Nhiều dấu hỏi về “đường đi” của Tập đoàn Quốc tế Đông Á

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:17, 06/07/2019

Ông Nguyễn Quang Mãi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Quốc tế Đông Á, chỉ bỏ vài chục tỉ đồng đã dễ dàng chiếm quyền quản lý các doanh nghiệp nhà nước có giá trị lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Tại sao lại có câu chuyện như vậy?

Thôn tính tài sản nhà nước với giá rẻ mạt

Có thể nói, vài năm trở lại đây, doanh nghiệp của ông Nguyễn Quang Mãi luôn “nhòm ngó” khối tài sản của các doanh nghiệp nhà nước có chủ trương cổ phần hóa. Đơn vị này đã tham gia đấu giá vài phiên thắng lợi, đem lại giá trị siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp mà bằng mắt thường mọi người cũng nhận thấy. Nhưng, nếu phân tích kỹ có thể thấy, hầu hết các hoạt động mua bán, thôn tính doanh nghiệp của ông Mãi đều ẩn chứa những dấu hiệu không bình thường.

Theo hồ sơ, năm 2016, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Thoát nước & Phát triển hạ tầng đô thị theo hướng Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Ngày 23/1/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định số 218 phê duyệt giá trị doanh nghiệp với giá trị thực tế để cổ phần hóa trên 764 tỉ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên 21 tỉ đồng.

Nhiều dấu hỏi về “đường đi” của Tập đoàn Quốc tế Đông Á

Công ty TNHH MTV Thoát nước & Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên đang được cổ phần hóa

Thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa đã tổ chức hội nghị người lao động bất thường ngày 5/4/2017 và thông qua phương án cổ phần hóa doanh nghiệp với vốn điều lệ 20 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 49% và bán cho “nhà đầu tư chiến lược” 20%.

Tiếp đó, ngày 13/7/2017, UBND tỉnh Thái nguyên có quyết định phê duyệt điều chỉnh phương thức và kế hoạch cổ phần hóa, theo đó Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ (khoảng 20 tỉ đồng) và không đưa tài sản dự án vào để cổ phần hóa.

Với quyết định điều chỉnh trên của tỉnh Thái Nguyên thì “nhà đầu tư chiến lược” sau khi mua được cổ phần chi phối sẽ hưởng lợi vô cùng lớn. Bởi doanh nghiệp tư nhân này chỉ phải dùng nguồn lực nhỏ, khoảng 20 tỉ đồng (bằng 1/3 của số lẻ giá trị tài sản định giá) mà lại nắm toàn quyền quản lý sử dụng số tài sản lớn (trên 764 tỉ đồng) của một doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp đó, tháng 3/2019, Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Đông Á tham gia đấu giá quyền mua trên 1,8 triệu cổ phần của Công ty CP Truyền thông Nghe nhìn Hà Nội và đã sẵn sàng trả giá cao gấp 16 lần so với mức giá khởi điểm để dành quyền mua cổ phần phát hành thêm của đơn vị này. Giá khởi điểm cho quyền mua 1 cổ phần là 700 đồng và ông Mãi đã trả giá đấu tới 11.200 đồng cho 1 quyền mua 1 cổ phần.

Như vậy, số tiền ông Mãi phải chi dành quyền mua cổ phần đã xấp xỉ 20,7 tỉ đồng. Sau đó, ông tiếp tục bỏ thêm gần 20 tỉ đồng mua cổ phần chính thức. Tổng thương vụ đầu tư vào Công ty CP Truyền thông Nghe nhìn Hà Nội (Havisco) hết gần 40 tỉ đồng. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Havisco trong những năm gần đây không mấy khả quan, với số lỗ lũy kế lên tới 6 tỉ đồng (tính đến ngày 30/6/2018). Trong đó, 6 tháng đầu năm 2018, Havisco đã lỗ tới 1,4 tỉ đồng.

Nhiều dấu hỏi về “đường đi” của Tập đoàn Quốc tế Đông Á

Trụ sở Công ty CP Truyền thông Nghe nhìn Hà Nội tại 26 Hàng Dầu, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Về thực trạng tài chính, năm 2017, đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ với một số khoản mục có số dư lớn trên Báo cáo tài chính nhưng chưa có đủ biên bản, hồ sơ xác nhận. Vốn của Havisco ghi nhận sự giảm mạnh trong giai đoạn 2016 - 2017 từ mức 30,9 tỉ đồng xuống 19,38 tỉ đồng (-37,28%). Xu hướng này vẫn tiếp tục trong 6 tháng đầu năm 2018 với tổng giá trị tài sản giảm xuống ở mức 17,8 tỉ  đồng.

Vậy tại sao Tập đoàn của ông Mãi lại đắm đuối đầu tư vào một doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ? Câu trả lời chỉ có thể là Havisco đang sở hữu quyền sử dụng nhiều mảnh đất vàng tại Hà Nội. Có thể liệt kê như, trụ sở của Công ty có diện tích 290 m2 tại phố Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm; ngoài ra, còn một số cơ sở khác ở số 61 Đinh Tiên Hoàng (59,5 m2); tầng 1 số 39 phố Đinh Tiên Hoàng (29,5 m2); số 51 ngõ Nguyễn Thái Học (55,4 m2); E1 Bách Khoa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng (121 m2).

Doanh nghiệp có nhiều điều tiếng

Trước đó, Báo Công lý đã có bài phản ánh về dự án xây dựng cầu Tuần Quán (Yên Bái) có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, do Tập đoàn Quốc tế Đông Á là nhà thầu chính. Bởi ngay sau khi ký hợp đồng với đại diện chủ đầu tư, ngày 2/8/2015, Tập đoàn Quốc tế Đông Á đã ký Hợp đồng giao khoán với Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Bắc Dương với tổng giá trị hợp đồng hai bên ký gần 164 tỉ đồng, tương đương hơn 50% tổng giá trị gói thầu số 12.

Trong hợp đồng, Công ty Bắc Dương “cam kết sẽ chiết khấu lại cho Tập đoàn Quốc tế Đông Á bằng 18% giá trị hợp đồng theo đơn giá trúng thầu. Tập đoàn Quốc tế Đông Á có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Bắc Dương giá trị khối lượng thanh toán bằng 62% đơn giá trúng thầu với chủ đầu tư”.

Như vậy, Tập đoàn Quốc tế Đông Á được “bỏ túi” 38% tổng giá trị hợp đồng xây dựng cầu Tuần Quán (tương đương với hơn 60 tỉ đồng). Trên thực tế, Công ty Bắc Dương đã chuyển khoản gần 10 tỉ đồng vào tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Quang Mãi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quốc tế Đông Á.

Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái vẫn chưa công khai việc điều tra, xác minh vụ việc này trước công luận.

Toàn Vũ