UBTVQH thông qua 3 Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính

Chính trị - Ngày đăng : 07:32, 17/10/2019

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua 3 Nghị quyết: sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa; cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương; thành lập 3 phường thuộc TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

UBTVQH thông qua 3 Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển Phiên họp

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, chiều 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập hai phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa và 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình về Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019 - 2021; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; điều chỉnh địa giới hành chính một số phường, xã; thành lập 2 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc TP Hải Dương; Tờ trình việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa; Tờ trình về việc thành lập 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Trình bày Báo cáo thẩm tra các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hải Dương; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương và thành lập 3 phường thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Pháp luật nhận thấy hồ sơ các Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, chất lượng. Trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng các yêu cầu của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của UBTVQH về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Các Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của HĐND ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao. Kết quả lấy ý kiến cử tri về các Đề án đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.

Về Đề án của tỉnh Thanh Hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án sắp xếp 146 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa để hình thành 70 đơn vị hành chính cấp xã mới (giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã trong toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 11,9%) và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của tỉnh Thanh Hóa theo Đề án. Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với việc thành lập thị trấn Nưa trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Xã Tân Ninh đã bảo đảm đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn thành lập thị trấn theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị và Nghị quyết số 1211 của UBTVQH.

Về Đề án của tỉnh Hải Dương, Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án sắp xếp 55 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương để hình thành 25 đơn vị hành chính cấp xã mới (giảm 30 đơn vị hành chính cấp xã trong toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 11,7%) và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của tỉnh Hải Dương theo Đề án. Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thành lập 2 phường Nam Đồng và Tân Hưng và mở rộng địa giới hành chính TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Xã Nam Đồng và xã Tân Hưng bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện thành lập phường theo quy định tại Nghị quyết số 1210 và Nghị quyết số 1211 của UBTVQH. TP Hải Dương sau khi điều chỉnh nhập thêm các xã Gia Xuyên và Liên Hồng, huyện Gia Lộc; xã Tiền Tiến và Quyết Thắng, huyện Thanh Hà và xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ vẫn bảo đảm các tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh.

Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc điều chỉnh địa giới hành chính tại 48 khu vực trên địa bàn TP Hải Dương theo Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Việc Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính một số khu vực trên địa bàn thành phố Hải Dương là đúng theo thẩm quyền được pháp luật quy định. Tuy nhiên, do số lượng khu vực được đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính rất nhiều; diện tích tự nhiên từng phần được đề xuất điều chỉnh rất nhỏ, nhiều khu vực đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính không có dân. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong Nghị quyết của UBTVQH không ghi cụ thể dân số, diện tích tự nhiên được điều chỉnh mà chỉ quy định khái quát theo hướng ghi nhận việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính các phường, xã của thành phố Hải Dương theo Tờ trình số 459/TTr-CP và Đề án số 461/ĐA-CP của Chính phủ và giao Chính phủ, địa phương tổ chức thực hiện.

Về Đề án của tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Pháp luật tán thành việc thành lập 3 phường thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; 3 xã Hòa Long, Kim Chân và Nam Sơn thuộc thành phố Bắc Ninh đều bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện thành lập phường theo quy định của Nghị quyết số 1210 và Nghị quyết số 1211 của UBTVQH – Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định nói.

Các Ủy viên UBTVQH tán thành với các Đề án của Chính phủ và đề nghị, để bảo đảm hoàn thành tiến độ xem xét thông qua các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong năm 2019 theo kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thành hồ sơ về việc sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh trực thuộc Trung ương trình UBTVQH xem xét quyết định trong tháng 10, 11 và tháng 12 năm 2019. Chính phủ cần tổng hợp, nắm bắt khó khăn vướng mắc của địa phương để có biện pháp kịp thời tháo gỡ, khắc phục hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trong đó, cần lưu ý việc chuẩn bị phương án cụ thể để bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức; bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách ở các đơn vị hành chính liên quan đến việc sắp xếp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất trí với Tờ trình và báo cáo thẩm tra và đề nghị, việc sắp xếp các đơn vị hành chính liên quan đến văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, từ cấp thôn xã đến quận, huyện cũng như liên quan đến thủ tục giấy tờ, hồ sơ, sổ đỏ, con dấu và các mặt liên quan khác như đảm bảo cơ sở sinh hoạt cho người dân. Vì vậy, cần lưu ý để tránh những vấn đề phát sinh dẫn đến khiếu kiện.

"Một số đơn vị sáp nhập vừa rồi người dân đã có ý kiến. Đề nghị các địa phương hết sức chú ý,” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua 3 Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa;  Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương; Nghị quyết về việc thành lập 3 phường thuộc TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Các Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2019.

Ngọc Mai