Huyện Tân Kỳ - Nghệ An: Ai “tiếp tay” cho Dự án chưa hoàn thiện thủ tục đã thi công?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 13:28, 14/02/2020
Biết sai nhưng vẫn tạo điều kiện?
Được biết, dự án xây dựng nhà máy may Minh Anh xây dựng tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An được chấp thuận chủ trương đầu tư số 4673/QĐ-UBND ngày 13/11/2019. Đơn vị được chấp thuận chủ trương là Công ty cổ phần may Minh Anh – Tân Kỳ.
Tổng mức đầu tư cho dự án là 300 tỷ đồng, sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 6500 lao động. Dự án được khởi công vào đầu năm 2020 với tổng diện tích khoảng 9,8 ha. Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Nghệ An có nêu rõ thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Và cho đến tháng 8/2021, chủ đầu tư phải hoàn thành đưa nhà máy đi vào hoạt động.
Đơn vị đầu tư đang hối hả thực hiện công tác san lấp mặt bằng.
Theo thông tin phản ánh của người dân, những ngày đầu tháng 2/2020, PV đã có mặt tại khu vực đang thi công mặt bằng xây dựng nhà máy may tại xã Kỳ Tân. Hiện, đơn vị đầu tư đang tiến hành san lấp mặt bằng. Trên công trường, công tác vận chuyển đất để san lấp mặt bằng tiến hành rất khẩn trương, nhộn nhịp. Theo quan sát của PV, mỗi ngày có khoảng hàng trăm lượt xe trọng tải lớn vận chuyển đất đến phục vụ cho công tác san lấp.
Làm việc với UBND xã Kỳ Tân, ông Trịnh Huy Toàn – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đây là dự án thuộc diện thu hút đầu tư. Hiện nay, các hồ sơ thủ tục liên quan đến dự án, chủ đầu tư đang chờ giải quyết chưa xong. Công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản xong. Đơn vị đầu tư chưa được bàn giao đất của Nhà nước. Hiện, họ đã thi công là sai nhưng vì tạo điều kiện cho doanh nghiệp nên chúng tôi đã để cho doanh nghiệp làm khi chưa xong thủ tục. Dự án hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn huyện và xã”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh – Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Tân Kỳ cho biết: “Việc đơn vị chưa được giao đất đã thi công là sai. Nhưng vì chính sách tạo điều kiện hay nói cách khác là “trải thảm đỏ” tạo điều kiện cho doanh nghiệp nên chúng tôi đã để cho doanh nghiệp được san lấp cho kịp tiến độ đã đề ra”.
Ô nhiễm môi trường và nguy cơ mất an toàn giao thông từ đoàn xe chở vật liệu.
Hệ lụy từ công tác san lấp mặt bằng
Tại địa điểm đang diễn ra san lấp mặt bằng, hàng ngày với sự qua lại của hàng trăm lượt phương tiện, trong đó hầu hết các phương tiện đều chở vượt thùng và có dấu hiệu cơi nới thành thùng. Từng đoàn xe HOWO sau khi lấy đất tại địa phận xóm Tân Thành, xã Tân Long (huyện Tân Kỳ - Nghệ An) thì chạy về tại chân công trình để đổ. Cung đường chỉ khoảng 3,4 km nhưng bụi mù trời, đất rơi vãi dọc đường, gây nguy cơ nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Bà M – một người dân sống ven đường cho biết: “Xe chở đất vừa chở đầy lại chạy nhanh nên bụi mù mịt. Chúng tôi không dám mở cửa vì bụi, thế nhưng cũng không thấy họ tưới nước cho đỡ bụi. Nếu cứ chạy như thế này thì có lẽ được mấy hôm là đường hư thôi”.
Khu vực khai thác đất tại xã Tân Long.
Trao đổi qua điện thoại với lãnh đạo công an huyện Tân Kỳ về vấn đề này PV nhận được câu trả lời sẽ cho kiểm tra. Tuy nhiên, từ khi gọi điện trao đổi đến cuối buổi, PV vẫn không nhận được phản hồi lại của bên lực lượng, cũng không thấy lực lượng kiểm tra và cảnh tượng hối hả chạy lấy đất để phục vụ san lấp vẫn tiếp diễn bình thường.
Theo cách lý giải của ông Chủ tịch xã Kỳ Tân và phòng Tài nguyên môi trường huyện Tân Kỳ thì việc “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp là do tạo điều kiện thu hút cho doanh nghiệp. Đồng thời, nếu không “tạo điều kiện” thì thời hạn của mỏ đất tạm sẽ hết nên đành chấp nhận “tiếp tay” cho sai phạm. Việc chưa đầy đủ các thủ tục mà đơn vị đã tiến hành thi công thì trách nhiệm thuộc về ai? Bên cạnh đó, nguồn gốc đất san lấp có gì khuất tất mà vị trưởng phòng Tài nguyên môi trường chia sẻ là công văn mật nên không tiện cung cấp sẽ được PV.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về sự việc này.