Vụ xây trước, mời thầu sau tại Sở y tế Gia Lai: Ban giám đốc "tự kiểm điểm rút kinh nghiệm"

Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 22:33, 20/04/2019

Trước những sai phạm trong công việc đầu tư xây mới, cải tạo 6 công trình cấp nước và vệ sinh Trạm y tế mà Báo Công lý đã đưa tin, mới đây, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai đã có báo cáo sự việc.

Theo đó, báo cáo số 104/BC-SYT gửi đến Thường trực Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh; UBND tỉnh; Thanh tra tỉnh… do Giám đốc Sở Y tế ông Mai Xuân Hải ký nêu rõ: Năm 2018, Sở Y tế Gia Lai được UBND tỉnh giao dự toán vốn chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn” theo quyết định số 244/QĐ-UBND với tổng mức kinh phí là hơn 2,1 tỉ đồng đối với 8 công trình của 8 trạm y tế xã thuộc 6 huyện.

Vụ xây trước, mời thầu sau tại Sở y tế Gia Lai: Ban giám đốc

Sở Y tế Gia Lai nơi xảy ra sự việc

Từ đó, ngày 13/8/2018, Sở Y tế đã ban hành quyết định số 495/QĐ-SYT ủy quyền cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai thực hiện chương trình này. Ngay sau đó, Trung tâm Y tế đã mời Sở Xây dựng và Sở Y tế đánh giá hiện trạng các công trình, đồng thời liên hệ Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng Sê San (gọi tắt là công ty Sê San) làm tư vấn cho gói thầu xây dựng mới của 6 trạm y tế (vì có 2 trạm y tế đã có công trình; công trình xây mới-PV).

Sau đó, quá trình làm việc với Ban QLDA của chương trình này thuộc Sở NN&PT Nông thôn Gia Lai thì được Ban này đề nghị phải đưa về Sở Y tế làm chủ đầu tư vì đơn vị này là chủ tài khoản. Nhận thấy, việc ủy quyền này là không đúng quy định nên Trung tâm Y tế đã bàn giao biên bản xác định hiện trạng và 6 bộ hồ sơ dự thảo thiết kế cải tạo công trình trên cho Sở Y tế.

Tiếp tục, ngày 29/10/2018, Sở Xây dựng có công văn số 145A/TĐ-SXD về việc thông báo kết quả thẩm định Báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây mới, cải tạo 6 công trình cấp nước và nhà vệ sinh của 6 trạm y tế đã được Sở Xây dựng thẩm định. Hai ngày sau (31/10), Sở KH&ĐT ra quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế-kỹ thuật số 142A/QĐ-KHĐT tổng mức đầu tư là trên 2,1 tỉ đồng. Đến ngày 3/1/2019, Sở KH&ĐT ra tiếp Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu số 04/QĐ-KHĐT với giá gói thầu là trên 1,8 tỉ và tư vấn giám sát gần 60 triệu.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính Sở Y tế, với tư cách là người được Giám đốc Sở giao trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện gói thầu trên nhưng nhận thức “đấu thầu còn hạn chế”, khi cho rằng 6 gói thầu tại các xã của huyện cách xa nhau, mỗi gói dưới 500 triệu nên đã tham mưu cho lãnh đạo Sở này ký quyết định chỉ định thầu đơn vị tư vấn là Công ty Sê San về lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật để kịp tiến độ, phục vụ bệnh nhân. Ngoài ra, văn bản báo cáo cũng thể hiện Công ty TNHH Cường Thành là đơn vị xây dựng có uy tín trên địa bàn tỉnh, đã tự bỏ vốn ra để thi công các công trình trên.

Điều đặc biệt, khi các công trình đang thi công, thì ông Lợi tham khảo ý kiến của Sở Xây dựng mới thấy được việc thi công không đúng quy trình vì đã tách thành 6 gói cho 6 xã. Vì vậy, đã bị Sở Xây dựng đã “tuýt còi”  vì “vi phạm Luật đấu thầu” và đề nghị gộp lại thành một gói, đồng thời phải chào hàng cạnh tranh, đăng báo đấu thầu.

Sau đó, ông Lợi đã tham mưu cho lãnh đạo Sở Y tế đăng báo đấu thầu gói thầu xây mới, cải tạo 6 công trình cấp nước và vệ sinh Trạm y tế bằng hình thức chào hàng cạnh tranh và phát hành hồ sơ mời thầu từ sáng ngày 24/1 đến chiều ngày 31/1/2019 theo quy định. Tuy nhiên, trong thời gian mời thầu, ông Lợi lại từ chối bán hồ sơ khi có doanh nghiệp đến mua và có những phát ngôn khi chưa được sự đồng ý của Giám đốc Sở. Điều này dẫn đến lần thứ 2 vi phạm “Luật đấu thầu”, sai quy trình làm ảnh hưởng đến uy tín của Sở và các cấp lãnh đạo của tỉnh.

Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng các công trình nêu trên mặc dù đã thi công xong nhưng đến nay chưa thanh quyết toán, nguồn vốn vẫn còn “nằm nguyên” tại Kho bạc tỉnh nên chưa gây hậu quả về ngân sách Nhà nước.

Vì vậy, ngày 22/3/2019, Hội đồng kỷ luật công chức Sở Y tế đã họp, chỉ ra các sai phạm của ông Nguyễn Ngọc Lợi và thống nhất với hình thức “kỷ luật cảnh cáo”, chuyển người này sang vị trí công tác khác.

Những sai phạm trong sự vụ, khi “xây trước mới đấu thầu sau” tại đơn vị này chỉ đến khi báo chí vào cuộc, UBND tỉnh có những chỉ đạo, các Sở liên quan có ý kiến… thì Sở Y tế mới có những động thái báo cáo, xác minh, xử lý và nhận ra sai sót trong Luật Đấu thầu về việc chỉ định thầu, không tổ chức đấu thầu tập trung.

Vụ xây trước, mời thầu sau tại Sở y tế Gia Lai: Ban giám đốc

Trang cuối bản báo cáo của Sở Y tế do ông Mai Xuân Hải (Giám đốc) ký.

Ngày 21/2/2019, Sở Y tế đã có công văn số 215/SYT-KHTC gửi các các Sở, ngành chức năng để trình lên UBND tỉnh chuyển nguồn vốn trên 2,1 tỉ của chương trình này từ năm 2018 sang năm 2019.

Đến ngày 18/3/2019, đơn vị này đã ra quyết định số 196/QĐ-SYT về việc đình chỉ gói thầu “Đầu tư xây mới và cải tạo 6 công trình của 6 Trạm y tế” nói trên. Điều đáng nói, khi Sở Xây dựng “tuýt còi” thì công trình đang thi công dở dang, đến khi chào hàng cạnh tranh theo quy định thì cơ bản, 6 công trình gần như đã hoàn thành. Đến nay, theo bản báo cáo đã xây dựng xong toàn bộ.

Câu hỏi đặt ra ở đây, nếu giờ hủy cuộc đấu thầu và tiến hành lại các thủ tục về lựa chọn nhà thầu, thực hiện gói thầu theo quy định của Pháp luật (Khoản 2, Điều 123 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP) thì các công trình đã hoàn thiện không đúng Luật Đấu thầu có bị phá bỏ, để doanh nghiệp trúng thầu sau này làm lại từ đầu; hay vẫn để tồn tại và doanh nghiệp nào sau này trúng thầu, chỉ cần bỏ tiền ra để thanh quyết toán cho công ty đã xây dựng trước đó (Công ty TNHH Cường Thành-PV) là có thể mời các cơ quan có thẩm quyền vào nghiệm thu và bàn giao công trình?. Vấn đề này quan trọng này, trong báo cáo không được đề cập tới.

Từ những sai phạm nêu trên, ngoài trách nhiệm của Trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chính thì Ban Giám đốc Sở Y tế Gia Lai “chỉ nhận” trách nhiệm quản lý chưa “sâu sắc” vì tin tưởng cấp dưới nên đã chủ quan dẫn đến những sai phạm như đã đề cập ở trên, từ đó, Ban giám đốc Sở “tự kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

Trần Sỹ