Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Để thay đổi giờ làm việc, cần xử lý nhiều vấn đề liên quan
Chính trị - Ngày đăng : 15:05, 01/11/2019
Đổi giờ học, giờ làm các khu đô thị muộn hơn
Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 31/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) đã có đề xuất về đổi giờ học, giờ làm phù hợp ở các đô thị.
Cụ thể, ông Cảnh cho rằng, dự thảo Luật lao động sửa đổi trình ra tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV bỏ nội dung liên quan đến đổi giờ làm việc là hợp lý.
"Thứ nhất, tôi thấy việc thống nhất giờ làm việc đối với tất cả các cơ quan hành chính các cấp trên cả nước là không phù hợp khi điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, tác phong làm việc, mức độ hiện đại hóa còn khác nhau ở nhiều vùng nhiều cấp.
Thứ hai, thay đổi giờ làm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều gia đình nhưng chưa có tác động cụ thể và cũng chưa có đề xuất đổi giờ học khi đổi giờ làm.
Trên thế giới cũng như châu Á thì hầu hết các nước bắt đầu giờ học, giờ làm lúc 8h30 hoặc 9h, thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng được áp dụng đồng bộ cho khối cơ quan hành chính, khối văn phòng, cơ sở giáo dục. Hiện nay ở nước ta, một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục trong nươc và nước ngoài cũng đã áp dụng giờ làm việc từ 8h30 hoặc 9h", ông Cảnh nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) tại phiên thảo luận chiều 31/10
Theo ông Cảnh, hiện tại, nước ta đang dùng khung giờ làm việc của thời kỳ còn là nước nông nghiệp để áp vào các đô thị đang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch là không phù hợp. Ông Cảnh cho rằng việc đi học, đi làm muộn, nghỉ trưa ngắn sẽ đem lại lợi ích về giao thông, tiết kiệm năng lượng nâng cao hiệu quả giờ làm và kỷ cương làm việc của công chức.
Giải thích cho quan điểm trên, vị đại biểu đoàn Bình Định nêu thực tế, các thành viên trong gia đình ở đô thị ngày nay ít có thời gian chia sẻ với nhau. Từ sáng sớm cả nhà đã phải vội vã đi học, đi làm, quên dần bữa ăn gia đình truyền thống là một trong những nguyên nhân dẫn đến rạn nứt hôn nhân. Nhiều con em có hành vi bạo lực, trầm cảm có nguyên nhân chính là thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ.
Bữa cơm gia đình là không gian, thời gian quý báu để dạy trẻ điều hay, lẽ phải, uốn nắn trẻ bỏ đi thói xấu từ bạn bè, tiêu cực từ cuộc sống ảo.
“Nhiều phụ huynh lo lắng cho con trẻ khi các cháu phải dậy sớm và vội đến trường với ổ bánh mỳ trong khi ở nhà nhiều đồ ăn nhưng không có thời gian để nấu cho trẻ bữa đủ chất”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.
Đại biểu này cũng cho rằng, nghỉ trưa khoảng 20-30 phút là đủ thời gian để phục hồi năng lượng, tỉnh táo, cải thiện trí nhớ, nâng cao hiệu quả làm việc.
“Vậy tại sao chúng ta phải đi làm sớm để không lo được bữa ăn cho gia đình, cho bản thân đúng khoa học? Chúng ta lãng phí thời gian để đi lại, nghỉ trưa dài mà không dành thời gian chăm sóc tốt hơn cho gia đình, quan tâm tới trẻ”, đại biểu Cảnh nói.
Theo đại biểu, thức khuya ở đô thị cũng phù hợp với đi làm muộn và phù hợp với xu hướng hiện nay là phát triển nền kinh tế ban đêm. Đổi giờ học, giờ làm không phải chỉ để góp phần giải quyết vấn đề giao thông ở đô thị lớn, mà lớn hơn nhiều là nâng cao hiệu quả làm việc, xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sức khoẻ thể chất và tinh thần cho trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình, góp phần phát triển KTXH theo hướng văn minh hiện đại.
Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo bộ ngành xem xét thấu đáo quy định các cơ quan hành chính Trung ương và cơ quan hành chính cấp tỉnh làm việc không sớm hơn 8h sáng, nghỉ trưa 1 tiếng; chỉ đạo ngành giáo dục có kế hoạch điều chỉnh giờ học đồng bộ với đổi giờ làm.
Phải đảm bảo nguyên tắc làm việc 8 tiếng mỗi ngày
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) đã nêu cần tham khảo, song thống nhất giờ làm việc chung trong cả nước là rất khó.
Để quyết định thay đổi giờ làm, cần xử lý nhiều vấn đề liên quan, bố trí giờ làm cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể lệch giờ, tránh ùn tắc giao thông, còn bố trí giờ cùng trễ hoặc cùng sớm sẽ không giải quyết được tình trạng này. Bố trí giờ làm phải thận trọng, đảm bảo nhu cầu của người lao động nhưng phải hài hòa trong việc xử lý ùn tắc giao thông.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: H. Vũ.
"Giờ làm hành chính phải phù hợp với nhiều cơ quan. Hiện giờ giấc làm việc theo quy chế chung. Ví dụ phía Bắc giờ làm việc bắc đầu từ 8 giờ nhưng phía Nam bắt đầu từ 7 giờ hoặc 7 giờ 30 do đặc điểm, tình hình tùy vùng. Thống nhất chung cả nước thì rất khó mà nên quy định vùng miền, thành phố lớn, có tính đặc thù," Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.
Theo ông, giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo nguyên tắc làm việc 8 tiếng mỗi ngày. Tăng, giảm giờ làm đều phải tuân thủ theo Bộ luật Lao động. Hiện nay, nhiều cán bộ, công chức làm việc hơn 8 tiếng mỗi ngày, trưa không nghỉ, tối về muộn. “Mục đích là chúng ta làm hết việc chứ không phải hết giờ làm," Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Về đề xuất cán bộ, công chức, người lao động chỉ nên nghỉ trưa 1 tiếng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, nhiều cơ quan đang thực hiện không nghỉ trưa. "Anh em cũng tranh thủ giờ làm trưa, ở cơ quan cũng đâu có chỗ nghỉ, ăn cơm xong làm việc ngay, để về sớm đón con cái đi học về. Đó là nhu cầu, sắp xếp hợp lý," theo Bộ trưởng.
Tuy nhiên, ông cho rằng, việc này cần lắng nghe ý kiến của người lao động để tổng hợp, bố trí hợp lý, không bị ách tắc, người làm trước, người làm sau, người nghỉ trước, người nghỉ muộn. Nếu sắp xếp trùng giờ sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông. Bộ Nội vụ cũng chưa có khảo sát, đánh giá nào về việc thay đổi giờ làm.
Không nên quy định thống nhất giờ làm việc trên cả nước
Liên quan đề xuất đổi giờ làm, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam Phan Việt Cường cho rằng, đây là ý kiến cần tham khảo, nhưng để thống nhất được giờ làm là rất khó bởi giờ làm phụ thuộc vào khí hậu, thời tiết từng vùng. Với miền Trung thời tiết nóng khắc nghiệt, giờ làm việc có khi sớm hơn, có khi muộn hơn.
“Nếu Quốc hội, Chính phủ có quy định thì phân cấp về các địa phương quyết định, chứ không nhất thiết thống nhất giờ làm trong cả nước,” ông Cường nói.
Với thâm niên làm việc ở tỉnh Quảng Nam 30 năm, theo Bí thư Phan Việt Cường, giờ làm áp dụng ở tỉnh này đang “rất phù hợp”. Theo đó, buổi sáng, cán bộ, công chức làm việc từ 7 giờ đến 11 giờ, buổi chiều làm việc từ 13 giờ 30 đến 17 giờ.
“Tôi thấy giờ làm việc ở tỉnh Quảng Nam áp dụng như vậy là phù hợp. Còn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác tuỳ theo thời tiết, khí hậu thì quyết định giờ làm việc”, ông Cường chia sẻ.
Về việc thay đổi giờ làm việc lúc 8 giờ 30 hoặc 9 giờ có thể góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả làm việc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng cần phải có đề tài khoa học để đánh giá điều này.
“Năng suất lao động tuỳ thuộc vào chất lượng công việc của mỗi người. Cho nên cần phải có đề tài khoa học để đánh giá, chứ không thể nói đổi giờ làm thì chất lượng lao động sẽ tăng lên,” người đứng đầu tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc quy định về thời gian bắt đầu làm việc trên Trung ương là do Thủ tướng Chính phủ quy định, còn dưới địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định căn cứ điều kiện của từng địa phương.
“Cho đến giờ phút này, tôi chưa thấy địa phương nào có ý kiến giờ làm việc này ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc thay đổi nào cũng cần phải đánh giá tác động, nếu nơi nào muốn điều chỉnh thì hãy đánh giá tác động xem có cần thiết phải điều chỉnh hay không?,” ông Lợi băn khoăn.
Đối với ý kiến ở nước ngoài quy định nghỉ trưa ngắn để tiết kiệm thời gian, đại biểu tỉnh Thanh Hoá cho rằng hiện giờ ở Việt Nam không dễ gì thay đổi thói quen sinh hoạt, do đó không nên quy định thống nhất giờ làm việc trên cả nước trong luật mà giữ nguyên như hiện hành.
Luật chỉ quy định ngày làm việc 8 giờ, tuần làm việc 40 giờ hoặc 48 giờ, còn lại các địa phương căn cứ vào điều kiện tự nhiên để quy định linh hoạt.
“Hiện nay, ở Việt Nam vẫn đang có thực trạng khi mẹ đi làm thì mẹ đèo con đi học, khi mẹ đi làm về thì mẹ đón con, không đơn giản như ở nước ngoài là trẻ con đi học có xe buýt, lái xe đến đón. Thực tế, công chức của chúng ta chưa có đủ điều kiện để có thể áp dụng như nước ngoài. Do đó, vẫn nên quy định tuỳ theo đặc điểm của từng địa phương để quyết định giờ làm việc phù hợp,” đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.
Dẫn chứng một quy định ở nước ngoài áp dụng tốt là đi xe số chẵn-lẻ tuỳ theo từng ngày nhưng không hẳn Việt Nam làm được, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc học tập kinh nghiệm quốc tế không có nghĩa là mang nguyên quy định của quốc tế về áp dụng vào Việt Nam mà sẽ tiếp thu có chọn lọc.
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, thời gian làm việc không phải là yếu tố mang tính chất quyết định tác động năng suất lao động. Tác động quyết định phải là công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, điều kiện làm việc...