Hậu Giang: Nhiều học sinh trường chuẩn quốc gia không biết đọc, biết viết
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 09:08, 18/04/2019
Theo phản ánh tại ngôi trường này có 5 em đang có hiện tượng “ngồi nhầm lớp”, khi lên lớp 6, lớp 7 song đọc, viết còn kém, thậm chí có nhiều em không đọc, viết được chữ. Cụ thể, như em: Phạm Lâm Giang H (lớp 6A1), Trương Hoài  (lớp 6A3), Trần Văn Q (lớp 6A3), Nguyễn Thị Kim T (lớp 7A2), Đinh Chí T (lớp 7A2).
PV Báo Công lý đã buổi làm việc trực tiếp Ban giám hiệu (BGH) Trường THCS Đông Phước A, cùng với lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành.
Khi PV đưa cho mỗi em một tờ giấy đề nghị viết câu: “Em yêu trường em” và đọc một câu mở đầu trong sách giáo khoa Công nghệ lớp 6 với tiêu đề: “Vai trò của gia đình và kinh tế gia đình” thì em H và em  hoàn toàn không đọc hay viết được, chỉ riêng em Q thì viết những nét chữ “nguệch ngoặc” và đọc “bập bẹ” như học sinh mới vào lớp 1.
Tiêu đề trong SGK Công nghệ lớp 6 mà các học sinh không đọc được
Ngoài ra, khi PV trưng cầu “bút tích” bài kiểm tra môn Lịch sử của em Đinh Chí T (lớp 7A2) với lời phê của giáo viên “Em viết chữ đọc không ra cần rèn lại chữ viết” cho ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành xem, sau khi xem ông Dũng cũng lắc đầu nói “tôi không thể nào đọc được”.
Nhiều giáo viên dạy bộ môn rất bức xúc vì bị nhà trường “ép” dạy phụ đạo cho các em. “Việc phụ đạo cho học sinh yếu kém là trách nhiệm của giáo viên, tuy nhiên việc phụ cho các em ở đây không phải là phụ đạo chuyên môn, mà bắt dạy lại việc đọc, viết chữ như ở bậc tiểu học", một giáo viên bức xúc nói.
Nét chữ mà các em viết theo yêu cầu
Ông Nguyễn Nhật Trường, Phó hiệu Trưởng Trường THCS Đông Phước A thừa nhận, hiện nay toàn trường có 5 trường hợp không đọc viết rành. Trong học kỳ 1 vừa rồi học lực các em này đều xếp lọai yếu kém.
Sau khi phát hiện vụ việc giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn đã có báo cáo lên BGH. Tuy nhiên, phía BGH chỉ báo cáo bằng “miệng” về Phòng GD-ĐT về tình trạng trên.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành cho biết, tới đây Phòng GD-ĐT sẽ họp với các ban ngành chuyên môn có kế hoạch giải quyết cụ thể tình trạng trên. "Cái khó ở đây khi các em học hết bậc tiểu học là phải xét vào lên cấp 2 cho các em vì các em đủ điều kiện nên không thể nào loại bỏ. Phần lớn các em đều xuất thân trong gia đình lao động và rất khó khăn, cha mẹ rất ít khi quan tâm đến việc học của con cái", ông Dũng cho biết thêm.
Bài kiểm tra môn lịch sử của hs lớp 7, khiến giáo viên và lãnh đạo phòng không đọc được.
Qua tìm hiểu của PV được biết, năm học 2017-2018 vừa qua cũng tại ngôi trường này có 2 học sinh lớp 6 ở lại lớp và đã nghỉ học vì không biết đọc, biết viết.
Trường THCS Đông Phước A nơi xảy ra vụ việc
Ngoài việc có nhiều học sinh không biết đọc, biết viết, mới đây còn có 3 học sinh nữ lớp 9 đánh nhau và nhà trường tạm đình chỉ học tập 1 tuần đối với 2 em.
Được biết, Trường THCS Đông Phước A có 15 lớp, với hơn 500 học sinh vừa được tái công nhận chuẩn quốc gia năm 2018.