Cần xem xét giải quyết đền bù, hỗ trợ tái định cư các hộ dân theo đúng quy định
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:45, 27/08/2019
Ông Nguyễn Văn Được (SN 1965, trú 93 Nguyễn Nghiễm, Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) trình bày, năm 2004 ông cùng với các ông Trần Quang Vũ, Phùng Đình Lợi và bà Trần Thị Mỹ Phương nhận chuyển nhượng của ông Đoàn Văn Đời một mảnh đất có diện tích 751m2 tại tổ 28 phường Hòa Hải. Ông đã xây dựng tại đây một ngôi nhà để ở nhưng sau đó bão sụp chỉ còn lại móng nhà.
Do giá đất biến động nên trong quá trình làm thủ tục chuyển nhượng đã xảy ra tranh chấp. Cụ thể, ông Đời yêu cầu ông cùng những người mua đất nói trên phải trả thêm tiền thì mới làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Năm 2010, các ông, bà đã khiếu nại vụ việc ra UBND phường Hòa Hải nhưng vẫn không thể giải quyết được, sau đó đã khởi kiện ra TAND quận Ngũ Hành Sơn.
TAND quận Ngũ Hành Sơn đã ra Quyết định số 218/QĐST-DS ngày 30/12/2011 công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự, giao cho ông Được quản lý, sử dụng 1 móng nhà có diện tích là 19,9m2 tọa lạc trên diện tích đất 219,5m2 nằm trong thửa đất số 21 tờ bản đồ hiện trạng số 232 tại tổ 28, phường Hòa Hải. Giao cho ông Trần Quang Vũ được quản lý, sử dụng 1 móng nhà có diện tích 20m2 tọa lạc trên diện tích đất 150,4m2.
Phần đất ông Được và các hộ khác mua của ông Đời.
Giao bà Trần Thị Mỹ Phương quản lý sử dụng 1 ngôi nhà trệt, mái lợp tôn có diện tích 24,2m2 tọa lạc trên diện tích đất là 150m2 thuộc tờ bản đồ như trên. Cũng tại quyết định này, các ông Được, Vũ, Lợi, bà Phương... đã giao thêm cho ông Đoàn Văn Đời 100 triệu đồng tiền bán đất mà ông Đời yêu cầu trước đó. Sau khi có quyết định, các ông bà đã nộp đủ tiền án phí và đã được Chi cục THADS quận Ngũ Hành Sơn xác nhận đã thực hiện nghĩa vụ THA.
“Căn cứ vào quyết định công nhận thỏa thuận của Tòa thì theo quy định tại khoản 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, tôi là người sở hữu 1 móng nhà có diện tích là 19,9m2 tọa lạc trên diện tích đất 219,5m2 chứ ông Đời không còn là chủ quyền sử dụng đất này nữa. Vậy nhưng không hiểu lý do gì chúng tôi không nhận được quyết định thu hồi đất khi thực hiện dự án FPT, như vậy là không đảm bảo quyền lợi cho tôi cũng như các hộ khác cùng mua đất của ông Đời...”, ông Được bức xúc.
Qua tìm hiểu được biết, diện tích đất các ông Được, Vũ, Lợi và bà Phương nhận chuyển nhượng của ông Đời nằm trong diện giải tỏa đi hẳn thuộc dự án FPT và đã được Ban giải tỏa đền bù các dự án Đầu tư xây dựng TP Đà Nẵng tiến hành kiểm định nhà và đất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các hộ này chỉ nhận được thông báo về việc hỗ trợ vật kiến trúc trên đất mà hoàn toàn không có quyết định thu hồi đất.
Lý do, quyết định thu hồi đất đã được giao cho ông Đời. Như vậy có nghĩa là căn cứ vào quyết định của tòa án, diện tích đất nói trên không còn là của ông Đời nhưng quyết định thu hồi đất vẫn được giao cho ông Đời.
Bên cạnh đó, vào ngày 6/8/2019 UBND phường có giấy mời ông Đời nhận quyết định cưỡng chế đối với nhà và đất của các ông, bà nêu trên, ông Đời đã từ chối nhận giấy mời vì ông cho rằng phần đất và nhà này không còn thuộc quyền của ông. Các ông Được, Vũ, Lợi, bà Phương đều cho rằng việc không có quyết định thu hồi đất và bố trí đất tái định cư cho họ là không đúng quy định của pháp luật và họ yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét giải quyết quyền lợi về đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho họ theo đúng quy định.
Dự án FPT thu hồi toàn bộ diện tích đất của ông Đời, trong đó có diện tích đã bán cho các ông Được, Vũ, Lợi, bà Phương.
Để tìm hiểu rõ hơn, PV Báo Công lý đã trao đổi với ông Huỳnh Quang Trung, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) và được ông cho biết: “Phải khẳng định rằng, đất không có sổ đỏ là đất do phường quản lý. Các ông, bà có liên quan mua bán không đúng quy định của pháp luật mà chỉ có thỏa thuận mua bán viết tay nên vô hiệu. Sở dĩ các trường hợp này không được giải quyết hỗ trợ tái định cư là bởi diện tích đất mua nằm ngoài phần đất được công nhận theo quy định của ông Đời. Vụ việc hiện nay đang được cấp quận giải quyết, sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định...”.
Ở một khía cạnh khác, quá trình xác minh vụ việc, ông Đoàn Văn Hoa, Tổ trưởng tổ 47 phường Hòa Hải cho biết thêm: “Trên địa bàn có một số trường hợp như ông Được, ông Vũ... hoặc có những trường hợp điều kiện không bằng nhưng vẫn được giải quyết hỗ trợ tái định cư. Trong một số cuộc họp có UBND quận tham dự hoặc tổ chức, tôi đã nêu ý kiến về các trường hợp đó nhưng vẫn không được xem xét...”.
Ngoài ra theo phản ánh của người dân, có một số trường hợp là cán bộ Nhà nước cũng đã được giải quyết tái định cư một cách “êm ấm” khi dự án này “đi qua”.
Có hay không tình trạng chính quyền đang cố tình làm khó một số hộ dân nhưng lại “tạo điều kiện quá mức” cho một số hộ khác trong việc hỗ trợ tái định cư dự án FPT? Câu hỏi này chúng tôi đã chuyển đến cơ quan có thẩm quyền và đang chờ phản hồi. Ai là những hộ có điều kiện tương tự hoặc kém hơn trường hợp các ông Được, Vũ, Lợi, bà Phương nhưng vẫn được giải quyết ổn thỏa? Những cán bộ Nhà nước nào đang được “ưu tiên” sở hữu tài sản từ việc bố trí tái định cư của dự án này FPT?... Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.