi chúng ta chưa có cơ sở, cần các cơ quan chức năng giám sát và kiểm tra thực tế trong các hoạt động thương mại quốc tế thì mới có thể phát hiện những hoạt động gian lận này.
Việc ngăn chặn các hoạt động gian lận này ngay từ trong các hoạt động đầu tư là rất khó thực hiện để vừa đảm bảo môi trường đầu tư, vừa đảm bảo được hiệu quả trong chính sách về xử lý gian lận thương mại.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần sự phối hợp và vào cuộc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng để hướng dẫn cho các địa phương trong giám sát đầu tư thực hiện chuyển tải bất hợp pháp chính.
Việc lợi dụng gian lận thương mại trong thương mại quốc tế đã có một số trường hợp, nguy cơ còn rất lớn, nguy cơ này đã hiện hữu. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Đề án 804 đưa ra hàng loạt loạt các biện pháp khác, cũng như biện pháp phối hợp với các nước đối tác để kiểm soát. “Chúng ta không bị động và đang triển khai quyết liệt”, Bộ trưởng khẳng định.
Thừa nhận đã có hiện tượng mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài dán mác Việt Nam, lắp ráp tại Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đây là hành vi xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, cũng như vi phạm Luật Tiêu chuẩn chất lượng đo lường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đây thực sự là hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái. Chúng ta đang tổ chức đấu tranh rất kiên quyết chống lại những hiện tượng này. Các lực lượng của 389 quốc gia, trong đó có cả quản lý thị trường cũng phải quyết liệt.
Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cũng thống nhất với quan điểm của các ĐBQH về việc cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh các hành vi liên quan đến lợi dụng gian lận xuất xứ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Dự thảo Thông tư Bộ Công Thương xây dựng cũng hướng đến mục tiêu này.
“Chúng tôi cũng nói luôn là không phải chúng tôi không quyết tâm hoặc không mong muốn làm cái này với sự quyết liệt của mình thực sự. Đây là vấn đề phức tạp, mới được hai tháng nay, ý kiến cũng rất đa dạng, nhiều chiều về nhiều khía cạnh kỹ thuật, đòi hỏi phải có sự cân nhắc. Chúng tôi cam kết với các ĐBQH và cử tri sẽ làm hết trách nhiệm, chứ không phải thiếu kiên quyết hoặc có thái độ vô cảm, kiên quyết không thờ ơ.
Trong cuối năm nay, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan, trong đó Bộ Tư pháp để rà soát lại tính chất pháp lý cũng như cơ sở của nó và phạm vi điều chỉnh và hiệu quả của nó để đảm bảo văn bản pháp quy này được ban hành và sẽ có hiệu lực hiệu quả và đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.