6 giải pháp để phát triển bền vững ngành Thuỷ sản Việt Nam

Chính trị - Ngày đăng : 17:18, 06/11/2019

Tại phiên trả lời chất vấn đầu giờ chiều ngày 6/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đưa ra 6 giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành Thuỷ sản trong thời gian tới.

Cuối phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chiều ngày 6/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trả lời các nội dung liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Phó Thủ tướng đã trả lời vấn đề nhiều đại biểu quan tâm, đó là các giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành Thuỷ sản trong thời gian tới,

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành thủy sản. Trong những năm qua ngành thủy sản Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ: Năm 2018, tổng sản lượng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giá trị suất khẩu đạt 9 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2019, giá trị suất khẩu đạt 7,1 tỷ USD. Với kết quả đó, Việt Nam đã trở thành nhóm nước có giá trị xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Sự phát triển của ngành thủy sản đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mới, và góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản còn nhiều tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn thách thức: Quy mô sản xuất còn chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu ngành thủy sản chưa hợp lý, hệ thống hạ tầng thuỷ sản còn lạc hậu, thiếu đồng bộ. Vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản còn khó khăn. Tổ chức sản xuất của ngành thủy sản chưa hiệu quả, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành thủy sản còn thấp. Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được chú trọng. Chính sách cho phát triển thủy sản (Nghị định 67) chưa hiệu quả. Đặc biệt là tình trạng đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài vẫn chưa được dứt điểm. Những vấn đề này đã được các ĐBQH đã nêu và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trả lời làm rõ.

Về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển ngành thủy sản Việt Nam trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng khẳng định, yêu cầu đặt ra là: phải phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam thành một ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương; khắc phục những tồn tại, khó khăn, thách thức để phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của người lao động.

Từ mục tiêu đó, Chính phủ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Trước hết, phải tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở đánh giá đầy đủ nhu cầu thị trường trong nước và thế giới; gắn tái cơ cấu ngành thủy sản với điều kiện phát triển thủy sản của từng vùng, từng địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Gắn tái cơ cấu ngành thủy sản với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào đến nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam. Chuyển từ nuôi trồng, khai thác theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hóa ngành thủy sản, ứng dụng công nghệ cao.

Tổ chức lại hoạt động khai thác, đẩy mạnh nuôi trồng, hiện đại hoá quản lý, đầy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Tái cấu trúc ngành khai thác thủy sản, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, hiện đại hóa đội tàu, trang thiết bị, đảm bảo nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Tái cơ cấu ngành thủy sản, chuyển mạnh sang nuôi trồng biển - coi đây là nhiệm vụ đột phá trong tái cơ cấu ngành thủy sản trong giai đoạn tới nhầm thúc đẩy tăng trưởng thủy sản, chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

Thứ hai, trên cơ sở tái cơ cấu ngành thủy sản, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch theo Luật quy hoạch. Trong đó, phải đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch sử dụng biển Quốc gia để báo cáo Quốc hội. Xác định đầy đủ các khu vực biển, đảo có tiềm năng lợi thế để phát triển ngành thủy sản (khai thác và nuôi biển).

Từ đó làm cơ sở cho việc đầu tư khai thác và nuôi biển. Quy hoạch sử dụng biển Quốc gia phải gắn với việc điều tra, đánh giá đầy đủ về nguồn lợi thủy sản trên biển để làm cơ sở xây dựng kế hoạch khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi thủy sản. Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045.

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lập Quy hoạch các vùng kinh tế và hướng dẫn các địa phương lập Quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch. Trong đó xác định rõ các quy hoạch cần tích hợp vào Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh như Quy hoạch hạ tầng thuỷ sản, giao thông, thủy lợi, điện, thông tin truyền thông, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, các khu vực nuôi trồng thuỷ sản cả trên biển và đất liền…

Thứ ba, trên cơ sở quy hoạch, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các quy hoạch cho từng năm và 5 năm. Xác định rõ cơ cấu nguồn vốn để đầu tư thực hiện các quy hoạch.

Đồng thời, xác định cụ thể các dự án, các nhiệm vụ ưu tiên để huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Ưu tiên vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho các dự án hạ tầng cấp thiết như: cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, các dự án hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, trong đó tập trung cho khu vực duyên hải và khu vực ĐBSCL.Với các dự án nuôi trồng thuỷ sản tập trung (cả các dự án nuôi biển), thì huy động các nguồn vốn của doanh nghiệp và người dân trong và ngoài nước để đầu tư.

Thứ tư, rà soát lại các cơ chế chính sách hiện có để sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách để hỗ trợ phát triển ngành thủy sản. Trong đó: tổng kết thực hiện Nghị định 67 để điều chỉnh lại những nội dung còn hạn chế, chưa phù hợp (như cơ chế về tín dụng cho ngành thủy sản).

Xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển các đội tàu Viễn Dương, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nuôi biển; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân, đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển ngành thủy sản.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm soát quá trình đầu tư phát triển, khai thác, nuôi trồng, chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả ầu tư các dự án hạ tầng, các dự án đóng mới tàu thuyền. Kiểm soát chất lượng thủy sản.

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm thuỷ sản Việt Nam. Trong phân định vùng biển, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và hợp tác đánh cá với các quốc gia trong khu vực và các vùng đại dương. Huy động nguồn lực để trang bị hợp tác khoa học cho các hoạt động tập trung lĩnh vực thủy sản. Và cuối cùng, phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản. Đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Ngọc Mai