Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế
Chính trị - Ngày đăng : 15:00, 02/11/2019
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư chủ trì Hội nghị.
Cùng dự có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện Ban cán sự đảng một số cơ quan, tổ chức Trung ương, Tỉnh ủy, Thành ủy…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: Chỉ thị số 39 được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành trên cơ sở tổng kết, đánh giá và kế thừa, phát triển những kết quả đã đạt được được trong Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 8/8/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII), có vai trò quan trọng trong xác định cụ thể các định hướng, nguyên tắc và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản cho công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp vụ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Theo Phó Thủ tướng, mục đích của việc tổng kết là nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW trong 10 năm qua, xác định những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhận diện bối cảnh, yêu cầu mới và đề ra định hướng, nhiệm vụ hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Việc tổng kết Chỉ thị số 39 lần này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Trung ương cũng đang tiến hành tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp trình bày Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TƯ
Trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TƯ, bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, từ năm 2009 đến tháng 6/2019, thực hiện định hướng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và trên cơ sở các định hướng, nguyên tắc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật được xác định tại Chỉ thị số 39, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã ký kết, gia nhập 340 điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế và thoả thuận hợp tác (theo các hình thức hiệp định, thoả thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ, biên bản hội đàm...); đàm phán, phê duyệt và triển khai thực hiện khoảng 366 chương trình, dự án, phi dự án với vốn cam kết hỗ trợ hàng triệu USD trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu chuyên gia, khảo sát thực tiễn hoặc cung cấp các trang thiết bị làm việc...; ký kết 37 điều ước quốc về về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa nước CHXHCN Việt Nam với các nước trên thế giới.
Các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp được thực hiện bám sát với 5 nguyên tắc, định hướng của Chỉ thị số 39.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã phân tích, đánh giá đúng nhu cầu hợp tác, chủ động lựa chọn đối tác, xây dựng nội dung chương trình, dự án phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc điểm chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc các chương trình, dự án đã ký kết, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ; thực hiện tốt việc quản lý, điều phối và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp…
Quang cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về kết quả, hạn chế sau 10 năm thực hiện Chỉ thị, nhận diện bối cảnh mới với những yêu cầu mới đặt ra, đề xuất định hướng nhiệm vụ hợp tác quốc tế về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong thời gian tới, từ đó hoàn thiện và làm sâu sắc hơn dự thảo báo cáo của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm và dự thảo Kết luận của Ban Bí thư.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Hoà Bình nhấn mạnh, tinh thần chủ đạo của Chỉ thị 39 là nhằm tiếp thu kinh nghiệm tốt của quốc tế nhưng phải có sự lựa chọn, sàng lọc, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan, tổ chức, địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 39, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và tăng cường năng lực xây dựng pháp luật cho đội ngũ cán bộ trong thực hiện hợp tác quốc tế, đảm bảo phân tích, đánh giá kỹ tác động trước khi đề xuất, đàm phán ký kết, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
Xây dựng và thực hiện các cơ chế, giải pháp bảo đảm sự chủ động, làm chủ có hiệu quả hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp ngay từ khâu đề xuất đến tổ chức thực hiện, lựa chọn nội dung hợp tác phù hợp.