Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thăm chính thức Việt Nam

Chính trị - Ngày đăng : 08:27, 04/10/2019

Chuyến thăm nhằm củng cố phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác biên giới giao thông vận tải giữa Việt Nam và Campuchia.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen

Hôm nay (4/10), Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Campuchia thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4-5/10, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Cùng đi với Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Thống tướng Tea Banh; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Prak Sokhonn; Bộ trưởng Cao cấp phụ trách công tác biên giới Var Kim Hong; Bộ trưởng Thương mại Pan Sorasak; Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Suy Sem; Bộ trưởng Du lịch Thong Khon; Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng, Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Sok Chendasophea; Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng Sry Thamarong; Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng Kao Kimhourn; Bộ trưởng bên cạnh Thủ tướng Keo Baphnom; Quốc vụ khanh, Bộ Nội vụ Sak Setha; Quốc vụ khanh, Bộ Kinh tế và Tài chính Chou Vichith; Đại diện lâm thời Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Op Sophy; các tỉnh trưởng giáp biên giới với Việt Nam; các doanh nghiệp...

Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai trong vòng 1 năm của Thủ tướng Hun Sen, sau khi Campuchia thành lập Chính phủ nhiệm kỳ VI vào tháng 9/2018.

Thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống.

Mối quan hệ này đã được nhiều thế hệ Lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, kể cả bằng sinh mệnh của mình. Bên cạnh đó, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước cũng đang trên đà phát triển tốt đẹp.

Quan hệ song phương Việt Nam-Campuchia có nhiều tiến triển tích cực. Hoạt động trao đổi đoàn giữa hai bên được duy trì ở cả cấp cao và các bộ, ngành, địa phương, củng cố thêm sự tin cậy giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Những năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng đều và đạt mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 với hơn 4,7 tỷ USD (tăng 24% so với năm 2017), 8 tháng đầu năm 2019 đã đạt hơn 3 tỷ USD.

Về đầu tư, Việt Nam có trên 200 dự án đầu tư vào Campuchia, đứng tốp 5 nước có đầu tư lớn nhất ở Campuchia tổng vốn đăng ký trên 3 tỷ USD, tập trung trong một số lĩnh vực như trồng cao su, viễn thông, tài chính, ngân hàng, năng lượng…

Các công ty lớn của Việt Nam đầu tư vào Campuchia gồm Miliket, Vifon, Bitis, Bình Điền, Acecook, các ngân hàng lớn như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam (Viettel, Cao su, Điện lực.)

Hai bên đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Thỏa thuận về thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2019-2020; Chiến lược hợp tác giao thông vận tải tầm nhìn đến năm 2030; Hiệp định sửa đổi Hiệp định vận tải đường bộ, sửa đổi Hiệp định vận tải đường thủy.

Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Campuchia hằng năm với một số dự án hợp tác tiêu biểu giữa hai nước như Nhà làm việc của Ban Thư ký Quốc hội Campuchia; Trung tâm cai nghiện tự nguyện tại tỉnh Sihanouk; tăng cường năng lực cho các đài phát thanh, truyền hình Campuchia; Trường Trung học Phổ thông ở tỉnh Mondullkiri, chợ biên giới kiểu mẫu tại xã Đa, tỉnh Tbong Khmum…

Lĩnh vực hợp tác về giáo dục-đào tạo, Việt Nam cung cấp trung bình 100 suất học bổng/năm theo diện Hiệp định và hàng trăm suất học bổng trên các lĩnh vực.

Về y tế, hai bên hợp tác tạo điều kiện cho người dân Campuchia sang Việt Nam khám chữa bệnh với mức viện phí tương đương công dân Việt Nam.

Năm 2017, du khách Việt Nam thăm Campuchia đạt khoảng 800.000 người, năm 2018 đạt 835.000 người, là nước có lượng khách du lịch đến Campuchia đứng thứ hai. 

Tính tới thời điểm đầu tháng 12/2018, hai bên đã xác định, xây dựng được 315/371 cột mốc chính, trong đó có cột mốc ở ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, cột mốc có số hiệu cuối cùng 314 trên đường biên giới đất liền, các cột mốc đại có gắn quốc huy ở 10/10 cặp cửa khẩu quốc tế, các cột mốc ở hầu hết các cửa khẩu chính, ở nơi có đường giao thông lớn qua lại biên giới, khu vực đông dân cư....

Về công tác phân giới và lập hồ sơ, tính đến tháng 9/2019, hai bên đã hoàn thành công tác phân giới trên thực địa, lập hồ sơ khoảng 1.045km đường biên giới.

Căn cứ số lượng cột mốc chính đã cắm và số chiều dài đường biên giới đã phân giới được, công tác phân giới, cắm mốc đã đạt khoảng 84% khối lượng công việc.

Về việc lập bộ bản đồ địa hình biên giới mới tỷ lệ 1/25.000, theo quy định của Hiệp ước bổ sung 2005, từ năm 2011-2012, hai bên đã thuê Công ty Blom Infor A/S của Đan Mạch lập bộ bản đồ địa hình biên giới mới.

Tháng 5/2018, hai bên tiếp tục thuê Công ty Niras Mapping A/S (là công ty Blom Infor A/S trước đây) hoàn thiện bộ bản đồ gồm các công việc như cập nhật bản đồ; thể hiện thành quả phân giới, cắm mốc lên bản đồ và in bản đồ.

Tháng 9/2019, Công ty Niras Mapping A/S hoàn thành bộ bản đồ địa hình biên giới thể hiện đầy đủ, chi tiết đường biên, mốc giới theo kết quả phân giới, cắm mốc đã đạt được để đính kèm Nghị định thư phân giới, cắm mốc.

Để thực hiện mục tiêu pháp lý hóa thành quả phân giới, cắm mốc đã đạt được, thời gian tới, hai bên cần hoàn thành nốt việc xác định, xây dựng cột mốc phụ số 22/2 thuộc khu vực làng Tà Ngà của Campuchia giữa tỉnh Kon Tum-Rattanakiri; hoàn thiện các thủ tục đối nội, đối ngoại để hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc (84%) được phê chuẩn, có hiệu lực.

Đối với khối lượng công tác phân giới cắm mốc còn lại, hai bên tiếp tục trao đổi, đàm phán tìm giải pháp công bằng, hợp lý để giải quyết các đoạn biên giới này...

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Campuchia tiếp tục có những phát triển tốt đẹp, khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, trong đó ưu tiên cao trong việc gìn giữ, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia.

Chuyến thăm cũng nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác biên giới giao thông vận tải.

Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen, sinh ngày 5/8/1952, dân tộc Khmer, huyện S’tưng T’rong, tỉnh Kampong Cham, tham gia cách mạng tháng 4/1970, ngày 30/8/1972 vào Đảng Nhân dân Campuchia; là tiến sỹ khoa học chính trị.

Năm 1970-1975, ông tham gia quân đội lần lượt giữ các chức Trung đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng. Tháng 10/1975-6/1977, ông giữ chức Trung đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 21.

Tháng 12/1978, ông là Ủy viên Trung ương Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia phụ trách công tác thanh niên. Tháng 1/1979, ông là Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tháng 5/1981, ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Tháng 1/1985, ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng).

Năm 1991 đến tháng 6/2015, ông là Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Vương quốc Campuchia, được Quốc vương Norodom Sihanouk phong tước Samdech và sau đó Quốc vương Norodom Sihamoni ban tước Samdech Akka Moha Sena Padei Techo.

Tháng 6/2015 đến nay, ông là Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Vương quốc Campuchia.

 

Trọng Bằng