The Mark Quận 7: Mua nợ hay chuyển nhượng vốn góp?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 18:28, 16/04/2019
Từ chuyển nhượng vốn góp trái pháp luật…
VK Housing là Công ty TNHH được thành lập bởi 3 thành viên là Công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC), Công ty Cổ phần P&D Korea (P&D) và Công ty Cổ phần Xây dựng Lucky Việt Nam (LVC) theo hợp đồng liên doanh được ký giữa 3 bên ngày 10/3/2007.
Dự án căn hộ chung cư The Mark Quận 7
Theo thỏa thuận của 3 bên tại Khoản 10.2 Điều 10 Điều lệ của VK Housing và Điều 8 của hợp đồng liên doanh thì trong trường hợp một trong các bên liên doanh muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình thì phải thông báo bằng văn bản cho các bên còn lại. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có đề nghị mà bên được đề nghị không có văn bản đồng ý mua kèm theo số tiền cọc tối thiếu bằng 50% giá dự kiến hoặc một thư tín dụng có giá trị tương đương thì bên đề nghị chuyển nhượng mới được quyền chuyển nhượng cho người khác. Việc chuyển nhượng không tuân thủ điều kiện và trình tự trên đều không có giá trị ràng buộc đối với công ty hoặc các bên liên doanh.
Đồng thời, theo quy định tại các điều 52, 53 và Điểm c, Khoản 1 Điều 54 Luật Doanh nghiệp năm 2014, trường hợp thành viên là tổ chức đã giải thể hoặc phá sản thì phần vốn góp của thành viên được công ty mua lại hoặc chuyển nhượng cho các thành viên còn lại. Nếu công ty, thành viên công ty không mua thì mới được chuyển nhượng cho người khác. Không có tài liệu chứng cứ chứng minh VK Housing và HDTC đã nhận được yêu cầu đề nghị mua phần vốn góp của P&D và LVC nhưng VK Housing không mua; HDTC cũng không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán như quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 53 của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Với quy định này thì phần vốn góp của P&D và LVC sẽ không được chuyển nhượng cho người không phải thành viên công ty nếu việc chuyển nhượng không được thực hiện theo đúng quy định nêu trên.
Vào thời điểm chuyển nhượng P&D và LVC đã phá sản, không còn tồn tại nên không phải là trường hợp thành viên dùng phần vốn góp của mình để trả nợ. Việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của P&D và LVC cho DWS Star Bridge Limited Liability (DWS) là chuyển nhượng trong trường hợp thành viên công ty bị phá sản nhưng phần vốn góp này không hề được chào bán cho VK Housing và HDTC là vi phạm điều cấm của pháp luật.
Theo Điều 128 của Bộ luật Dân sự năm 2005, vào thời điểm các phần vốn góp của P&D và LVC được chuyển nhượng cho DWS thì: “Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”. Khoản 1, Điều 137 của Bộ luật Dân sự năm 2005 qui định: “Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập”.
Mặt khác, theo thỏa thuận của các bên tại Điều 3 của các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 16/3/2016 giữa Quản Tài viên do Tòa án Hàn Quốc chỉ định và DWS thì việc chuyển nhượng này phải được Tòa án Hàn Quốc chấp thuận và được Tòa án của Việt Nam công nhận, đến nay vẫn không có bất cứ một tài liệu, chúng cứ nào để chứng minh các hợp đồng này đã được Tòa án Hàn Quốc chấp thuận và được Tòa án của Việt Nam công nhận.
…đến nhập nhèm việc thay đổi thành viên công ty
Thế nhưng để làm được thủ tục thay đổi thành viên cho DWS, ngày 30/4/2016 VK Housing vẫn ký Giấy xác nhận số 01/2016/GXN-VP và Giấy xác nhận số 02/2016/GXN-VP xác nhận DWS ngày 16/3/2016 DWS đã hoàn tất việc chuyển phần vốn góp từ P&D và LVC qua DWS.
Để thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, ngày 23/3/2016, ông Lee Jong-Suk còn nhân danh là người được P&D và LVC ủy quyền cùng với bà Trần Thị Trương - đại diện cho HDTC ủy quyền lập Biên bản họp Hội đồng thành viên lần thứ 29 của VK Housing (ký hiệu là HĐTV 29-2016) thông qua việc chuyển tư cách thành viên công ty từ P&D và LVC sang DWS.
Phối cảnh thiết kế dự án căn hộ chung cư The Mark Quận 7
Theo nội dung thể hiện tại biên bản này, căn cứ để chuyển tư cách thành viên là do có phán quyết của Tòa án Hàn Quốc cho DWS được sở hữu số vốn góp của P&D và LVC nhưng thực tế đến nay vẫn không có một chứng cứ nào để chứng minh sự thật là Tòa án Hàn Quốc đã có phán quyết như trên, HDTC cũng đã khiếu nại về việc hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh của VK Housing liên quan đến DWS có sự giả tạo.
Theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật Dân sự năm 2005, “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”. Mặt khác, vào thời điểm này Tòa án Hàn Quốc đã có quyết định tuyên bố P&D và LVC phá sản. Theo quy định pháp luật, năng lực pháp luật của P&D và LVC đã chấm dứt nên việc ông Lee Jong-Suk đại diện P&D và LVC để thực hiện giao dịch với HDTC là giao dịch của người không có quyền đại diện.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 145 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc huỷ bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch”. Không có căn cứ để chứng minh vào thời điểm tham gia vào cuộc họp ngày 23/3/2016 đại diện của HDTC đã biết việc P&D và LVC đã bị tuyên bố phá sản và việc ông Lee Jong-Suk làm đại diện cho P&D và LVC là giao dịch của người không có quyền đại diện.
Sau khi biết được việc P&D và LVC đã bị phá sản, HDTC cũng đã khiếu nại việc hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung kinh doanh của VK Housing liên quan đến DWS có sự giả tạo. Đồng thời, HDTC khởi kiện đề nghị cơ quan có thẩm quyền không công nhận việc chuyển sở hữu vốn tại VK Housing của P&D và LVC qua DWS cũng như việc lập các thủ tục và thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh liên quan đến việc chuyển sở hữu vốn tại VK Housing của P&D và LVC qua DWS của VK Housing.
Do đó, giao dịch do các bên xác lập tại Biên bản họp hội đồng thành viên số HĐTV 29-2016 ngày 23/3/2016 và tại các giấy xác nhận ngày 30/4/2016 là giao dịch dân sự vô hiệu do lừa dối và do người không có quyền đại điện xác lập. Theo quy định pháp luật, “giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đối, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập”.
Bên cạnh đó, trong hồ sơ đăng ký thay đổi thành viên của VK Housing có Quyết định số HDTV 30-2016 ngày 23/4/2016 đề tên là Quyết định của Hội đồng thành viên VK Housing về việc điều chỉnh tên nhà đầu tư từ P&D và LVC qua DWS. Qua xem xét quyết định này và các tài liệu có liên quan, cụ thể, Biên bản họp Hội đồng thành viên số HĐTV 29-2016 ngày 23/3/2016 thì Hội đồng thành viên của VK Housing gồm 2 người là ông Yeh Ming Yen - đại diện cho phần vốn góp của DWS, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên và bà Trần Thị Trương đại diện cho phần vốn góp của HDTC.
Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, điều 57 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điểm V Khoản 7.4 Điều 7 Điều lệ của VK Housing thì việc ký các quyết định của Hội đồng thành viên phải do Chủ tịch Hội đồng thành viên thay mặt Hội đồng thành viên ký. Thực tế để thực hiện thẩm quyền của Hội đồng thành viên tại Quyết định của Hội đồng thành viên số HĐTV 29-2016 ngày 23/3/2016, ông Yeh Ming Yen cũng đã ký tên là Chủ tịch Hội đồng thành viên và đóng dấu của VK Housing vào phần thay mặt Hội đồng thành viên tại phần cuối của quyết định này.
Quyết định số HDTV 30-2016 ngày 23/4/2016 gồm 2 trang rời, trang đầu ghi tên đại diện DWS là ông Yeh Ming Yen, đại diện HDTC là bà Trần Thị Trương, trang sau chỉ có dòng chữ “Điều 4: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký”, tên, con dấu, chữ ký của đại diện HDTC và DWS nhưng tại phần cuối bên phải của quyết định nơi đáng lẽ phải ghi là TM. Hội đồng thành viên với chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thành viên là ông Yeh Ming Yen và con dấu của VK Housing thì lại đề tên HDTC, đóng dấu của HDTC và chữ ký đề tên ông Phan Quang Tống - Tổng giám đốc HDTC.
Bên cạnh phần chữ ký của ông Tống và con dấu của HDTC nêu trên có phần đề tên DWS và chữ ký đề tên ông Lin Kuo Wei, Giám đốc DWS kèm theo con dấu của DWS được chèn vào góc nhỏ bên trái (không có con dấu của VK Housing, tên và chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thành viên VK Housing). Do đó, nghi ngờ của HDTC về trang 2 của Quyết định số HDTV 30-2016 không phải là phần quyết định của Hội đồng thành viên VK Housing mà được ghép chung với trang 1 bằng cách chèn thêm chữ ký và con dấu đề tên ông Lin Kuo Wei, Giám đốc DWS vào phần cuối một quyết định nào đó của HDTC mà ông Phan Quang Tống đã ký là có căn cứ.
Mặt khác, nội dung của Quyết định số HĐTV 30-2016 là thỏa thuận phụ để cụ thể hóa các giao dịch dân sự vô hiệu được xác lập tại các hợp đồng chuyển nhượng vốn; Biên bản họp Hội đồng thành viên số HĐTV 29-2016 và Giấy xác nhận đã hoàn tất việc chuyển phần vốn góp ngày 30/4/2016. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 410 của Bộ luật Dân sự năm 2005: “Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ” nên nội dung thể hiện tại Quỵết định số HĐTV 30- 2016 cũng là giao dịch dân sự vô hiệu, không có giá trị để chứng minh việc nhận chuyển nhượng vốn của DWS là phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo đó, việc VK Housing sử dụng các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp ngày 16/3/2016 và các tài liệu nêu trên để được cấp giấy chứng nhận về đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng đầu tư thay đổi chủ đầu tư từ P&D và LVC sang DWS là trái với quy định của pháp luật.
Như nêu trên, P&D và LVC đã bị Tòa án Hàn Quốc tuyên bố phá sản nên không còn năng lực pháp luật để tham gia vào các giao dịch. Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp giữa P&D và LVC với DWS là hợp đồng vô hiệu nên DWS không phải là người kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của P&D và LVC.
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, việc TAND TP HCM tuyên bố Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa P&D và LVC ký với DWS ngày 16/3/2016 là hợp đồng vô hiệu nên không có hiệu lực thi hành là thấu tình đạt lý.