Báo Mỹ nói về các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam
Đời sống - Ngày đăng : 06:17, 08/06/2016
Sự vươn lên của trí tuệ Việt
Theo Reuters, những tài năng trẻ tại Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm thành công, thậm chí tốt hơn những gì mà .GEARS của Nguyễn Hà Đông đã đạt được thông qua Flappy Bird.
Chỉ mới tháng trước, hai đại gia tài chính là Goldman Sachs và Standard Chartered PLC đã tăng vốn đầu tư vào dịch vụ ví điện tử MoMo với số tiền lên đến 28 triệu USD, trong khi quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups cũng công bố thành lập quỹ trị giá 10 triệu USD để tập trung vào các startup trong Đề án Vietnam Silicon Valley (VAV).
Ví điện tử MoMo vừa nhận được khoản đầu tư có giá trị vào tháng trước
Một trong những khoản đầu tư của 500 Startups được tập trung cho dịch vụ tiếp thị tự động Beeketing, được tạo ra bởi Trương Mạnh Quân (26 tuổi) với doanh thu ước tính trong năm nay đạt 2 triệu USD, chủ yếu từ các khách hàng tại Mỹ.
“Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ đầu tư vào khoảng 10-20 công ty startup trong khoảng 12 tháng tới, và có thể tăng lên nếu ngày càng nhiều công ty startup có triển vọng cao xuất hiện”, Eddie Thai, trưởng nhóm đối tác của 500 Startups cho hay.
Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của các công ty startup trong ngành công nghiệp công nghệ. Ba năm kể từ khi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông gây tiếng vang, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất của Samsung Electronics tại Đông Nam Á. Trong khi các công ty đã có nhà máy tại Việt Nam lâu năm như LG Electronics, Panasonic hay Toshiba cũng đã mở rộng vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Một phần hấp dẫn của Việt Nam chính là có lực lượng lao động rẻ hơn so với Trung Quốc, và cũng là thành viên trong khối liên minh thương mại xuyên Thái Bình Dương, tham gia hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, cùng với đó là các ưu đãi nhằm thu hút giới đầu tư hấp dẫn hơn các quốc gia láng giềng.
Không chỉ có vậy, độ tuổi trung bình của người am hiểu công nghệ tại Việt Nam chỉ ở mức 30 tạo ra một lợi thế lớn cho các công ty startup. “Các sinh viên CNTT tại Việt Nam có trình độ rất cao so với những gì tôi từng gặp”, Neil Fraser, một kỹ sư phần mềm tại Alphabet, đã cho biết sau khi có chuyến thăm một số trường học tại Việt Nam.
“Tôi đã xem cách họ giải quyết các test. Các học sinh lớp 11 có thể vượt qua các bài test kỹ năng thuộc hàng khó trong các bài phỏng vấn tuyển dụng của Google”, Fraser cho biết thêm.
Vượt qua khó khăn về tài chính
Ở khu vực châu Á, Singapore có khoảng 1.500 công ty startup hoạt động, còn ở Indonesia là 2.100, Trung Quốc là 2.300 và Ấn Độ là 7.500, trong khi dữ liệu về số công ty startup của Việt Nam là khá khan hiếm.
Để có thể thúc đẩy startup, VSV Accelerator 2016 - một mô hình thuộc đề án Vietnam Silicon Valley (VAV) phối hợp với Bộ Khoa học và Công Nghệ - đã được đưa ra với mục đích cung cấp cho các startup khoản vốn mồi từ 10.000 – 20.000 USD giúp các nhóm phát triển sản phẩm.
Đồng sáng lập Lozi Trần Minh Sơn làm việc cùng các cộng sự tại văn phòng ở Hà Nội
Con số này thấp hơn nhiều khi so sánh với ngân sách mà chính phủ các quốc gia trong khu vực hỗ trợ startup của mình. Chẳng hạn như Trung Quốc công bố quỹ 6,5 tỷ USD chủ yếu cho các startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng xanh, còn Ấn Độ cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD trong tháng Giêng.
Tuy nhiên, với trí tuệ của mình, các startup tại Việt Nam đã nhanh chóng nhận được khoản đầu tư lớn hơn từ các nhà đầu tư.
Hầu hết các startup Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, một lĩnh vực đã mang lại doanh thu tăng khoảng 35% vào năm ngoái, lên đến 4 tỷ USD.
Được hỗ trợ từ các đối tác thương mại điện tử, những startup như Giaohangnhanh đã cắt giảm rất nhiều chi phí. Trong khi đó, Lozi, một startup đi theo hướng tiếp thị món ăn cũng đã gây ấn tượng khi thu hút được khoản đầu tư triệu đô từ Golden Gate Ventures (Singapore) và Tập đoàn DesignOne Japan (Nhật Bản).
Trần Minh Sơn, một trong bốn nhà sáng lập Lozi, đã bỏ học tại trường đại học ở Pennsylvania (Mỹ) để tập trung vào phát triển ứng dụng trước rất nhiều lời phàn nàn của cha mẹ. Lozi, ra mắt vào năm 2012, hiện đã có 600.000 người dùng đăng ký và 4 triệu lượt truy cập mỗi tháng.
“Tôi có kế hoạch phát triển công ty mình trong 5 năm trước khi bán nó. Sau đó tôi sẽ hoạt động như là một nhà đầu tư”, CEO Beeketing Trương Mạnh Quân cho biết.