Lai Châu: Tập đoàn Hưng Hải lại muốn “đi lùi” trong đầu tư thủy điện
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 08:35, 22/08/2019
Đề xuất không hợp lý
Từng được tỉnh Lai Châu ưu ái lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược, được triển khai 17/62 dự án thủy điện được quy hoạch chiếm tới 75% tổng công suất thủy điện nhưng Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Hải (Tập đoàn Hưng Hải) không thực hiện đúng cam kết, nên có lúc tỉnh Lai Châu phải ra quyết định thu hồi 5 dự án đã giao cho Tập đoàn Hưng Hải.
Mới đây, đơn vị này tiếp tục có đề xuất làm trạm biến áp và đường dây 110kV trong khi thực tế quy hoạch thủy điện đòi hỏi phải làm đường dây 220kV. Đề xuất này bị coi là đi ngược chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ngược xu hướng phát triển.
Quang cảnh cuộc họp tại Sở Công thương tỉnh Lai Châu
Ngày 19/8, Sở Công thương tỉnh Lai Châu đã tổ chức cuộc họp để lựa chọn phương án quy hoạch đường dây, trạm biến áp khu vực Pắc Ma – Mường Tè, góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến một số dự án điện.
Trước đó, ngày 3/7/2019, Công ty Cổ phần Thủy điện Pắc Ma (thuộc Tập đoàn Hưng Hải) đã có văn bản số 126/2019/TĐPM-NL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sớm triển khai đầu tư hệ thống đường dây 110 kV để đấu nối dự án Nhà máy thủy điện Pắc Ma, Nậm Cúm 4 hoặc tách dự án đường dây 110 kV trên giao cho doanh nghiệp đầu tư, sau khi hoàn thành EVN tiếp nhận và hoàn trả vốn đầu tư cho doanh nghiệp.
Với kiến nghị trên, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6354/VPCP-CN ngày 17/7/2019 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, rà soát thủ tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch, đồng thời xem xét đề nghị của Công ty Cổ phần Thủy điện Pắc Ma (Công ty Pắc Ma) tại văn bản nêu trên.
Tại hội nghị, Công ty Pắc Ma tiếp tục có ý kiến cho rằng đã đầu tư nguồn tài chính lớn vào hai dự án thủy điện, theo kế hoạch sẽ hoàn thành phát điện vào quý IV năm 2019, nếu để kéo dài doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
Tập đoàn Hưng Hải còn cho rằng đã làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và trong văn bản Phó Thủ tướng chỉ đạo Lai Châu rà soát lại các dự án thủy điện chính là để theo hướng chấp thuận làm đường dây và trạm biến áp 110 kV cho kịp tiến độ, để đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp. Tuy nhiên, ý kiến này chưa được hội nghị chấp thuận vì trên thực tế, Phó Thủ tướng không có nội dung nào chỉ đạo như vậy.
Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh biến áp và đường dây 220kV
Kiến nghị đường dây và trạm biến áp 110 kV theo quy hoạch cũ còn đi ngược lại với chính chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gần đây cũng như đi ngược lại với chính quy hoạch, kiến nghị của Bộ Công thương và UBND tỉnh Lai Châu.
Theo báo cáo của EVN gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ngày 29/1/2019, tỉnh Lai Châu chiếm tỷ trọng lớn công suất các nguồn thủy điện vừa và nhỏ của khu vực Tây Bắc với 1164 MW trong tổng số 2.900 MW của khu vực.
Trong bối cảnh hệ thống đường dây truyền tải điện hiện có đều đã đầy tải, để giải tỏa công suất các nguồn thủy điện khu vực Tây Bắc nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng, EVN kiến nghị bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh các công trình lưới điện có trạm biến áp 220 KV Pắc Ma và đường dây 220KV Pắc Ma – Mường Tè, dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2020-2025.
Tính đến 21/8/2019, Thủy điện Pắc Ma của Tập đoàn Hưng Hải vẫn đang thi công ngổn ngang.
Tháng 12/2018, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo và giao cho Bộ Công thương, EVN khẩn trương làm việc với tỉnh thống nhất điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống kết nối đường dây truyền tải phù hợp với tình hình địa phương. Trong đó, nâng cấp đường dây 110 kV Mường Tè – Pắc Ma lên 220 kV, bổ sung trạm 220 kV Pắc Ma để hoàn thành trong năm 2019.
Để giải tỏa hết công suất các nhà máy thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch và các dự án thủy điện tiềm năng dự kiến bổ sung quy hoạch, ngày 21-5-2019, Bộ Công thương đã có văn bản số 3544/BCT-ĐL trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trạm biến áp 220 KV Pắc Ma (2X250MVA) và đường dây 220KV Pắc Ma – Mường Tè (2X36km).
Không thể lựa chọn cái lạc hậu vì lợi ích cục bộ
Tại cuộc họp do Sở Công thương tỉnh Lai Châu tổ chức sáng 19/8/2019, hầu hết ý kiến của lãnh đạo địa phương, sở ngành, các doanh nghiệp đều thống nhất phải tìm ra phương án khả thi, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và yêu cầu phát triển lâu dài. Theo đó, phương án bổ sung quy hoạch trạm biến áp 220kV Pắc Ma và đường dây 220 kV Pắc Ma – Mường Tè là cần thiết.
Phương án tiếp tục đầu tư đường dây, trạm biến áp 110kv theo quy hoạch cũ sẽ có thể tạo ra hệ lụy phải đầu tư mới thêm một hệ thống đường dây và trạm biến áp song song, vừa tốn kém vừa không khả thi vì không còn quỹ đất để thực hiện.
Một góc Thủy điện Pắc Ma
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Sỹ Chín, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lai Châu cho biết: “Phải quy hoạch theo tư duy phát triển, chứ không thể đi lùi. Nhiều địa phương khác cũng lựa chọn như vậy. Nếu chúng ta tiếp tục đầu tư theo quy hoạch cũ thì ai sẽ chịu trách nhiệm về sự lãng phí. Nhân dân, Chính phủ sẽ đánh giá tầm nhìn, trách nhiệm quy hoạch của tỉnh Lai Châu như thế nào. Phải vì sự phát triển của tỉnh, có khó khăn cho nhà đầu tư thì phải tháo gỡ chứ không thể lựa chọn cái lạc hậu chỉ vì lợi ích cục bộ?”.
Chung quan điểm trên, ông Tống Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè khẳng định: “Phải vì tương lai sau này. Người ta sẽ nói gì về tỉnh Lai Châu, về tầm nhìn của lãnh đạo nếu quy hoạch kém?”.
Được biết, Sở Công thương tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực các công trình lưới điện truyền tải phục vụ giải tỏa công suất thủy điện khu vực Tây Bắc và lân cận.
Trong văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển điện “luôn phải đi trước một bước”.
Câu chuyện đã rõ ràng nhãn tiền như vậy nhưng hiện nay lãnh đạo tỉnh Lai Châu, UBND tỉnh Lai Châu vẫn còn lúng túng chưa có quyết định một cách rõ ràng và cụ thể.