Xác định nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt trên sông Mã
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 16:13, 03/04/2020
Như đã đưa tin, gần đây nhiều loài tôm, cá… chết nổi trắng mặt sông Mã, đoạn qua huyện Bá Thước (Thanh Hóa) khiến người dân hết sức lo lắng. Người dân cho rằng đây là sự bất thường bởi dòng sông Mã thời điểm này rất hiền hòa, trong xanh.
Cá chết bất thường trên sông Mã
Theo người dân sống gần bờ sông cho biết, sáng sớm 1/4 khi ra gần mép nước đã thấycá chết rải rác. Tới chiều ngày 2/4 vẫn chưa thấy có dấu hiệu dừng lại. Thấy cá chết trôi dạt bờ, hàng chục người dân địa phương chạy thuyền máy mang dụng cụ ra vớt những con trọng lượng lớn đem bán hoặc chế biến làm thức ăn.
Ghi nhận của PV vào chiều ngày 2/4, tình trạng cá chết phơi trắng bụng hoặc lờ đờ mặt nước kéo dài hàng chục km trên sông Mã qua các xã Thiết Ống, Thiết Kế, thị trấn Cành Nàng, Ái Thượng, Điền Lư (huyện Bá Thước). Khi phát hiện ra cá tự nhiên chết hàng loạt, nhiều người nuôi cá lồng dọc bờ sông Mã đứng ngồi không yên.
Chị Nguyễn Thị Hương (45 tuổi, thị trấn Cành Nàng) cho biết: “Gia đình tôi có bao nhiêu vốn liếng đã dồn hết vào ba lồng cá ven bờ sông. Vậy mà trong một ngày đã chết non nửa. Xác những con cá tự nhiên chết trôi qua cũng là lúc cá nuôi trong lồng ngoi lên rồi chết nổi phơi trắng bụng”.
Người dân điêu đứng ví cá lồng chết hàng loạt
Nhiều hộ nuôi cá lồng trong khu vực này cũng chung hoàn cảnh bất lực nhìn cá chết hàng loạt. Họ vội vàng vớt cá lên thùng, sục ô xy nhưng không khả quan, đàn cá thi nhau lăn ra chết. Để vớt vát, những con cá to, dân mang ra chợ bán nhằm gỡ gạc nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19, người đi chợ rất ít và tâm thế cuống cuồng nên cá rớt giá thảm hại chỉ còn vài chục tới 100 nghìn đồng/kg. Chính vì thế mà cá nhỏ hoặc đã chết có cho cũng không ai nhận, nên họ ngậm ngùi vớt ném đi.
Những người rành nghề nuôi cá lồng nghi ngờ cá chết do nguồn nước bị đầu độc bởi các nhà máy thượng nguồn xả thải trái phép. “Nước sông đổi màu đen, nổi bọt trắng chắc chắn là nhà máy sản xuất tăm đũa hoặc vàng mã nào đó ở phía trên đã xả trộm nước thải bẩn ra sông”, một người dân bức xúc.
Cơ sở sản xuất vàng mã xả thải trực tiếp ra sông Mã
Đây không phải là lần đầu tiên ghi nhận hiện tượng cá chết bất thường trên sông Mã qua huyện Bá Thước. Theo người dân, cũng dịp này năm ngoái, hàng chục lồng cá nuôi ở đây cũng chết sạch khiến người dân tay trắng, lâm cảnh nợ nần.
Thống kê sơ bộ của huyện Bá Thước cho thấy số lượng cá tự nhiên và cá nuôi lồng trên sông Mã bị chết bất thường trong những ngày qua lên tới hơn 6,5 tấn. Số hộ thiệt hại, có 31 hộ, với 42 lồng cá. Số cá nuôi bị chết là 4,5 tấn và cá tự nhiên khoảng hơn 2 tấn. Ghi nhận tại thời điểm có hiện tượng cá chết, nước sông Mã có màu nâu, có váng trên bề mặt.
Báo cáo về sự việc của Sở TNMT Thanh Hóa
Chính quyền địa phương cùng với cơ quan chuyên môn trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường xác định nguyên nhân. Khi kiểm tra, mổ khám cá nuôi lồng cho thấy cá bơi yếu, không ăn, bên ngoài con cá không có biểu hiện bất thường. Mổ khám nội tạng bình thường không ghi nhận dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm. Mẫu bệnh phẩm cá chết và nguồn nước được gửi tới cơ quan cấp trên xét nghiệm để xác định nguyên nhân dẫn tới cá chết.
Trước sự việc bất thường, gây bức xúc trong nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thanh Hóa đã ngay lập tức thành lập đoàn kiểm tra một số cơ sở sản xuất lâm sản, luồng trên địa bàn huyện Bá Thước, Quan Hóa.
Kết quả kiểm tra, cho thấy: Công ty TNHH Tân Thái Thanh là cơ sở sản xuất giấy vàng mã đang xả thải trực tiếp nước seo giấy ra sông Mã, tại xã Thiết Kế (Bá Thước). Bên cạnh đó, gia đình bà Phạm Thị Loan, tại xã Thiết Ống (Bá Thước) có cơ sở sản xuất bột giấy, đã lắp đặt cống ngầm xả trực tiếp nước thải ngâm ủ bột giấy ra sông Mã . Sở TNMT đã lập biên bản hiện trường và đề nghị xử lý theo quy định.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra đã phát hiện 2 cơ sở sản xuất giấy vàng mã có công trình xử lý nước thải chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nước tràn bề mặt đang chảy ra sông Mã. Đó là của Công ty cổ phần TNHH sản xuất thương mại Đồng Tâm (thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước) và Hợp tác xã Sông Mã tại xã Phú Nghiêm (huyện Quan Hóa).
Trên cơ sở kiểm tra, Sở TN&MT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, Quan Hóa kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. Bởi lẽ, đã không kịp thời kiểm tra, giá sát, ngăn chặn các cơ sở sản xuất bột giấy và giấy vàng mã xả thải ra môi trường. Mặt khác, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và đơn vị liên quan thường xuyên giám sát các cơ sở sản xuất có nguy cơ xả thải ra môi trường, có biện pháp xử lý kịp thời theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, thì lập hồ sơ báo cáo cấp trên xử lý.
Để có căn cứ pháp lý bồi thường cho người dân bị thiệt hại, Sở TN&MT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác định nguyên nhân cá chết trên sông Mã. Cần có chế tài xử lý nghiêm minh hành vi xả nước thải độc hại ra môi trường.