Nên cân nhắc việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho một số cơ quan

Chính trị - Ngày đăng : 08:59, 01/10/2019

Giám định tư pháp (GĐTP) trong tố tụng hình sự vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc tổ chức bộ máy giám định và bổ sung thẩm quyền GĐTP cho một số cơ quan… Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã bàn về vấn đề này.

Ách tắc trong GĐTP do khâu nhận thức

Theo Tờ trình của Chính phủ, quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp (Luật GĐTP) nhằm “tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế”.

Theo đó, những bất cập chính trong pháp luật về GĐTP là: Luật GĐTP và pháp luật về tố tụng quy định chưa đầy đủ, cụ thể về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định, quy định về thời hạn giám định chưa đầy đủ; chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định, thiếu chế tài bảo đảm thực hiện; thiếu quy định về việc xác định nội dung trưng cầu và phối hợp trong thực hiện giám định đối với trường hợp vụ việc cần giám định liên quan đến phạm vi chuyên môn của nhiều cơ quan khác nhau.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tư pháp (UBTP), việc sửa đổi Luật trước hết phải trên cơ sở kết quả tổng kết những hạn chế, vướng mắc qua thực tiễn thi hành Luật. Quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật được nêu trong Tờ trình chưa có sự thống nhất với nội dung tổng kết, đánh giá được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật. 

Nên cân nhắc việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho một số cơ quan

Ảnh minh họa

Cụ thể, theo Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật GĐTP thì “vấn đề ách tắc trong hoạt động giám định tư pháp hiện nay phần nhiều vẫn do khâu nhận thức và tổ chức thực hiện Luật nhất là từ phía các Bộ, ngành chủ quản và các địa phương”.

Kết quả giám sát của UBTP về chấp hành pháp luật về GĐTP trong hoạt động tố tụng hình sự cũng cho thấy, hạn chế, vướng mắc nhất hiện nay trong hoạt động GĐTP là công tác giám định theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực: Xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường... Trong đó, có trách nhiệm cả hai phía: cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định và việc thực hiện giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu.

Từ những vấn đề trên, UBTP cho rằng, hồ sơ dự án Luật cần được chuẩn bị kỹ hơn. Trong đó, cần xác định rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động GĐTP do tổ chức thực hiện Luật, trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp chỉ đạo giải quyết. Đối với những vướng mắc do pháp luật, cần xác định rõ nội dung nào cần được sửa đổi trong Luật GĐTP, nội dung nào cần được sửa đổi, bổ sung trong pháp luật liên quan. 

Với phạm vi sửa đổi Luật liên quan tới 22 điều; bổ sung mới 3 điều thì UBTP cho rằng, cơ quan soạn thảo cần rà soát, đối chiếu nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung của dự án Luật với phạm vi điều chỉnh của Luật GĐTP hiện hành và quy định của pháp luật về tố tụng, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, theo UBTP, GĐTP là một khâu trong quá trình tố tụng đã được quy định trong các Bộ luật về tố tụng. Vì vậy, phạm vi sửa đổi Luật GĐTP không nên mở rộng sang nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn và thủ tục tố tụng mà cần giới hạn trong phạm vi điều chỉnh với nội dung như quy định của Luật GĐTP hiện hành  nhằm tháo gỡ những vướng mắc về giám định theo vụ việc, đáp ứng yêu cầu trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về kinh tế, tham nhũng.

Theo đó, cần tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về người/tổ chức GĐTP theo vụ việc,về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong GĐTP. Phân định rõ mối quan hệ giữa Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh với tổ chức GĐTP theo vụ việc trực thuộc; xác định rõ địa vị pháp lý và mối quan hệ giữa người GĐTP theo vụ việc và tổ chức GĐTP theo vụ việc…

Phải củng cố, kiện toàn tổ chức GĐTP

Theo Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga, kết quả chấp hành pháp luật về GĐTP trong tố tụng hình sự cho thấy công tác củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập đã được Chính phủ quan tâm thực hiện. Hệ thống tổ chức GĐTP công lập hoạt động giám định chuyên trách trong 03 lĩnh vực: pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã được thành lập, củng cố, hoàn thiện , cơ bản theo đúng các quy định của Luật. Tổ chức, hoạt động ngày càng đi vào nề nếp, cơ bản đáp ứng các yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy tổ chức giám định tư pháp công lập ở một số địa phương không thống nhất, thực hiện chưa đúng Luật, đặc biệt là ở các Trung tâm pháp y. Có địa phương chưa thành lập được Trung tâm pháp y; Một số phương đã sáp nhập Trung tâm pháp y vào các đơn vị khác như Trung tâm Giám định y khoa Hà Tĩnh, Bình Phước, Quảng Bình, Lai Châu… hoặc đưa về trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh như Bắc Giang, Ninh Thuận.Vì vậy, cần phải hoàn thiện vấn đề này.

Qua kết quả giám sát, Đoàn giám sát của UBTP nhận định, một số Bộ, ngành, địa phương chưa xác định được đầy đủ về trách nhiệm của cơ quan, địa phương mình đối với công tác GĐTP cũng như tầm quan trọng của công tác giám định đối với hoạt động tố tụng hình sự… Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp; Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện các vi phạm của tổ chức giám định tư pháp, giám định viên tư pháp để chấn chỉnh, xử lý các vi phạm.

Về đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm GĐTP của Kiểm toán Nhà nước khi được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng yêu cầu, có ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ quy định này vì Kiểm toán Nhà nước không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Hơn nữa, các lĩnh vực có thể trưng cầu giám định ở Kiểm toán Nhà nước đều trùng với các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành hữu quan và các cơ quan này đều có trách nhiệm tiến hành giám định tư pháp theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Vì vậy, bổ sung trách nhiệm này sẽ dẫn tới sự chồng chéo.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bổ sung quy định này không làm nảy sinh mâu thuẫn, vướng mắc hay chồng chéo. Thực tế, cơ quan trưng cầu giám định có thể mời bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có trình độ chuyên môn và nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực cần giám định tham gia GĐTP, trong khi ở Kiểm toán Nhà nước có rất nhiều chuyên gia giỏi về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đất đai, tài nguyên... GĐTP không phải là hoạt động quản lý nhà nước nên không lo có sự chồng chéo giữa các cơ quan.

Do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo lại Chính phủ, xin ý kiến các cơ quan hữu quan về vấn đề này.

Đối với lĩnh vực kỹ thuật hình sự, từ năm 2017, VKSNDTC đã thành lập Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Cơ quan điều tra VKSNDTC. Theo báo cáo của VKSNDTC thì Phòng kỹ thuật hình sự của Cơ quan điều tra VKSNDTC chưa được giao nhiệm vụ, thẩm quyền về GĐTP, mà chủ yếu làm nhiệm vụ thu thập chứng cứ, tài liệu. VKSNDTC cũng đề nghị bổ sung vào Điều 12 của Luật quy định Phòng Kỹ thuật hình sự của Cơ quan điều tra VKSNDTC là tổ chức GĐTP công lập, được làm công tác giám định tư pháp và điều tra kỹ thuật hình sự.

Đoàn giám sát UBTP cho rằng, đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ, bởi vì nếu mỗi hệ thống cơ quan điều tra lại có tổ chức giám định tư pháp của riêng mình thì sẽ dẫn đến sự phân tán lực lượng, gây lãng phí về nhân lực và tiền của Nhà nước.          

Mai Thoa