Nợ xấu và lãi ảo
Chính trị - Ngày đăng : 07:10, 18/07/2012
Thật vậy sao, thế còn bài trường ca “doanh nghiệp lỗ nặng - ngân hàng lãi lớn” vẫn tiếp tục vang lên trong 6 tháng đầu năm 2012. Dư luận lại lên cơn sốc nặng khi một số ngân hàng tiếp tục công bố lãi khủng hàng ngàn tỷ, tăng 14-15% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã khiến không ít người phải đặt câu hỏi tại sao đang tồn tại nhiều con số khác nhau về nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Hiện nợ xấu của các ngân hàng tăng gần gấp đôi, khoảng 202.000 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)
Chẳng hạn, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng thì tính đến hết tháng 5-2012, nợ xấu của toàn hệ thống chỉ là hơn 117.000 tỷ đồng, tương ứng 4,47% tổng dư nợ. Còn các tổ chức tín dụng quốc tế thì cho rằng, nợ xấu của Việt Nam đang vào khoảng từ 10-13% tổng dư nợ tín dụng. Điều đáng quan tâm nữa, đó là khoản nợ xấu 202.000 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD này có thực sự đáng lo ngại và có gây ảnh hưởng tới hoạt động của các ngân hàng cũng như nền kinh tế?
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Quyền Chánh Thanh tra giám sát NHNN cho rằng, dự phòng rủi ro và tài sản bảo đảm sẽ giúp cho nợ xấu không gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thế nhưng, việc một khoản tiền lớn lên tới trên 200.000 tỷ đồng không thể đưa vào lưu thông, bị chôn ở các tài sản đảm bảo sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Do vậy, vấn đề hàng đầu được đặt ra cho NHNN vào lúc này làm sao xử lý giảm bớt tỷ lệ nợ xấu này.
Trung tuần tháng 7, Thanh tra giám sát NHNN đã chính thức công bố con số nợ xấu lên tới 202.000 tỷ đồng (8,6%), gần gấp đôi so với con số 117.000 tỷ do các ngân hàng tự báo cáo, gây bất ngờ và lo lắng trong dư luận. Các chuyên gia so lại số liệu tiền hậu bất nhất giữa con số tự báo cáo, số của NHNN công bố và con số mới “chốt” để tìm số liệu tỷ lệ nợ xấu cuối cùng? Hình như có sự không minh bạch trong báo cáo ở đây?
Theo các chuyên gia chính là hành vi không báo cáo trung thực nợ xấu để trích lập dự phòng rủi ro là cực kỳ nguy hiểm cho cả hệ thống ngân hàng. Bởi một khi hệ thống ngân hàng không có trích lập dự phòng đầy đủ theo đúng quy định, hệ thống đó sẽ thực sự mất an toàn.
Một cựu quan chức Ủy ban giám sát tài chính, tiền tệ quốc gia đưa ra thông tin đáng lo ngại: hiện mới chỉ có 3 ngân hàng đã thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Vậy hàng trăm ngàn tỷ nợ xấu đáng lo ngại trên từ đâu ra? Ngoài nguyên nhân khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn cầu, còn có câu chuyện bất động sản đóng băng, của chứng khoán thất bát, theo các chuyên gia thì nguyên nhân chính là doanh nghiệp sân sau của các ngân hàng.
Tại một hội nghị ngân hàng mới đây ở Tp. Hồ Chí Minh, có doanh nghiệp kêu và tố “ngân hàng cho vay không khác gì tiệm cầm đồ” bởi chỉ chăm chăm bắt thế chấp tài sản. Hóa ra có chuyện ngân hàng dễ dãi với DN sân sau, DN cánh hẩu, nhưng làm khó khăn với các DN nhỏ nhưng làm ăn nghiêm túc?
Việc giải quyết nợ xấu - “cục máu đông” hàng trăm ngàn tỷ nói trên, theo nhiều chuyên gia là không thể bỏ tiền ngân sách, để mua nợ xấu của các NHTM. Để tồn đọng nợ xấu nhiều như vậy rõ ràng có nguyên nhân từ trách nhiệm giám sát, quản lý của NHNN.
Các chuyên gia nhận xét rằng nợ xấu của các ngân hàng là câu chuyện của lợi ích nhóm, câu chuyện của quản lý và trách nhiệm.
Bảo Dân