UBKT Trung ương vào cuộc làm rõ vụ huyện Yên Định nợ 52 tỷ đồng
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 22:26, 19/03/2020
Ngày 19/3, đoàn cán bộ thuộc Vụ địa phương 3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã về Thanh Hóa làm rõ thông tin vụ việc cơ quan Huyện ủy và UBND huyện Yên Định mắc nợ 52 tỉ đồng chi tiếp khách, ăn uống, sửa xe, mua sắm... nhiều năm không trả.
Huyện ủy Yên Định nợ hàng chục tỷ đồng của người trong và ngoài cơ quan
Ông Vũ Ngọc Thưởng, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Định, cho biết ngay sau khi báo chí thông tin sự việc, Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã có văn bản chỉ đạo Huyện ủy làm rõ vụ việc và báo cáo Tỉnh ủy trước ngày 30/3.
"Thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh, Huyện đã thành lập tổ công tác gồm 11 người để rà soát lại tất cả, phân loại các hóa đơn, chứng từ. Trước mắt là phân loại cụ thể từng mục, cái nào đảm bảo chi theo quy định, đúng định mức. Cái nào chưa hợp lý thì để sang một bên sau đó tổng hợp báo cáo tỉnh xin ý kiến chỉ đạo”, ông Thưởng cho biết.
Lật lại hồ sơ vụ việc, theo bảng tổng hợp công nợ của Huyện ủy Yên Định đề ngày 25/6/2016 có đóng dấu Huyện ủy cùng chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, Kế toán tổng hợp và Chánh Văn phòng, tổng số nợ của cơ quan Huyện ủy trong 4 năm từ 2012 - 2015 là 27.621.618.000 đồng (trong đó, nợ 25 người thuộc Huyện ủy chiếm tới 23.652.821.000 đồng; Nợ ngoài cơ quan 29 người với số tiền 3.923.077.000 đồng). Bên phía UBND huyện Yên Định cũng có số nợ khoảng 23 tỷ đồng.
Một lá đơn kêu cứu của người dân cho UBND huyện Yên Định mượn tiền
Ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định thừa nhận cơ quan này cũng đang gánh số nợ khoảng 23 tỷ đồng từ các năm 2012 - 2015 để lại. Tới nay, số tiền này chưa biết xoay nguồn đâu ra mà trả.
Được biết, thời kỳ 2012 - 2015, huyện Yên Định dưới sự lãnh đạo của ông Hoàng Cao Thắng - Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa - Chủ tịch UBND huyện đã tích cực đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, được coi như hình mẫu để nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đến học tập. Cùng với đó còn có nhiều đoàn khách của Trung ương, các Bộ, ngành đến kiểm tra, chỉ đạo, tập huấn về công tác xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2015 ông Thắng và bà Hoa về nghỉ hưu.
Số nợ này đã được xác lập bằng văn bản, có đóng dấu, nghĩa là những người đứng đầu 2 cơ quan này biết rõ. Thế nhưng các đời lãnh đạo sau này cũng không họp bàn tìm cách trả nợ mà cứ khoanh lại, coi như không phải việc của mình.
Theo tìm hiểu được biết, không ít người đã phải cắm nhà, vay nóng khắp nơi để lo việc chung của huyện. Thậm chí có người chỉ là lao động hợp đồng, làm lái xe, nhà bếp nhưng vì tin tưởng lãnh đạo nên đã dốc hết tiền của và vay mượn khắp nơi để trang trải theo yêu cầu của cấp trên.
Do số nợ quá lớn, kéo dài nhiều năm, đòi mãi không được hoặc chỉ được một phần, có trường hợp đã kéo nhau lên Huyện ủy, UBND huyện gây sức ép để thúc nợ nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.