Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 17:54, 03/10/2019
Trong thời gian thăm Việt Nam, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã dự lễ đón chính thức, hội đàm và chiêu đãi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đặt vòng hoa vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ; thăm làm việc một số cơ sở kinh tế, văn hóa tại thành phố Đà Nẵng.
Trong bầu không khí thắm tình hữu nghị, lãnh đạo cấp cao hai nước đã chia sẻ tin cậy về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, việc triển khai công tác đối ngoại tại mỗi nước thời gian qua; đồng thời trao đổi thẳng thắn, sâu rộng về các phương hướng, biện pháp nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong thời gian tới.
Hai bên khẳng định tiếp tục kề vai sát cánh hỗ trợ lẫn nhau trên con đường bảo vệ và phát triển đất nước của mỗi nước, cả trong khuôn khổ song phương cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì việc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, các cấp, các kênh theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thực chất, chú trọng việc chia sẻ tin cậy các kinh nghiệm và tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; rà soát thường xuyên và tập trung triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao đạt được; kiện toàn, nâng cao hiệu quả của tất cả các cơ chế hợp tác.
Hai bên nhất trí tiếp tục khuyến khích các bộ, ban, ngành, địa phương mở rộng quan hệ hợp tác trực tiếp, kịp thời hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh, ổn định và trật tự, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trên cơ sở hữu nghị, đoàn kết…
Hai bên nhất trí tăng cường kết nối sản phẩm du lịch, nhất là giữa các tỉnh biên giới Nam Lào và miền Trung Việt Nam; tích cực tham gia các sự kiện du lịch quốc tế tổ chức trên lãnh thổ hai bên.
Hai bên nhất trí chia sẻ thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để bảo đảm quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong vì lợi ích chung của nhân dân các nước tại tiểu vùng; tiếp tục phối hợp hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, an ninh, bảo đảm an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Nhân dịp này, hai Thủ tướng Chính phủ đã chứng kiến lễ ký và trao đổi 8 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, giáo dục, tài chính, ngân hàng, năng lượng, hàng không.
Các văn kiện gồm: Nghị định thư về sửa đổi Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về “Dự án xây dựng Nhà Quốc hội Lào;” Biên bản giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào về xây dựng Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030 và Hiệp định hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch xây dựng Đề án Hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; Biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về hợp tác các hoạt động ngân hàng trọng tâm giai đoạn 2019-2024; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Tài chính Lào về việc cung cấp khoản vay để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ Phuthítphờng, tỉnh Luangprabang, Lào đi biên giới Nason giáp huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, Việt Nam.
Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào về hợp tác mua bán điện từ các công trình điện gió tại Lào xuất khẩu sang Việt Nam; trao văn kiện thông báo chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ cụm dự án thủy điện Nam Công 1,2,3 và Nhà máy thủy điện Nam Emun (Lào) cho Công ty Chalơn Xêcông Lào và Công ty cổ phần Sông Đà 5 của Việt Nam; Biên bản ghi nhớ giữa Công ty cổ phần hàng không Vietjet và Bộ Giao thông Công chính Lào về hợp tác phát triển hàng không dân dụng, cũng nằm trong các văn kiện được ký kết trong chuyến thăm này.
Trước khi rời việt Nam, sáng 3/10, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith cùng đoàn đại biểu cấp cao đã có chuyến tham quan, tìm hiểu một số mô hình phát triển kinh tế tại thành phố Đà Nẵng.
Tại Khu sản xuất rau sạch công nghệ cao Afarm, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, tỉnh Đà Nẵng, đoàn đã tham quan các mô hình trồng rau, trái cây ứng dụng công nghệ hiện đại, hệ thống tưới nước tự động điều khiển bằng phần mềm điện thoại di động.
Thủ tướng Thongloun Sisoul đánh giá đây là một mô hình nông nghiệp tốt, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần được đẩy mạnh triển khai tại Lào.
Đến thăm và làm việc tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, sau khi nghe đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng giới thiệu chung về sự hình thành, phát triển và định hướng tương lai của Khu công nghệ này.
Thủ tướng Lào bày tỏ sự quan tâm đặc biệt và đặt nhiều câu hỏi về định hướng thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi và các lợi ích, giá trị kinh tế mà mô hình này mang lại cho người dân Đà Nẵng cũng như cho Chính Phủ Việt Nam; đánh giá cao sự phát triển, những thành tựu đạt được của Khu công nghệ cao Đà Nẵng sau gần 10 năm được Chính phủ Việt Nam thành lập.
Các thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao Lào cũng tìm hiểu sâu các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cho doanh nghiệp, ưu đãi về miễn/giảm tiền thuê đất.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng có tổng diện tích hơn 1.128ha, là một trong ba khu công nghệ cao đa chức năng cấp quốc gia của Việt Nam.
Mục tiêu của Khu này là làm động lực thúc đẩy sự phát triển khoa học-công nghệ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trở thành Khu công nghệ cao tầm cỡ khu vực và thế giới.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng có nhiều ưu đãi thu hút doanh nghiệp như thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; Dự án từ 3.000 tỷ đồng trở lên được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được miễn tiền thuê đất với thời gian lần lượt là 15 năm, 19 năm hoặc toàn bộ thời hạn thuê, ứng với từng lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư khác nhau.