TAND các cấp đã đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, xâm hại trẻ em
Chính trị - Ngày đăng : 20:01, 12/09/2019
Nhìn chung các ĐB đánh giá cao các báo cáo của các cơ quan tư pháp, được chuẩn bị công phu, chu đáo và chất lượng hơn các năm trước; Công tác phòng chống tội phạm được tăng cường với hiệu lực, hiệu quả cao.
Không có án oan trong kỳ báo cáo
Thẩm tra báo cáo của Chánh án TANDTC, UBTP cho rằng, điểm nhấn trong kỳ báo cáo, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. TAND các cấp đã khẩn trương đưa ra xét xử nghiêm minh 240 vụ án tham nhũng, 517 bị cáo (tăng 83 vụ, 119 bị cáo). Các vụ án xâm hại tình dục trẻ em được đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời, được dư luận đánh giá cao. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm và đạt chỉ tiêu nghị quyết Quốc hội giao.
Tuy nhiên, vẫn còn 98 trường hợp phải hủy án và 252 trường hợp phải sửa án do nguyên nhân chủ quan. Một số trường hợp TAND không áp dụng hình phạt bổ sung trong trường hợp luật quy định bắt buộc phải áp dụng. Số lượng kháng nghị giám đốc thẩm của TAND cấp cao đối với bản án của TAND cấp huyện ít hơn nhiều so với trước đây khi thẩm quyền này thuộc TAND cấp tỉnh….
UBTP cũng tán thành với Báo cáo của TANDTC về kết quả công tác giải quyết các vụ, việc dân sự. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp.
Công tác giải quyết án hành chính cũng có những chuyển biến tích cực. UBTP tán thành đánh giá báo cáo của TANDTC về những kết quả đạt được trong công tác này. Đặc biệt, nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, năm 2019, Tòa án các cấp đã ra quyết định buộc thi hành án đối với 111 trường hợp (trong khi, 04 năm, từ năm 2014 - 2017, các TAND chỉ ra quyết định đối với 22 trường hợp).
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho hay, theo Báo cáo kết quả giám sát “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND” thì, trong 03 năm từ 2014 đến 2017, qua giám sát án hành chính cho thấy Tòa án chỉ ra quyết định buộc thi hành án đối với 22 trường hợp. Tuy nhiên, tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao và chưa đạt yêu cầu của Quốc hội, vì vậy đề nghị Tòa án lưu ý vấn đề này.
Về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, UBTP nhận thấy, TANDTC đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, qua đó nâng cao chất lượng công tác này. Kết quả, đã giải quyết đạt 48,1%, tăng 13,3%. Chất lượng trả lời đơn và kháng nghị được bảo đảm; Các kháng nghị của Chánh án có thẩm quyền đã đưa ra xem xét hầu hết được Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận.
Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao (48,1%), chưa đạt chỉ tiêu 60% theo Nghị quyết Quốc hội. Qua khảo sát cho thấy, vẫn còn một số trường hợp khiếu nại bức xúc do việc giải quyết đơn chưa kịp thời...
Tỷ lệ hòa giải thành cao - tín hiệu đáng mừng
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao báo cáo của các cơ quan tư pháp trong đó có Tòa án. Các báo cáo chuẩn bị nghiêm túc, công phu với những số liệu cụ thể, có nhiều số liệu nói lên thực trạng ngành, cuả chúng ta hiện nay. Việc xử lý chống tham nhũng cũng đã được các cơ quan làm triệt để. Công tác điều tra, truy tố, xét xử đặc biệt là xét xử các vụ án tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực.
Chủ nhiệm Ủy ban GD TN-TN-NĐ Phan Thanh Bình chỉ ra một số những nội dung cần được đánh giá và đưa vào báo cáo như: tình trạng xâm hại trẻ em gia tăng, đây là dấu hiệu không bình thường; Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm: Đã giám sát, báo cáo nêu các vi phạm về an toàn thực phẩm, sức khỏe… như vậy nghị quyết giám sát của chúng ta chưa thực hiện được.
Hay tình trạng ma túy rất phức tạp hiện nay với những vụ án buôn bán hàng tấn ma túy bị phát hiện…hay tiêu cực trong công tác thi cử ở Hà Giang nên các báo cáo cần phân tích sâu hơn nữa để tìm ra nguyên nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt đánh giá: Các báo cáo năm nay rõ ràng, các cơ quan làm việc áp lực lớn. Qua báo cáo và thực tế đã thể hiện vai trò người đứng đầu ngành khá rõ nét với quyết tâm cao, quyết liệt, tuyên chiến với tiêu cực. Sự nỗ lực đó có chuyển biến tốt trên thực tế, cả bộ máy được vận hành theo tinh thần chỉ đạo của người đứng đầu ngành.
Hiệu quả công việc năm nay trong phòng chống tội phạm khá rõ nét, tạo niềm tin rất lớn trong nhân dân. Năm 2020 thời kỳ diễn ra đại hội Đảng, dự báo tình hình sẽ phức tạp hơn nên đề nghị các cơ quan tư pháp cố gắng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, ĐB nhấn mạnh.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: "Liên quan đến kiến nghị cử tri về xây dựng pháp luật như, kiến nghị liên quan vấn đề xâm hại trẻ em, xử lý tội trốn đóng BHXH… đồng chí Chánh án TANDTC đã tổ chức nhiều phiên họp và hiện nay Hội đồng Thẩm phán TANDTC chuẩn bị ban hành nghị quyết về vấn đề này. Đề nghị bổ sung trong báo cáo trình Quốc hội của TANDTC phần giải quyết kiến nghị của cử tri này", bà Hải cho hay.
Bên cạnh đó, án dân sự, hành chính tỷ lệ hòa giải thành chiếm 54% là tỷ lệ tương đối cao, thể hiện sự nỗ lực lớn của cơ quan Tòa án, có tác động tích cực về mặt xã hội. Tỷ lệ hòa giải thành cao, yếu tố xã hội- tình lãng nghĩa xóm được duy trì, nên đề nghị nhấn mạnh phân tích thêm yếu tố xã hội về con số này.
Ngoài ra, việc công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử có tác dụng tốt hiệu quả, cử tri có thể truy cập vào để xem. Chính việc công khai minh bạch này làm cho công tác xét xử viết bản án được nghiêm khắc, chuẩn chỉ. Đề nghị quan tâm đến xử lý tội phạm DN trốn đóng BHXH, đây là vụ việc nhức nhối. Rất nhiều tỉnh có kiến nghị về vấn đề này.
Năm 2020 hoàn thành 34 trụ sở Tòa cấp huyện
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang đã giải trình thêm một số vấn đề liên quan.
Theo đó, trong 10 tháng qua, số lượng vụ án Tòa án thụ lý tăng cao hơn năm trước, rõ và xu thế này chắc chắn tăng nữa. Điều này cũng phù hợp với sự phát triển của xã hội, những mặt trái đó sẽ khiến tội phạm gia tăng. Điều này cũng cho thấy, quyền công dân theo luật pháp ngày càng đực đảm bảo nên việc khiếu kiện ngày càng tăng.
Phó Chánh án TANDTC Lê Hồng Quang báo cáo giải trình thêm một số nội dung tại phiên họp.
Về ý kiến cho rằng, Tòa án cấp cao thời điểm này kháng nghị ít, Phó Chánh án Lê Hồng Quang cho hay, hiện nay 3 Tòa cấp cao, thời gian mới 10 tháng đã thụ lý trên 13 ngàn đơn, nhưng chỉ có 3 Chánh án Tòa cấp cao, 3 Viện trưởng VKS cấp cao có thẩm quyền kháng nghị đối với bản án cấp dưới. Hiện nay nay nhân lực để giải quyết việc quá ít so với số đơn giám đốc thẩm, tái thẩm…
Trường hợp án hủy, sửa, 10 tháng đầu năm 1,1% đó là sự nỗ lực rất lớn của hệ thống Tòa án (chỉ tiêu Quốc hội cho phép tỷ lệ này là 1,5%). Riêng 254 bản án trong các báo cáo nói tuyên khó thi hành, đây cũng là vấn đề được đặt ra. Có thể phán quyết của Thẩm phán, cách nhìn nhận của Chấp hành viên chưa hiểu hết, hoặc nếu thi hành sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự… Tuy nhiên, đề nghị bên Thi hành án phối hợp với HĐXX sẽ có kế hoạch giải thích những bản án này, chắc chắn sẽ thi hành được.
Về việc thí điểm sát nhập Tòa cấp huyện tại 14 tỉnh, chủ trương này có đầy đủ căn cứ, vác văn bản, nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương… khi kiểm tra thấy thấy nếu Tòa không đạt yêu cầu nên có chủ trương dự kiến sáp nhập. Trong 14 tỉnh này, có nhiều Tòa cấp huyện có lượng án dưới 200 vụ/1 năm. Theo yêu cầu trung bình mỗi Tòa cấp huyện phải xét xử trên 700 vụ/năm. Để tinh giản bộ máy việc sáp nhập này đã được đặt ra, nên đề nghị UBTVQH quan tâm, giúp đỡ vấn đề này.
Về đầu tư xây dựng trụ sở 35 Tòa cấp huyện, Phó Chánh án Lê Hồng Quang cho biết, hiện nay 34 Tòa đã khởi công xây dựng, dự kiến năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng, còn 1 trụ sở thì chậm hơn do hiện nay vướng về quy hoạch đất đai. Còn việc tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên, tới đây sẽ triển khai đồng bộ.
Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đánh giá cao các báo cáo của các cơ quan tư pháp. Báo cáo được chuẩn bị công phu, chu đáo và chất lượng hơn các năm trước. Đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện báo cáo để chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.