VKSND tỉnh Khánh Hòa kháng nghị vụ tranh chấp giấy vay 56 tỉ đồng
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 14:33, 29/10/2019
Trước đó, ông Mai Thanh Tùng có gửi đơn khởi kiện Công ty TNHH Thiên Hải Phú (Công ty-PV) với nội dung: Ngày 01/10/2018, ông cho Công ty vay số tiền 56 tỷ đồng, hạn cuối trả tiền là ngày 24/2/2019. Ở một số lời khai khác khi làm việc với cơ quan chức năng, ông Tùng lại cho rằng: Từ đầu năm 2017, Công ty đã nhiều lần mượn tiền của ông và ngày 01/10/2018, hai bên đối chiếu công nợ và đại diện Công ty viết "Giấy vay tiền 56 tỷ đồng" ấn định thời gian trả là ngày 24/02/2019.
Tuy nhiên, phía Công ty luôn phủ nhận việc vay tiền và cho rằng, giấy vay tiền ngày 01/10/2018 chỉ là vay giả cách đã được thống nhất giữa các bên để ông Tùng và người có quyền lợi liên quan khác thực hiện một công việc khác. Do đó, Công ty khẳng định "giấy vay tiền 56 tỷ" không có giá trị pháp lý, không phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Công ty còn cho rằng việc ông Tùng dùng giấy nhận nợ giả cách này để đòi nợ là gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, quyền lợi của Công ty.
Tháng 08/2019, TAND TP. Nha Trang (Khánh Hòa) đã thụ lý giải quyết vụ kiện và chấp nhận việc ông Tùng đòi nợ Công ty TNHH Thiên Hải Phú, buộc Công ty trả nợ cho ông Tùng 56 tỷ đồng.
Khách sạn của Công ty TNHH Thiên Hải Phú liên quan đến vụ tranh chấp giữa các bên
Mới đây, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã có bản Kháng nghị số 327/QĐKNPT-DS ngày 19/09/2019 nêu rõ: Quá trình giải quyết tranh chấp giấy mượn tiền nêu trên tại cấp sơ thẩm là chưa khách quan, chưa đúng quy định của pháp luật ở nhiều vấn đề như: Không thu thập đầy đủ chứng cứ; không thực hiện việc đối chất giữa các đương sự; không đưa đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng…Từ đây VKSND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị TAND tỉnh Khánh Hòa làm rõ bất cập còn tồn tại.
Kháng nghị nêu: Cấp sơ thẩm không thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm làm rõ người đại diện Công ty TNHH Thiên Hải Phú có được thực hiện việc vay mượn số tiền 56 tỷ cho Công ty theo quy định của Điều lệ công ty? Chưa xác định tại thời điểm vay mượn số tiền mượn có được nhập vào tài sản của Công ty hay không, các thành viên Công ty có được biết việc Công ty mượn số tiền này hay không?...
Kháng nghị cũng cho rằng lời khai của ông Tùng có sự bất nhất, cụ thể như: Đơn khởi kiện ngày 25/03/2019 ông Tùng xác định cho Công ty Thiên Hải Phú mượn tiền. Nhưng lời khai ngày 08/04/2019 ông Tùng lại khai gia đình ông và bà Chu Thị Ngọc Hiền góp, nhưng cả ông Tùng và bà Hiền đều không xác định rõ số tiền bà Hiền góp để cho Công ty Thiên Hải Phú vay là bao nhiêu?.
Ông Tùng khai giao tiền tại nhà nhưng chưa làm rõ việc kiểm đếm số tiền này giữa các bên như thế nào?. Cấp sơ thẩm không thực hiện việc đối chất giữa các đương sự để làm rõ những vấn đề nêu trên là vi phạm Khoản 1, Điều 100 quy định về đối chất của BLTTDS.
Trong khi đó Công ty luôn khẳng định giấy vay tiền đề ngày 01/10/2018 nhằm mục đích để ông Tùng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực hiện việc thanh toán thay cho Công ty khoản nợ đến hạn là 56 tỷ đồng. Nếu ông Tùng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực hiện được thì hai bên sẽ ngồi lại bàn bạc việc chuyển nhượng khách sạn Volga tại số 06B Bãi Dương, Nha Trang, Khánh Hoà. Nhưng sau khi viết giấy vay tiền trên, ông Tùng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã không thực hiện việc trả nợ thay như cam kết mà sử dụng giấy mượn tiền này làm chứng cứ khởi kiện Công ty TNHH Thiên Hải Phú.
Cấp sơ thẩm đã không đưa đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng, vi phạm Khoản 4, Điều 68 quy định về đương sự trong vụ việc dân sự của BLTTDS. Cụ thể, cấp sơ thẩm đã không đưa các thành viên góp vốn của Công ty vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan, việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các thành viên góp vốn.
Như vậy vụ việc sẽ được xét xử phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Báo Công lý sẽ thông tin khách quan đến bạn đọc kết quả phiên Tòa khi có phán quyết của HĐXX.