Chợ không phép ngang nhiên hoạt động, bất chấp chính quyền đã "tuýt còi"?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:21, 25/05/2019
Chính quyền cấm, chợ vẫn họp?
Ngày 1/12/2017, UBND huyện Thanh Oai, TP Hà Nội nhận được thông báo của Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 về việc xin thi công công trình tạm phục vụ công trình chính tại dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco5. Sau khi kiểm tra thực tế và căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành, ngày 15/12/2017, UBND huyện Thanh Oai ban hành văn bản số 69/VP-HĐND&UBND về việc chấp thuận cho phép thi công công trình tạm.
Theo đó, UBND huyện Thanh Oai chấp thuận về nguyên tắc cho phép Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 được xây dựng công trình tạm phục vụ thi công công trình chính tại ô đất có ký hiệu B3.1, bao gồm các công trình tạm như: văn phòng quản lý và điều hành dự án, kho vật liệu máy móc thiết bị, công trình phụ trợ… Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 có trách nhiệm tháo dỡ toàn bộ các công trình tạm phục vụ thi công sau khi hoàn thành các công trình chính.
Sau khi được được sự chấp thuận của UBND huyện Thanh Oai cho phép xây dựng công trình tạm, phục vụ thi công công trình chính, ngày 1/10/2018, Công ty TNHH MT & XD Thái Sơn (đơn vị cấp 2 của Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5) đã có Công văn số 74/CV-TS gửi UBND huyện Thanh Oai đề nghị chấp thuận cho mở điểm cung cấp, phân phối lương thực thực phẩm, phục vụ cho nhân dân, cán bộ, người lao động và công nhân lao động hiện đang sinh sống tại Khu đô thị Thanh Hà – Cienco5.
Ngày 5/10/2018, UBND huyện Thanh Oai ban hành văn bản số 63/VP-HĐND&UBND chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty TNHH MT & XD Thái Sơn mở điểm cung cấp “tạm”.
Ngày 1/1/2019, Công ty TNHH MT & XD Thái Sơn và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển dịch vụ thương mại Đại Sơn (Công ty Đại Sơn) đã ký “Hợp đồng thuê mặt bằng xây dựng nhà quản lý, kho vật liệu, máy móc thiết bị, công trình phụ trợ phục vụ thi công công trình chính”.
Điểm cung cấp lương thực, thực phẩm thực chất là khu chợ đêm hoạt động không phép
Theo hợp đồng trên, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển dịch vụ thương mại Đại Sơn thuê mặt bằng của Công ty TNHH MT &XD Thái Sơn, gồm toàn bộ mặt bằng khu đất S3 và 22 ki ốt phía cuối đường + 2 ki ốt đầu tiên giáp trạm điện được tháo dỡ làm cổng ra vào đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ và diện tích đất dự án, nằm trên khu đất có tên Lô 3.1 tại Khu đô thị Thanh Hà B – Cienco 5, thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Thời hạn thuê là 9 năm. Giá thuê là 150.000.000 đồng/tháng.
Sau khi hoàn tất hợp đồng thuê mặt bằng, thay vì xây dựng công trình tạm để phục vụ thi công công trình chính thì Công ty Đại Sơn tiến hành san lấp, xây dựng thêm một số hạng mục mới và hoàn thiện các hạng mục chưa được hoàn thiện trước đó để tổ chức họp chợ, dựng biển với tên gọi: Điểm cung cấp lương thực, thực phẩm và khu chợ không phép này họp từ 21h đêm hôm trước đến sáng 4g hôm sau. Các tiểu thương chủ yếu kinh doanh thủy sản.
Sau khi khu chợ không phép trên đi vào hoạt động đã gây bức xúc trong nhân dân. Lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai đã chỉ đạo tháo dỡ biển báo khu chợ, yêu cầu thực hiện nghiêm theo nội dung công văn số 69/VP -HĐND&UBND huyện Thanh Oai do bà Tố Nga - Chánh văn phòng UBND huyện Thanh Oai ký ngày 15-12-2017.
Trao đổi với báo chí bà Lê Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai khẳng định huyện không có chủ trương mở chợ đầu mối tại khu vực trên. Doanh nghiệp hay tổ chức nào đầu tư phải được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Chính quyền huyện Thanh Oai đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, thậm chí chỉ đạo xã Cự Khê phá dỡ những công trình xây dựng chợ trái phép nhưng dường như chính quyền địa phương vẫn chưa vào cuộc mạnh mẽ, để hàng đêm tình trạng họp chợ vẫn được diễn ra.
Có dấu hiệu xã hội đen “bảo kê”
Theo phản ánh, ngày 7-5-2019, UBND quận Hà Đông (Hà Nội) đã cho lực lượng công an tiến hành lập hàng rào bảo vệ quanh khu chợ sai phép 365 vốn là đất dự án công viên Hà Đông để tiến hành trả lại mặt bằng xây dựng công viên theo đúng trình tự.
Do không nắm bắt được thông tin nên vẫn có nhiều xe ô tô chở nông sản của bà con đi đến khu chợ 365 để họp và tiến hành các giao dịch mua bán. Khi thấy cổng chợ đã bị rào, có lực lượng công an bảo vệ. Bà con tiểu thương đã được một nhóm người lạ mặt đi xe máy xuất hiện và hướng dẫn bà con đến bãi đất trống tại khu đô thị mới Thanh Hà họp chợ. “Cứ một xe ô tô là có 1 xe máy áp sát để dẫn đường”, một người dân chứng kiến cho biết.
Sau khi “ép” tiểu thương về họp chợ tại khu đất này chợ đêm bỗng nhiên hoạt động tấp nập trở lại, trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương. Công ty Đại Sơn đã bố trí cho các tiểu thương họp chợ ngay tại hai bên đường.
Hàng đêm, có hàng trăm ô tô chở rau củ quả và một số mặt hàng thủy sản vào khu chợ. Ngay từ đường chính dẫn vào khu chợ, Công ty Đại Sơn bố trí bảo vệ vừa dẫn đường cho xe vào, vừa để canh phòng lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất.
Tại điểm họp chợ, hàng dài ô tô xếp hai bên đường, bầy bán hàng hóa…gây tắc nghẽn giao thông; rác thải vứt bữa bãi bốc mùi hôi thối.
Khu chợ tấp nập về đêm
Cũng theo phản ánh, để đề phòng, người của Công ty Đại Sơn còn dặn dò từng tiểu thương nếu có người lạ hỏi về lý do tìm đến địa điểm này họp chợ hay có bị thu phí hay không…thì trả lời là không hề bị ép buộc, mà tự tìm đến họp chợ và chưa bị thu phí gì cả.
Vì sao chính quyền cấm nhưng chợ vẫn họp, vì sao bà con tiểu thương buộc phải nói dối khi có người hỏi?.... Câu trả lời rất cần các cơ quan chức năng của huyện Thanh Oai làm rõ.