Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình 3 vấn đề nóng đại biểu Quốc hội nêu

Chính trị - Ngày đăng : 09:18, 16/08/2019

Những tồn đọng trong xây dựng văn bản pháp luật; tình trạng tham nhũng vẫn phổ biến và vấn đề phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long là 3 vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi với Chính phủ trong phiên chất vấn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình 3 vấn đề nóng đại biểu Quốc hội nêu

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều ngày 15/8

Chiều ngày 15/8, khép lại phần trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, thay mặt Chính phủ, phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành VBQPPL

Phó Thủ tướng nêu rõ: Các kết luận của Quốc hội, UBTVQH rất cụ thể, mốc thời gian gian cụ thể, tạo thuận lợi cho điều hành của Chính phủ, đồng thời cũng tạo áp lực cho các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Chính phủ, Thủ tướng đã tổ chức triển khai nghiêm túc các kết luận… Nhưng tồn tại vẫn còn, trong đó có vấn đề xây dựng pháp luật.

Trả lời chất vấn của các đại biểu về vấn đề xây dựng pháp luật, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này, dành nhiều thời gian hơn trong các phiên họp thường kỳ và trong nhiều phiên họp chuyên đề, các Bộ, ngành vào cuộc quyết liệt hơn; trách nhiệm của Bộ trưởng, Trưởng ngành rõ rệt hơn.

Quốc hội yêu cầu các Bộ trưởng tiếp thu, giải trình ở diễn đàn Quốc hội nên các Bộ trưởng, trưởng ngành không thể thoái thác được. Thủ tướng cũng giao cho các Phó Thủ tướng vào cuộc các dự án luật từ khi xây dựng chính sách, cho đến các dự án lần 1, lần 2 khi trình Quốc hội. Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc nên có nhiều chuyển biến.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thừa nhận, vẫn còn tồn tại, đó là tình trạng trình chậm, chất lượng dự án luật còn hạn chế, việc rút dự án luật ra giảm mạnh nhưng vẫn còn còn nợ văn bản, thông tư (nợ 18 văn bản, trong đó 2 Nghị định hướng dẫn 2 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 và 16 văn bản hướng dẫn 7 Luật có hiệu lực vào ngày 1/7/2019.

Nguyên nhân nợ đọng, theo Phó Thủ tướng là do chưa tuân thủ quy trình của Luật Ban hành VBQPPL. Sự quan tâm chỉ đạo của một số “Tư lệnh ngành” chưa đánh giá kỹ khi xây dựng, thời gian cho phép ban hành Nghị định còn ngắn, phần lớn đây là vấn đề khó, phức tạp nên việc soạn thảo còn khó khăn. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn hạn chế.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết, cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Hiện, Chính phủ cũng đang hoàn thiện trình Quốc hội tới đây xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Kỳ họp thứ 8 tới.

Cùng với đó, sẽ công khai rộng rãi tình trạng nợ đọng văn bản của từng bộ, ngành. Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc của lãnh đạo Chính phủ, Tổ công tác của Chính phủ. Tập trung tăng cường hơn năng lực xây dựng và triển khai pháp luật của các bộ, ngành.

6 giải pháp phòng, chống tham nhũng

Trả lời chất vấn của đại biểu về "tham nhũng vặt", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, bên cạnh việc đấu tranh phòng, chống những “đại án”, vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, thì chủ trương của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng cũng như Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH đều nhấn mạnh đến vấn đề "tham nhũng vặt".

"Tham nhũng vặt" là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối dư luận nhân dân, liên quan đến đạo đức công chức, viên chức, “tuy là vặt nhưng tác dụng không vặt chút nào”.

Khẳng định điều này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ví “như con đê cao to, hùng vĩ, có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ”, "tham nhũng vặt" có tác động làm phá hoại đạo đức cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của người dân, doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện chủ trương của Trung ương, Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế bảo đảm thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo nhau, cản được chuyện tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật, của cả “anh” thực thi và “anh” kiểm tra, cơ quan thanh tra, kiểm toán. Tránh chuyện nhũng nhiễu, sách nhiễu từ chỗ pháp luật.

Thứ hai, phải hoàn thiện các quy định về quy chế, quy trình trong trách nhiệm thực thi công vụ và đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Thứ ba, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch. Cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công đến cấp độ 4. Đến giai đoạn cấp độ 4 là trả tiền bằng mạng, lúc đó mới ngăn được người thực thi với người được cung cấp dịch vụ công. Chính phủ đang phấn đấu để tăng cường việc này.

Thứ tư, phải có hệ thống kiểm tra, giám sát, kể cả bằng công nghệ thông tin, camera giám sát, các hình thức khác để giám sát quá trình thi hành nhiệm vụ của công chức, công vụ.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, nhất là các ngành có rủi ro cao, bổ nhiệm những cán bộ đứng đầu, những người trưởng đoàn. Vừa rồi xảy ra một số việc phức tạp.

Thứ sáu, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện truyền thông. Trong lĩnh vực này chúng ta phải đề cao thượng tôn pháp luật, kể cả người được cung cấp dịch vụ công và người cung ứng dịch vụ công, đó là cán bộ, công chức, viên chức.

Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 ngày 22.4.2009 và đã tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề này để chấn chỉnh những vấn đề nhũng nhiễu, sách nhiễu, vòi vĩnh của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Chúng tôi nghĩ sắp tới sẽ tạo ra được một số chuyển biến.

Đã có chương trình riêng về đầu tư giao thông ĐBSCL

Trả lời các chất vấn về phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ luôn quan điểm ĐBSCL có vị trí chiến lược về KT-XH, quốc phòng - an ninh và về nông nghiệp là cứ điểm chiến lược, nên tập trung đầu tư ở đây.

Trong 5 năm qua, tổng đầu tư ngân sách cho khu vực này đứng thứ 3 trong 6 vùng, chiếm 16,9%. Và nếu tính riêng phần ngân sách Trung ương hỗ trợ đứng thứ 3, với 18,26%.

Như vậy, số vốn bố trí cho khu vực này không phải quá thấp, song do vùng này có điểm xuất phát điểm hạ tầng thấp, chia cắt, địa chất yếu, suất đầu tư cao, ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, suất đầu tư vốn không cao do điều kiện này càng thấp hơn, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Phó Thủ tướng nêu rõ, ý thức vấn đề này, trong Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu có chương trình riêng về đầu tư hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Trong 5 năm tới sẽ tập trung đầu tư dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết tiểu vùng, kết nối ĐBSCL với TPHCM kể cả đường bộ, đường thủy, đường sông, hàng không và đường sắt.

Về đường bộ, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ phải đầu tư cả tuyến dọc theo hướng Bắc - Nam và tuyến ngang theo hướng Đông - Tây.

Về đường thủy, không ở đâu có lợi thế như khu vực này, cứ 1km diện tích có 0,6km sông, rạch suối, thích hợp thực hiện logistics, kết nối với các nước lân cận.

Về hàng không, có thể nghiên cứu mở thêm một số đường bay mới kết nối cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, sớm nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc. Với đường sắt đang điều chỉnh quy hoạch. Tới đây sẽ đầu tư thích đáng. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vùng phải xây dựng danh mục đầu tư ưu tiên để bố trí vốn trung hạn từ nay đến năm 2025.

Trước mắt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bố trí 2.146 tỷ đồng cho tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, bố trí Mỹ Thuận - Cần Thơ 920 tỷ đồng từ nguồn vượt thu năm nay. Để bố trí vốn cho các dự án này, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ chỉ đạo xây dựng nghị quyết trình trình sang UBTVQH.

Khi UBTVQH phê chuẩn chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định phân bổ ngay để cùng với 3 nghìn tỷ đồng vốn của chủ sở hữu, 6 nghìn tỷ đồng vốn của tổ chức tín dụng sẽ cơ bản hoàn thành kết nối, thông tuyến tuyến đường quan trọng này, bảo đảm năm 2021 sẽ lưu thông được.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thừa nhận, ĐBQH đã chỉ ra rất đúng “vai trò quan trọng của khâu thực hiện”, trong đó có vai trò của Bộ GTVT, UBND tỉnh Kiên Giang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ sẽ theo dõi việc triển khai công trình này.

Xuân Lan