"Núp bóng" trạm dừng nghỉ để làm cửa hàng xăng dầu
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 12:54, 02/10/2019
Ngày 4/5/2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 770/QĐ-BGTVT về việc bổ sung trạm dừng nghỉ loại 1 t rên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vào “Quy hoạch hệ thống trạm dựng nghỉ trên quốc lộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Theo quy định trạm dừng nghỉ loại 1 bắt buộc phải có trạm cấp nhiên liệu (cửa hàng xăng dầu).
Vị trí Công ty TNHH Thanh Bình xin đầu tư trạm dừng nghỉ loại 1
Chính vì cụm từ “trạm dừng nghỉ loại 1 bắt buộc phải có trạm cấp nhiên liệu” nên khi đơn vị nào muốn hoặc đã xin đầu tư cửa hàng xăng dầu nhưng chưa được chấp thuận thì lại áp dụng chiêu “bắt buộc” này. Các cơ quan quản lý nhà nước chắc hẳn đã “bắt bài” chiêu trò này nhưng không rõ lý do từ đâu mà trạm dừng nghỉ vẫn cứ liên tục được "khai sinh".
Ghi nhận thực tế trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khá nhiều trạm dừng nghỉ, điểm dừng nghỉ… dù dùng cái tên nào thì “ruột” bên trong vẫn chủ yếu là cửa hàng xăng dầu.
Văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa
Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa cho biết: “Hiện nay việc bố trí, sắp xếp các cửa hàng xăng dầu và trạm dừng nghỉ tại địa bàn chưa thực sự hợp lý. Nếu đã có cửa hàng xăng dầu rồi thì tốt nhất không bố trí trạm dừng nghỉ gần đó nữa. Đặt gần nhau sẽ gây lãng phí trong đầu tư. Cứ làm ăn theo kiểu phong trào thì kìm chân nhau, rất khó phát triển”.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản giao cho Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Tĩnh Gia và các đơn vị có liên quan khẩn trương nghiên cứu đề nghị của Công ty TNHH Thanh Bình đề xuất đầu tư Trạm dừng nghỉ loại I (tại Km 381+540 phải tuyến, Quốc lộ 1A thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, có văn bản trả lời doanh nghiệp; Báo cáo kết quả và những vấn đề vượt thẩm quyền với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 5/10/2019.
Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp được giao chủ trì xem xét đề nghị của Công ty Thanh Bình
Tại Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 7/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung xây dựng khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050” ghi rõ: “Khu phía Nam (gồm các xã Tùng Lâm, Tân Trường, Trường Lâm, Phú Lâm): Là khu vực phát triển logistics, cảng cạn, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng, tổng kho dầu thô và hóa chất v.v... Đây là khu vực trọng yếu về giao thông với Quốc lộ 1A, nút giao đường bộ cao tốc, đường sắt Bắc Nam, ga và đường sắt cao tốc. Là khu vực cửa ngõ của tỉnh Thanh Hóa và Khu kinh tế Nghi Sơn ở phía Nam, hình thành liên kết vùng với tỉnh Nghệ An (đặc biệt là thị xã Hoàng Mai)”.
Cụ thể, khu đất mà Công ty Thanh Bình đang xin làm trạm dừng nghỉ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là đất công cộng, dịch vụ, định hướng là bến xe khách, xe buýt liên vùng. Nghĩa là Quyết định của Bộ Giao thông vận tải đã chồng lấn vào Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 7/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vị trí xin làm Trạm dừng nghỉ là đất giao thông, công cộng
Mặc khác, tại văn bản 1749/SCT-QLTM ngày 9/8/2019 về tham gia ý kiến việc điều chỉnh dự án của Công ty Thanh Bình, trong đó, Sở Công thương đề nghị không bố trí hạng mục trạm cấp nhiên liệu trong trạm dừng nghỉ tại km 381+ 540, phải tuyến quốc lộ 1A do không đảm bảo khoảng cách cửa hàng xăng dầu liền kề theo quy định.
Trên thực tế cùng phía (phải tuyến): Về phía Bắc cách cửa hàng xăng dầu Trúc Lâm tại Km 371+950, phải tuyến, Quốc lộ 1 thuộc địa phận thôn Hữu Lộc, xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia của Công ty TNHH Trúc Lâm là 9.590 m; Về phía Nam, cách cửa hàng xăng dầu Trường Lâm tại Km 382+050, phải tuyến, Quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia của Công ty Xăng dầu Thanh Hóa chưa đến 500 m (Quy định 6.000 m). Khác phía (Trái tuyến): Về phía Bắc, cách cửa hàng xăng dầu Trường Lâm - 888 tại Km 381+500, trái tuyến, Quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia của Công ty TNHH Trúc Lâm là khoảng 40 m;
Một cửa hàng xăng dầu quy mô cách Công ty TNHH Thanh Bình có vài chục mét
Do đó, việc bố trí trạm cấp nhiên liệu (cửa hàng xăng dầu) trong trạm dừng nghỉ tại Km 381+540, phải tuyến, Quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia là không đảm bảo quy định khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề cùng phía phải tuyến Quốc lộ 1 ngoài khu vực nội thành nội thị.
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 21 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nêu rõ: “Ngoài khu vực nội thành, nôi thị: đối với đường có dải phân cách giữa, có đủ quỹ đất để xây dựng làn chuyển tốc (phương tiện qua nút giao chỉ rẽ phải), khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề cùng phía dọc theo mỗi bên của đoạn quốc lộ không nhỏ hơn 6.000 mét” và khoảng cách giữa các cửa hàng xăng dầu tối thiểu là 300m theo quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008.
Hiện nay Công ty TNHH Thanh Bình được thuê 10.194,8m2 đất để làm điểm dừng nghỉ, xây dựng các công trình gồm: Nhà ăn uống 2 tầng diện tích xây dựng là 329m2, nhà dịch vụ, bếp 01 tầng; nhà dịch vụ 01 tầng, khu kinh doanh, nhà bảo vệ, nhà để xe và hệ thống sân bãi đường giao thông nội bộ, công trình phụ trợ khác. Việc đơn vị này xin đầu tư Trạm dừng nghỉ loại 1 lại là “bổn cũ soạn lại”!
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động. Phải tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển nhưng cũng phải loại bỏ tư duy đám đông, chạy theo phong trào. Tại sao vướng rất nhiều các quy định, trong đó có cả quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn cố tạo điều kiện để xây dựng trạm dừng nghỉ loại 1 tại Km 381+540, phải tuyến, Quốc lộ 1A. Điều này khiến dư luận hoài nghi về sự minh bạch, công tâm của cơ quan quản lý.