Thành phố Vinh – Nghệ An: “Đìu hiu” phố đêm Cao Thắng
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 12:59, 21/12/2019
Với kỳ vọng phố đêm là nét văn hóa nổi bật của thành phố Vinh (Nghệ An) không những đáp ứng nhu cầu mua sắm, thư giãn cho người dân mà còn là nơi thu hút khách du lịch. Đường Cao Thắng là tuyến phố đêm đầu tiên được tỉnh Nghệ An đầu tư và chính thức đi vào hoạt động sau 5 tháng triển khai.
Trên cơ sở thực trạng và đo đạc, đường Cao Thắng được chia mặt bằng trung tâm thành 114 vị trí để buôn bán. Các ngành hàng sẽ được phép kinh doanh tại phố đêm Cao Thắng bao gồm: Hàng quần áo may mặc sẵn; hàng giày dép tổng hợp, đồ da, túi, cặp mũ các loại; đồ lưu niệm; hàng hóa đặc sản tại các địa phương; hàng giải khát, ăn nhẹđường phố và một số ngành hàng khác đảm bảo yêu cầu. Phố đêm hoạt động từ 18h đến 23h30 hằng đêm.
Khu bán quần áo gần như vắng tanh.
Theo tìm hiểu được biết, tổng đầu tư để cải tạo nâng cấp đường Cao Thắng nhằm phục vụ cho phố chợ đêm gần 7.5 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách thành phố. Đồng thời, Ban quản lý chợ Vinh cũng đặt mua 114 sạp hàng có cùng kiểu dáng, cùng kích thước (2m x 2m) có cấu tạo tháo lắp cơ động, có ô che.
Thế nhưng, có mặt tại phố đêm Cao Thắng lúc 20h30p ngày 16/12/2019, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước cảnh “đìu hiu”, vắng như chùa bà đanh của địa điểm được đầu tư và kỳ vọng này. Cả khu phố trước đây dành cho 114 gian hàng, nay được khoảng vài chục gian lèo tèo, nhếch nhácvà gần như không có người mua sắm.
Chị L – buôn bán hàng quần áo trẻ em chia sẻ: “Không có người mua nên người bán cũng chán, không muốn đến đây nữa. Chị thấy đấy, lèo tèo như thế này thì buôn bán gì nữa. Nhiều đêm tôi không bán được cái gì cả, một số người đã bỏ đi nơi khác để buôn bán rồi”.
Ông Võ Văn Quế - phó trưởng ban quản lý chợ Vinh cho biết: “Ngày 2/10/2019, phố đêm Cao Thắng khai trương thì được khoảng 1 tháng hoạt động nhộn nhịp, rồi sau đó rơi vào cảnh đìu hiu như thế này. Nguyên nhân thứ nhất là do sau khi khai trương được khoảng 1 tháng thì có 1 trận mưa to, lụt lịch sử nên hệ thống điện phục vụ cho khu vực này bộc lộ nhiều bất cập. Hiện nay đang đề xuất để khắc phục. Thứ hai là 114 xe phục vụ cho bán hàng sau khi sử dụng thì thấy không phù hợp vì bánh nhỏ, đẩy đi lại khó, mái nhỏ nên mưa thì ướt hết hàng hóa”.
“Hiện nay, các xe đã được thu hồi lại. Bên cạnh đó, do sức mua giảm nên hoạt động buôn bán đìu hiu, nhất là hàng hóa quần áo. Mỗi đêm chúng tôi đều cử 1 lãnh đạo ban, 8 cán bộ bảo vệ để phục vụ cho công tác tại khu phố Cao Thắng. Các anh em đều đang làm thêm giờ chưa trả tiền phụ cấp. Vì nguồn phụ cấp được tính trong nguồn thu của Phố nhưng hiện nay chưa thu được”, ông Quế cho biết thêm.
Khu hàng ăn vặt và giải khát lèo tèo.
Khi PV hỏi về các bãi gửi xe thì ông Quế cho biết, hiện nay bãi gửi xe đang quy hoạch và chưa có bãi gửi xe. Việc một số điểm giữ xe tự phát và thu với giá 5.000.000đ/1 xe là trách nhiệm thuộc về UBND phường Hồng Sơn chứ không phải của ban quản lý chợ Vinh.
Trao đổi về vấn đề này, ông Thế Anh – phó ban quản lý dự án thành phố Vinh, cho biết: “Chúng tôi chỉ cải tạo nâng cấp đường Cao Thắng với số vốn gần 7,5 tỷ đồng. Còn hệ thống điện và 114 sạp bán hàng là do ban quản lý chợ Vinh thiết kế và đặt hàng. Việc có phù hợp với bán hàng hay không, không thuộc về trách nhiệm của ban chúng tôi”.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu số phận của khu phố đêm Cao Thắng sẽ đi về đâu? Hay nó chưa kịp khai sinh thì đã khai tử?. Số tiền ngân sách để cán bộ đi học tập kinh nghiệm và đầu tư vào đây liệu có xứng đáng với sự mong đợi?.