Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Cần làm rõ cơ chế trả thù lao cho hòa giải viên, đối thoại viên
Chính trị - Ngày đăng : 10:01, 07/09/2019
Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 13, ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự, đối thoại trong giải quyết các khiếu kiện hành chính là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, được quy định trong nhiều văn kiện và các quy định của pháp luật.
Tại Kỳ họp thứ 8 tới, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Để phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua dự án luật này, thời gian qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tiến hành khảo sát tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hòa Bình... nhằm nắm bắt tình hình thực hiện hòa giải, đối thoại, tìm ra những điểm mới, ưu việt của hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước tố tụng so với trong tố tụng, có giải pháp hoàn thiện dự án Luật.
Giải quyết hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử
Trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật. Ảnh Quốc hội
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể phân loại thành hai nhóm: Hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, trước khi Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng.
Cùng với đó, số lượng các vụ việc Tòa án các cấp phải thụ lý tăng lên rất nhanh với quy mô lớn và tính chất phức tạp. Trong 3 năm gần đây, các vụ việc dân sự, hành chính được Tòa án các cấp thụ lý tăng trung bình hàng năm là 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, biên chế không thay đổi. Có những địa bàn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu v.v...mỗi Thẩm phán phải giải quyết số lượng vụ việc gấp 4 lần số lượng định biên, dẫn đến tồn đọng, chậm trễ.
Tình hình đó đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp căn cơ thúc đẩy nhanh và hiệu quả việc giải quyết đơn của nhân dân, giảm áp lực cho Tòa án. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một chế định đáp ứng được đòi hỏi trước nhất của tình hình và lâu dài của tiến trình cải cách tư pháp.
Do đó, dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đang được xây dựng nhằm tạo cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại, không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại hiện có.
Dự thảo Luật gồm 04 chương, 30 điều, quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, Đối thoại viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Luật này không điều chỉnh các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Thời gian qua, TANDTC mở rộng triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ tháng 11-2018 đến tháng 9-2019. Tại các địa phương tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo thí điểm, tổ chức các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đào tạo Hòa giải viên, Đối thoại viên; tiến hành hòa giải, đối thoại tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và đã thu được những kết quả tích cực. Qua 3 tháng đầu tiên triển khai đã hòa giải thành, đối thoại thành được 15.016 vụ, đạt tỷ lệ 74,08%.
Quy định hợp lý tiêu chuẩn bổ nhiệm, cơ chế trả thù lao cho hòa giải viên
Đại diện Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về dự án luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định trong dự thảo luật này là một cơ chế pháp lý mới có tính đặc thù, khác biệt so với hòa giải, đối thoại trong tố tụng do TAND tiến hành hoặc hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành.
Theo ông Nguyễn Văn Luật, cơ chế này sẽ huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án thực hiện công tác hòa giải, đối thoại, góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành.
Đồng thời, dự án Luật cần thể chế hóa những ưu điểm đã đạt được từ hoạt động thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận và đánh giá cao nội dung của dự thảo Luật đã đảm bảo phù hợp với các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, dự thảo Luật cần có sự đồng bộ với các cơ chế, chính sách về hòa giải, đối thoại đã được pháp luật quy định. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ cơ chế trả thù lao cho hòa giải viên, đối thoại viên, nguồn kinh phí dành cho những người làm công tác này được lấy từ đâu, có như vậy mới bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật.
Về tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên, đối thoại viên, điều 10 dự thảo Luật quy định công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, dưới 70 tuổi (trừ trường hợp đặc biệt do Chánh án TANDTC quyết định), có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án. Nếu đủ các điều kiện này thì Thẩm phán, kiểm sát viên, những chức danh tư pháp khác đã nghỉ hưu; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác… có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên, đối thoại viên.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đối với luật sư, tiêu chuẩn “có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác” là dài, vì thực tiễn hoạt động của luật sư đều có liên quan đến tư vấn pháp luật, hòa giải, không nhất thiết phải ấn định thời gian cụ thể, chỉ cần quy định “có kinh nghiệm…" là đủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kết luận nội dung thảo luận. Ảnh Quốc hội
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua thảo luận Ủy ban Tư pháp thống nhất ủng hộ việc lựa chọn cơ chế hòa giải mang tính đặc thù để giảm tải áp lực cho tòa án, tạo thuận lợi cho các đương sự trong giải quyết tranh chấp.
Nhấn mạnh chủ trương tăng cường hòa giải, đối thoại song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị để làm rõ sự cần thiết ban hành luật thiết lập cơ chế mang tính đặc thù thì Ban soạn thảo cần xác định làm rõ đặc điểm pháp lý, xác định chỗ đứng cho cơ chế, thống nhất giữa nguyên tắc và quy định cụ thể, vấn đề mô hình địa vị pháp lý tính chất kinh phí con người.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, trên cơ sở ý kiến phát biểu tại phiên họp, Ủy ban sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó với một số nội dung như về tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên, đối thoại viên, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành…còn có ý kiến khác nhau sẽ được thể hiện đầy đủ trong báo cáo thẩm tra; đồng thời đề nghị Ban soạn tiếp thu ý kiến đại biểu, tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án Luật này.
Theo kế hoạch, trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ thảo luận và tháng 5/2020 Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.