Máy tính có thương hiệu cũng chứa phần mềm không chính hãng
Đời sống - Ngày đăng : 11:21, 22/10/2013
Tại hai cơ sở của Media Mart tại 26F Hai Bà Trưng và 18 Phạm Hùng, đoàn kiểm tra đã thu giữ các máy tính xách tay thương hiệu Asus và Sony cài đặt phần mềm Microsoft không bản quyền, bao gồm cả phần mềm hệ điều hành Windows và các bộ Microsoft Office. Với các máy tính hiệu Sony, mặc dù đã được cài đặt sẵn hệ điều hành Windows có bản quyền của Microsoft, nhưng khi vào đến Siêu thị Điện máy Media Mart đã bị cài thêm bộ Microsoft Office không bản quyền để thu hút người mua. Với hành vi vi phạm này, dự kiến, ngoài việc bị áp dụng hình thức phạt tiền do cơ quan có thẩm quyền quyết định, Siêu thị Điện máy Media Mart sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện bởi nhà sản xuất phần mềm.
Hành vi xâm phạm bản quyền không chỉ khiến các đơn vị cung cấp thiết bị phần cứng phải đối mặt với các trách nhiệm hành chính, dân sự và thậm chí là hình sự, mà nguy hại hơn khi chính họ lại đẩy những rủi ro về bảo mật, an ninh máy tính cũng như những vấn đề pháp lý về phía người mua. Theo một nghiên cứu gần đây, gần như tất cả các máy tính cài đặt các phần mềm không bản quyền đều bị nhiễm virus. Điều này không những đẩy người sử dụng những máy tính này vào nguy cơ mất dữ liệu, bị theo dõi khi virus kiểm soát webcam, bị mất tiền khi virus ăn cắp mật khẩu và tài khoản ngân hàng, hoặc bị sụp đổ cả hệ thống máy tính, mà hơn hết là rủi ro khi phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý vì vi phạm bản quyền phần mềm là một hình thức phạm tội theo quy định của pháp luật Việt Nam. Để tránh những rủi ro trên, khách hàng khi mua máy tính cần chắc chắn rằng các thiết bị mình mua được cài đặt phần mềm chính hãng.
“Khách hàng nên lưu ý một số dấu hiệu sau đây về bản quyền hợp pháp khi mua các thiết bị máy tính. Trước hết, người mua cần kiểm tra Tem chứng thực trên thân máy tính hoặc đối với một số máy tính xách tay đời mới hơn thì nó nằm bên trong ngăn chứa pin. Ngoài ra, một máy tính được cấp phép bao gồm hoặc Tem chứng thực nói trên hoặc Tem Microsoft chính hãng, hãy đặt nghi vấn trong trường hợp tem Microsoft chính hãng bị gỡ ra. Người mua cũng nên kiểm tra nhãn hiệu màu trắng hoặc màu da cam có chứa 25 ký tự mã khóa sản phẩm đi kèm với đĩa cài đặt CD/DVD. Một điều đáng lưu ý nữa là tất cả các sản phẩm chính hãng của Microsoft đều có tính năng an ninh ba chiều nhúng trên đĩa – nếu nó xuất hiện trên một nhãn dán thì đó không phải là sản phẩm thật. Ngoài ra, bất kỳ lỗi nào bị tìm thấy trong chi tiết đóng gói như lỗi chính tả, văn bản mờ, chất lượng in kém hoặc hình ảnh/logo không chính xác thì đó cũng có thể là dấu hiệu của sự giả mạo. Những hướng dẫn chi tiết để xác định phần mềm giả mạo, có tại địa chỉ: www.howtotell.com”, Ông Phạm Trần Anh, Giám đốc phụ trách đối tác và giải pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Microsoft chia sẻ.
“Việc mua máy tính mới cài đặt sẵn hệ điều hành Windows chính hãng là phương pháp rẻ nhất để sở hữu phần mềm có bản quyền. Với máy tính đang sử dụng và chưa cài đặt phần mềm có bản quyền, khách hàng Doanh nghiệp và tổ chức cũng có thể sử dụng Hệ điều hành Microsoft chính hãng thông qua hai chương trình hợp thức hóa với nhiều các ưu đãi khác nhau. Hai chương trình này mang tên GGWA -Thỏa Thuận Trang Bị Phần Mềm Windows chính hãng hoặc GGK – bộ Kit để sử dụng Windows chính hãng”, ông Trần Anh nhấn mạnh.
Ông Bùi Nguyên Hùng, Phó Cục Trưởng Cục Bản Quyền Tác giả cho biết, “Năm 2013, với mục tiêu đặt ra cao hơn trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền tại Việt Nam, Cục Bản quyền khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các đơn vị vi phạm đồng thời mở rộng hợp tác hiệu quả với Liên minh phần mềm DN BSA và các công ty phần mềm trong nước và quốc tế như Lạc Việt, BKAV, Microsoft, Autodesk để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn để doanh nghiệp và người sử dụng cá nhân có thể sử dụng phần mềm hiệu quả và tiết kiệm nhất”.
Với nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực thi chống vi phạm bản quyền, hoàn thiện khung pháp lý và thực hiện các cam kết quốc tế, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điển hình phải kể đến các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh công tác bảo vệ bản quyền phần mềm và bản quyền âm nhạc, Pháp lệnh sửa đổi về xử lý vi phạm hành chính (nâng mức phạt vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lên 500 triệu đồng) và Luật hình sự sửa đổi (sửa đổi và bổ sung các điều khoản về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm quyền tác giả và các quyền liên quan và các tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp).