Quốc hội bắt đầu thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 09:18, 30/10/2019
Phiên thảo luận khai mạc sáng nay 30/10 và sẽ kéo dai đến hết sáng ngày 1/11
Hôm nay (30/10), Quốc hội bắt đầu thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Đây là một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi.
Trong quá trình thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dự kiến phiên thảo luận diễn ra từ ngày 30/10 đến hết sáng 1/11.
Trước phiên thảo luận về kinh tế- xã hội, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tham dự Phiên thảo luận của Quốc hội tại Hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ tham dự đầy đủ các phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước tại Hội trường từ ngày 30/10 - 1/11/2019.
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ chủ động đăng ký phát biểu và giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình được đại biểu Quốc hội nêu tại các phiên thảo luận.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Theo dự kiến sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng. Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét. Tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Theo Báo cáo của Chính phủ, mục tiêu tổng quát cho năm 2020 gồm: Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Cùng với việc củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, Việt Nam thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. |