UBND huyện Đăk R’Lấp phản hồi về những sai phạm ở xã Nghĩa Thắng
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 16:43, 02/07/2019
Cụ thể, theo Báo cáo số 204/BC-UBND ngày 26/6/2019 củaUBND huyện Đăk R’Lấpcho biết: Đường bê tông giao thông nông thôn tại thôn Quảng Tiến, xã Nghĩa Thắng thiết kế 800m, nhưng mới chỉ hoàn thành 500m mà Báo Công lý phản ánh là đúng với thực tế. Lý giải cho nguyên nhân chậm trễ này là do phân vốn, nhân dân đối ứng không kịp thời, mất mùa… Đến cuối tháng 4/2019, xã đã vận động nhân dân đối ứng kinh phí được 70/142 triệu để làm 300m đường còn lại.
Về vấn đề báo phản ánh, công trình thi công chưa xong, vẫn nghiệm thu “khống” để rút tiền là hoàn toàn đúng. Về việc này, UBND huyện cho rằng: Do việc huy động kinh phí đối ứng từ nhân dân gặp nhiều khó khăn trong năm 2017 nên không có kinh phí để mua vật liệu thi công. Cùng với đó, để đạt các tiêu chí nông thôn mới (19/19 tiêu chí của năm 2017), thì việc hoàn thành số km đường giao thông nông thôn là rất cấp bách.
Biên bản kiểm tra công trình nhà văn hoá thôn Quảng Tiến
Trong khi Báo Công lý phản ánh về sự việc, tuyến đường thôn Quảng Tiến đoạn 1 của xã đã được nghiệm thu đầy đủ khối lượng. Điều này được thể hiện tại biên bản “Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình”, ngày 01/12/2017 gồm: Đại diện chủ đầu tư ông Lê Ngọc Lâm (Chủ tịch UBND xã); đơn vị thi công ông Đoàn Ngọc Thắng cùng ban quản lý công trình và ban giám sát cộng đồng cho công trình “Đường nội bộ thôn Quảng Tiến đoạn 1” thể hiện rõ chiều dài khối lượng tại quyết định phê duyệt số 54 là 800m, kết quả kiểm tra đã thi công 800m.
Phê duyệt chiều rộng nền đường 4m, kết quả kiểm tra là 4m. Như vậy, theo biên bản nghiệm thu này đến ngày 1/12/2017 công trình này đã hoàn thiện theo đúng thiết kế phê duyệt của UBND xã trước đó. Từ đó, UBND xã đã làm giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư với số tiền 309.730.000 đồng và được kho bạc huyện Đắk R’Lấp chấp nhận thanh toán theo giấy đề nghị của UBND xã. Như vậy, đây rõ ràng là lập hồ sơ khống để rút vốn của nhà nước một cách thiếu trung thực không đúng với thực tế đã thi công.
Điệp khúc, “khó khăn trong việc huy động kinh phí đối ứng” từ nhân dân lại tiếp tục được UBND huyện đưa ra trong báo cáo ở một tuyến đường khác. Theo đó, tuyến đường nội thôn Quảng Trung-Quảng Bình dài 500m, nhưng mới chỉ hoàn thành 139m mà Báo đã phản ánh là đúng thực tế. Vậy nhưng, cũng cuối tháng 4/2019, tuyến đường này được dân đóng thêm 81/238 triệu đồng để làm tiếp.
Tính chung lại, hai con đường này trong năm mà UBND xã Nghĩa Thắng được công nhận nông thôn mới thì có tới 661m đường chưa hoàn thành. Ngoài ra, tuyến đường ở hai thôn này cũng chưa thực hiện xong phần san, gạt lề đường.
Đặc biệt, tại văn bản trả lời của UBND huyện Đăk R’Lấp, đã xin “khất” trả lời vấn đề công trình tu sửa nhà văn hóa thôn “ngốn” số tiền 185 triệu đồng với nhiều khuất tất.
Báo cáo kết quả xác minh thông tin báo chí của UBND huyện Đắk R’Lấp.
Liên quan đến vấn đề này, theo tìm hiểu của Báo Công lý, cơ quan chức năng huyện Đăk R’Lấp cùng với đại diện UBND xã Nghĩa Thắng và thôn Quảng Tiến đã đi kiểm tra sau khi Báo phản ánh vào ngày 3/5/2019. Tại đây, đoàn xác nhận có những công việc, hạng mục sai so với hồ sơ thiết kế.
Cụ thể: Quyết định chỉ định thầu tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật không có; Hợp đồng tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật cũng không có; Biên bản thương thảo, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng không có, hoặc không có ngày, tháng, năm. Hợp đồng thi công xây dựng không có ngày tháng năm; Hồ sơ bản vẽ hoàn công không đúng quy định. Hồ sơ, quản lý chất lượng, nghiệm thu ngày, tháng năm không trùng khớp. Không có biên bản nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng…
Cùng với đó, các hạng mục thi công tại nhà văn hóa sai với thiết kế như: Bậc cấp; Sơn tường chưa đạt; Sân bê tông thi công thiếu, không thi công phần bó vỉa hai bên…
Ngoài nội dung văn bản thừa nhận những vấn đề Báo Công lý phản ánh đúng, UBND huyện Đắk R'Lấp cho rằng còn có nội dung báo nêu chưa chính xác. Đó là, quá trình làm đường đã tiến hành họp dân, đồng thời có một số biên bản triển khai họp dân. Tuy nhiên, trên thực tế, trưởng thôn cùng người dân khẳng định không có việc họp dân trước lúc làm đường.
Ngoài những sai phạm trên, quá trình PV điều tra còn phát hiện nhiều sai phạm khác liên quan đến bằng cấp của Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng. Cụ thể, theo thông tin từ ông Trần Công Dũng- Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy huyện Đăk R’Lấp: Từ năm 2005-5/2011 ông Lê Ngọc Lâm chưa có bằng tốt nghiệp THPT nhưng vẫn kê khai trình độ 12/12 trong lý lịch xin vào Đảng. Đến ngày 28/04/2007 đã được kết nạp Đảng.
Nhà văn hoá thôn Quảng tiến “ngốn” 185 triệu đồng nhưng có nhiều sai phạm
Ngoài ra, còn khai man vào hồ sơ cán bộ, hồ sơ quy hoạch năm 2009, hồ sơ phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng. Ông Lâm cũng đã có hành vi sử dụng bằng tốt nghiệp không hợp pháp để làm hồ sơ quy hoạch nộp về BTC Huyện uỷ và đã được Tỉnh uỷ Đắk Nông ban hành quyết định số 1032-QĐ/TU, ngày 02/10/2009 về việc phê duyệt cán bộ chủ chốt thuộc đơn vị huyện Đắk R’Lấp giai đoạn 2010-2015 (danh sách có tên ông Lê Ngọc Lâm nằm ở số thứ tự 18 trình độ 12/12).
Như vậy, việc khai man trình độ, bằng cấp đã được cơ quan chức năng làm rõ, nhưng không hiểu sao, ông Lê Ngọc Lâm vẫn tại vị cho đến nay. Chưa kể, những người kiểm tra lý lịch, bằng cấp cho ông Lâm trong quá trình quy hoạch liệu đã làm hết trách nhiệm?!
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.