Vụ rừng thông bị xâm hại, xã từ chối làm việc: Làm rõ trách nhiệm từng cá nhân
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 13:26, 15/08/2019
Theo đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Đắk Đoa (Gia Lai) mới đây, PV Báo Công lý đã trình bày về việc sau khi phát hiện một số đối tượng róc vỏ thông đã đến UBND xã Glar (huyện Đắk Đoa) để gặp lãnh đạo cung cấp thông tin cũng như đề nghị phối hợp cùng vào hiện trường. Tuy nhiên, PV đã nhận được sự thiếu hợp tác của lãnh đạo xã.
Đặc biệt, bà Giang H’Huom, Phó Chủ tịch UBND xã Glar, người được giao phụ trách vấn đề này, còn có những lời nói “phê bình” PV vì tự ý vào điều tra việc phá rừng trên địa bàn khi chưa được sự cho phép. Ngoài ra, để được làm việc với lãnh đạo xã, Phó Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã đề nghị phải có giấy giới thiệu hoặc điện thoại từ trên huyện xuống.
Rừng thông bị “xâm hại” nghiêm trọng.
Trước sự thiếu thiện chí hợp tác này, PV đã gọi điện thoại cho Chánh văn phòng UBND huyện Đắk Đoa để có sự can thiệp, nhưng vị này “báo bận” và đề nghị liên hệ với Phó Chánh văn phòng để trao đổi.
Cứ thế, chúng tôi đã gọi cho rất nhiều người theo sự giới thiệu nhưng không được. Tiếp tục, PV gọi điện thoại cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện và được cử cán bộ Kiểm lâm địa bàn cùng vào xã để làm việc. Tuy nhiên, trước sự bất hợp tác của lãnh đạo xã, cán bộ Kiểm lâm địa bàn cũng “bó tay”.
Sau khi nghe trình bày sự việc, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa (người được Chủ tịch phân công làm việc với PV Báo Công lý) cho biết: "Việc chính quyền địa phương chưa hợp tác hoặc có vấn đề gì làm ảnh hưởng đến tác nghiệp của cơ quan báo chí tôi sẽ trực tiếp báo cáo lên Bí thư và Chủ tịch UBND huyện. Từ đó, sẽ có cuộc họp rút kinh nghiệm, kiểm điểm đối với các cá nhân liên quan, cũng như làm rõ trách nhiệm trong việc để tình trạng xâm hại rừng thông tái diễn, trong đó có Hạt trưởng Kiểm lâm huyện".
Cùng với đó, địa bàn rừng thông đang là điểm nóng nên ông Dũng đã đề nghị Hạt kiểm lâm tăng cường bổ sung thêm lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn hai xã Glar và Tân Bình. Tiếp tục phối hợp với Công an huyện xác định đối tượng lợi dụng trời mưa gió để cạo, cắt cây thông và sẽ xử lý nghiêm để làm gương. Đặc biệt, do rừng thông nằm trong khu vực quanh dân cư nên huyện đã có chỉ đạo các xã sử dụng phí dịch vụ trồng rừng lắp cammera an ninh quanh khu rừng thông.
Khi được hỏi về việc bà Giang H’Huom, Phó Chủ tịch UBND xã Glar yêu cầu phải có giấy giới thiệu của UBND huyện cũng như các lãnh đạo và cán bộ liên quan khác thiếu sự hợp tác với PV trong sự vụ “nóng”, Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Về việc này phải theo quy định. UBND huyện sẽ có cuộc họp về vấn đề này, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân: Phó Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã, và Chánh văn phòng huyện. Còn về vấn đề phát ngôn, đều thực hiện theo các thủ tục, quy trình quy định. Sau khi có kết quả, sẽ phản hồi đến Báo Công lý”.
Trước đó, như Báo Công lý đã phản ánh, sau khi đi thực tế hiện trường để ghi nhận hình ảnh về việc “bức tử” rừng thông ở xã Glar, PV đã liên hệ làm việc với bà Giang H’Huom – Phó Chủ tịch UBND xã Glar để xác minh lại thông tin cũng như đề nghị sự phối hợp của chính quyền địa phương nhưng lại nhận được sự bất hợp tác một cách khó hiểu.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch xã còn hỏi: “Có giấy giới thiệu của UBND huyện không”?. Theo như bà H’Huom, khi PV muốn làm việc với UBND xã, trước hết phải làm việc với UBND huyện và sau đó UBND huyện gọi điện thoại xuống cho xã thì bà mới làm việc.
Gỗ thông được cắt khúc để còn lại ở hiện trường.
Sự bất hợp tác này tiếp tục được Phó Chủ tịch xã thể hiện khi PV trao đổi và đề nghị chính quyền địa phương phối hợp cùng vào hiện trường để kiểm tra, vị này quả quyết: “Không, rừng thông của chị để chị tự xử lý”. Khi được hỏi chính quyền địa phương có biết tình trạng rừng thông bị xâm hại hay không? Và nếu như biết đã có báo cáo lên cơ quan quản lý chưa? Bà Giang H’Huom trả lời “làm sao tôi không biết, không biết sao tôi ngồi được vị trí này được”.
Chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, PV tiếp tục liên hệ Bí thư Đảng ủy xã để trao đổi thì “điệp khúc” phải có giấy giới thiệu của huyện một lần nữa được đưa ra. Cùng với đó là đề nghị PV làm việc với UBND xã.
Nhận thấy, sự bất hợp tác của lãnh đạo xã Glar, chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với Chánh văn phòng UBND huyện Đăk Đoa ông Mai Tấn Lợi để được hỗ trợ thì nhận được phản hồi “Tôi đang bận đi tập huấn” và yêu cầu PV liên hệ với Phó Chánh văn phòng huyện. Tuy nhiên, những người được giới thiệu vẫn tiếp tục là bận họp hoặc không bắt máy...
Vấn đề xâm hại rừng thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Đăk Đoa nói riêng thực sự rất nóng. Trong thời gian giữa năm 2019, các cơ quan chức năng đã phát hiện trên địa bàn huyện này có tới hơn 150ha rừng thông bị xâm hại để lấy vỏ và lấy ngo (gỗ thông để về nhóm lửa).
Sau sự việc này, rất nhiều cán bộ liên quan đã bị kiểm điểm trách nhiệm. Đồng thời, tỉnh Gia Lai cũng chỉ đạo quyết liệt và đề ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ các rừng thông trên địa bàn.
Tại điểm a;b, khoản 3, Điều 3 của Nghị định Số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký “Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan Hành chính Nhà nước” nêu: “3. Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã, gồm: a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã; b) Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.” |