MIT đưa dòng điện vào thuốc trừ sâu giúp cải thiện hiệu quả
Đời sống - Ngày đăng : 11:42, 03/09/2016
Nội dung đăng tải trên MIT News nói rằng, một trong những vấn đề lớn nhất chính là sự lãng phí trong quá trình phun thuốc trừ sâu lên cây hiện nay. Vì lá cây có thể đẩy lùi nước bám lên nó, do đó có một lượng không nhỏ thuốc trừ sâu bị đẩy ra khỏi những chiếc lá, khiến cho khả năng diệt sâu bám vào lá cây bị giảm đi nhiều. Trong thực tế, MIT cho rằng chỉ có 2% lượng thuốc trừ sâu được bám tại chỗ.
Kỹ thuật mới sẽ giúp lượng chất diệt sâu bám trên cây nhiều hơn
Vì vậy, nhằm thay đổi nhược điểm nói trên, các nhà nghiên cứu tại MIT đã nghĩ ra một cách giúp tăng lượng chất lỏng được giữ lại trên những chiếc lá. Điều này liên quan đến việc phân chia chất phun thành hai phần, và bổ sung cho mỗi phần một loại polymer khác nhau. Trong đó, một polymer đảm nhận phun điện tích dương, còn một polymer mang đến điện tích âm cho nửa còn lại. Khi chúng gặp nhau trên bề mặt của chiếc lá sẽ được hút lại với nhau để thuốc sâu bám trên lá cây chặt hơn.
Các nhà nghiên cứu của MIT nói rằng, phương pháp nói trên có thể giúp giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu lên đến 90%, giúp giảm chi phí sử dụng thuốc trừ sâu, giảm ô nhiễm nước ngầm và giúp nông dân ít tiếp xúc với thuốc trừ sâu hơn. Hơn nữa, MIT nói rằng các polymer được chiết xuất từ các nguyên liệu chi phí thấp, có thể được sản xuất tại địa phương.
Với thành tự nghiên cứu mới, nông dân sẽ không phải đầu tư quá nhiều chi phí, trong khi họ cũng không phải thay đổi quy trình làm việc.
Nhóm nghiên cứu tại MIT nói rằng họ sẽ tiến hành kiểm tra các trang trại nhỏ ở Ấn Độ trong năm tới để xem hiệu quả bên ngoài phòng thí nghiệm sẽ ra sao. Nếu thành công, MIT hy vọng kỹ thuật này cũng được sử dụng để ngăn chặn các thiệt hại sương giá tới những cây trồng có múi ở Florida, Mỹ.