Gỡ “nút thắt” cho các luật sư khi tham gia tố tụng

Chính trị - Ngày đăng : 21:47, 10/07/2012

Có muôn vàn lý do để “gây khó” cho luật sư (LS) như: yêu cầu xuất trình chứng chỉ hành nghề, đơn mời LS có chữ ký bị can (đang tạm giam), không cho sao chụp hồ sơ ở giai đoạn truy tố…

Đó là thực trạng các LS mổ xẻ tại Hội thảo “LS tham gia tố tụng vụ án hình sự  - Thực trạng và giải pháp” mới đây.

Một thực tế… giật mình

Khảo sát của Đoàn LS Hà Nội với 49 tổ chức hành nghề LS từ ngày 25-6 đến 4-7 cho thấy, 93/182 LS được bị can, bị cáo mời tham gia tố tụng trong giai đoạn tạm giữ nhưng không được CQĐT chấp thuận tham gia tố tụng. Có 26/626 vụ án trong giai đoạn điều tra, 2/458 vụ án trong giai đoạn truy tố và 15/618 vụ án trong giai đoạn xét xử các LS nhận được lời mời của khách hàng nhưng không được các cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa (CNNBC).

 Kết quả cũng chỉ ra, giai đoạn điều tra là giai đoạn LS bị “gây khó” nhiều nhất khi hành nghề. LS không được cấp giấy CNNBC đúng hạn không rõ lý do, hay yêu cầu cung cấp thêm các giấy tờ khác ngoài quy định của luật (hợp đồng dịch vụ pháp lý, chữ ký của bị can (đang bị tạm giam), xuất trình chứng chỉ hành nghề, chứng minh thư, hoặc yêu cầu có xác nhận của UBND xã, phường với chữ ký của thân nhân bị can). Đặc biệt, 100% ý kiến tham gia khảo sát cho biết họ không hề nhận được thông báo bằng văn bản về việc cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai, hỏi cung bị can, mà nhiều khi chỉ bằng điện thoại, thậm chí là không có bất cứ thông báo nào. Việc sao chụp tài liệu cũng rất khó khăn, nhất là ở giai đoạn truy tố. VKS thường đưa ra lý do để từ chối cung cấp tài liệu cho LS là cán bộ đi vắng, hồ sơ ở nơi khác, hồ sơ đang phải hoàn thiện, không có máy photo, máy photo hỏng…

Gỡ “nút thắt” cho các luật sư khi tham gia tố tụng

Luật sư tham gia phiên tòa

Nhiều LS bức xúc cho biết, không chỉ thường xuyên “bí mật” việc hỏi cung bị can, mà nhiều khi có mặt LS, CQĐT cũng “vô hiệu hóa” sự có mặt của họ bằng cách không được ghi âm, ghi hình, không được hỏi. Chưa kể, ở giai đoạn này còn có nhiều việc như khám nghiệm hiện trường, giám định tử thi... LS đều phải ngoài cuộc.

Khảo sát cũng chỉ ra, trong ba cơ quan tiến hành tố tụng, quan hệ giữa LS với Tòa án là “tốt đẹp” hơn cả, hầu hết các LS cho biết họ nhận được Giấy CNNBC đúng thời hạn và ít bị đòi cung cấp thêm giấy tờ khác ngoài luật định; các LS nhận được các quyết định, giấy mời tham gia phiên tòa khá nghiêm túc.

Thông tư đang “đi lùi” so với luật

Nhiều LS cho rằng, không chỉ bất cập ngay tại BLTTHS hiện hành mà ngay cả Thông tư 70 của Bộ Công an cũng có nhiều quy định “tạo điều kiện” cho CQĐT “gây khó” LS và hạn chế quyền được bào chữa của bị can, bị cáo.

LS Đỗ Ngọc Quang (Đoàn LS Hà Nội) cho biết, có nhiều bất cập từ BLTTHS hiện nay cần sửa đổi cho phù hợp. Như, phải cho phép bị can, bị cáo, đương sự có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ án, quyền trưng cầu giám định, khởi kiện các quyết định bắt tạm giam, tạm giữ, khám xét… (hiện Luật không quy định quyền này). Đồng thời, mở rộng các nguồn chứng cứ, công nhận chứng cứ từ băng ghi âm, ghi hình, email để phù hợp với thực tế đời sống hiện nay. Ở Hàn Quốc, tất cả các buổi hỏi cung đều phải ghi hình, tại sao Việt Nam chúng ta không áp dụng khi điều này vừa tránh được việc mớm cung, lại vừa tránh cho điều tra viên khỏi bị đổ tiếng oan là bức cung, nhục hình bởi hầu hết việc lấy cung chỉ có bị can và điều tra viên với nhau?

Tại điểm e, khoản 2 Điều 58 BLTTHS quy định: “Người bào chữa có quyền gặp người bị tạm giữ, gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam”. Thế nhưng, gặp như thế nào, gặp kín hay gặp có cảnh sát giám sát, khi gặp có được cho bị can, bị cáo đọc tài liệu (bản bào chữa hay không), gặp trong bao lâu… thì lại không quy định cụ thể, dẫn đến thực tế hiểu và áp dụng thế nào cũng được.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Thông tư 70/2011/TT-BCA hướng dẫn thi hành BLTTHS có một số điểm đang “đi lùi” so với Luật và cả thực tiễn. Như quy định về thủ tục cấp giấy CNNBC đối với LS hiện nay thì hầu hết các LS bị “loại” ra khỏi vòng đầu tiên và như vậy đồng nghĩa với việc quyền lợi của bị can, bị cáo sẽ không được đảm bảo. Đó là quy định phải có giấy yêu cầu (mời) LS của bị can, người bị tạm giữ mới cấp loại giấy này. Trong khi đó, người đang bị tam giam thì làm sao có thể mời được LS, làm sao LS có thể vào gặp được để mà lấy chữ ký thư mời? Đã là quyền được bào chữa thì bất kỳ ai cũng có thể mời LS cho bị can, bị cáo, quy định như vậy hạn chế quyền bào chữa của LS.

Mai Thoa