Huyện Thanh Trì – Hà Nội: UBND thị trấn Văn Điển thu hồi đất trái luật?
Nhịp cầu Công lý - Ngày đăng : 08:54, 12/04/2019
Không có quyết định vẫn tiến hành cưỡng chế
Theo tìm hiểu, ngày 10/10/2018, UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) ban hành Quyết định số 7087/QĐ – UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đấu giá quyền sử dụng đất xen kẹt nhỏ lẻ (giáp đường gom sông hoàn thành năm 2017) tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì. Quy mô dự án là các thửa đất trống, giáp đường hiện có với tổng diện tích 280m2 bao gồm 4 vị trí. Tổng mức đầu tư (khái toán) là 240,8 triệu đồng.
Để thực hiện quyết định này, UBND thị trấn Văn Điển đã thành lập tổ công tác gồm nhiều lực lượng như: Công an phường, dân phòng, tổ dân phố đến phá dỡ một số công trình xây dựng để thiết lâp hồ sơ quản lý đất công theo ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Thanh Trì. Tuy nhiên, người dân cho rằng, phần diện tích đất (UBND thị trấn cho là đất công) đã sử dụng lâu dài, tiếp giáp với đất ở do cha ông để lại nhưng tổ công tác vẫn tiến hành phá dỡ tài sản dù chưa lập bất kỳ một phương án cưỡng chế nào.
Phần diện tích 70m của ông Bích đang bị UBND thị trấn Văn Điển cho là đất công, nằm thụt sâu so với nhiều nhà khác đã được cấp sổ đỏ
Mới đây, báo Công lý có nhận được đơn thư của ông Lê Ngọc Bích (SN 1953, trú tại số nhà 2, ngõ 338 đường Ngọc Hồi, TDP Chợ, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì). Trong đơn ông Bích phản ánh: Ngày 15/3/2019, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển dẫn đầu tổ công tác liên ngành của thị trấn đến phá khóa hàng rào, chuyển một số vật dụng tại khu đất rộng khoảng 70m của gia đình ông chở đi. Gia đình ông Bích phản đối và yêu cầu đưa ra quyết định cưỡng chế nhưng tổ công tác không đưa ra được. Gia đình yêu cầu tạm dừng phá dỡ, tuy nhiên tổ công tác vẫn tiến hành phá hàng rào, thu giữ lưới B40 cho lên xe chở đi. Sau khi chuyển một số tài sản, tổ công tác đã lập biên bản nhưng gia đình không ký nhận vì cho là sai quy định.
Thanh tra huyện vào cuộc làm rõ
Nhằm làm rõ sự việc, phóng viên báo Công lý đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND thị trấn Văn Điển. Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thị trấn và bà Nguyễn Thị Thu Hiền, cán bộ địa chính khẳng định: “Diện tích đất ông Lê Ngọc Bích cho rằng là của gia đình đang sử dụng ổn định, lâu dài, trong bản đồ địa chính năm 1989 và 1994 không thể hiện (qua đo, vẽ), chưa được cấp giấy chứng nhận vì vậy là đất công do UBND thị trấn quản lý. Ngày 15/3/2019, chúng tôi thu giữ rào chắn và một số vật dụng trên đất chỉ là hành vi giải tỏa vi phạm trên đất công chứ không phải là cưỡng chế”.
Phóng viên làm việc với lãnh đạo UBND thị trấn Văn Điển.
Tại buổi làm việc ngày 4/4/2019, UBND thị trấn Văn Điển căn cứ vào tờ bản đồ địa chính cách đây đã … 25 năm để khẳng định đó là đất công. Trong khi theo phản ánh của ông Bích, gia đình ông đang sinh sống trên mảnh đất do tổ tiên để lại từ năm 1953. Phần đất khoảng 70m2 liền kề đất ở giáp sông Tô Lịch trước kia thường xuyên bị ngập lụt, không hề có lối đi. Qua năm tháng, gia đình đã phải mất nhiều công sức tôn tạo, trồng cây lâu năm và xây tường ngăn với nhà hàng xóm để phân định ranh giới. Từ đó đến nay, gia đình xây dựng, cải tạo, có sự xác nhận của các hộ dân bên cạnh vậy nhưng chính quyền thị trấn Văn Điển không hề có mặt, quản lý vẫn cho là đất công xen kẹt trình UBND huyện bán đấu giá.
Không những thế, qua trao đổi, tiếp cận bản đồ địa chính, cho thấy nhiều diện tích cùng tiếp giáp bờ sông với mảnh đất 70m đã có nhiều biến động, được cập nhật chỉnh lý (bản đồ 1989 không thể hiện nhưng bản đồ 1994 lại được đo vẽ) sau này đã cấp sổ đỏ. Điển hình là hai hộ có diện tích đất giáp với 70m nhà ông Lê Ngọc Bích (đây cũng là phần diện tích đất tăng lên do quá trình cải tạo, sử dụng phần đất giáp sông Tô Lịch, bản đồ 1989 đều không thể hiện nhưng năm 1994 đã được đo vẽ – PV) lại được chỉnh lý, cập nhật và cấp sổ đỏ năm 2011. Tuy nhiên, với diện tích đất của gia đình ông Bích sử dụng dường như đang bị “bỏ quên”.
Theo quy định, các đơn vị chuyên môn của UBND thị trấn Văn Điển và huyện Thanh Trì phải có trách nhiệm đo vẽ, cập nhật hiện trạng sử dụng đất vào bản đồ địa chính. Phóng viên nêu nội dung tại sao không đo vẽ, cập nhật và tổ chức đối thoại để xác minh rõ nguồn gốc đất bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân thì ông Thành và bà Hiền không trả lời cụ thể.
Phóng viên tiếp tục đề nghị được chụp ảnh lại toàn bộ bản đồ 1989, 1994 (làm rõ biến động đất đai của cả khu vực). Tuy nhiên, ông Thành và bà Hiền từ chối. Lãnh đạo UBND thị trấn chỉ phô tô duy nhất sơ đồ thửa đất nhà ông Bích với lý do sợ ảnh hưởng…vì còn nhiều nhà khác nữa.
Ngày 10/4, báo Công lý tiếp tục đề nghị UBND thị trấn Văn Điển xác nhận vào hình ảnh thửa đất bản đồ 1989 do UBND thị trấn cung cấp để làm cơ sở thông tin sự việc khách quan. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành không xác nhận mà khẳng định: “Chúng tôi chụp ảnh bằng điện thoại và phô tô từ bản đồ gốc 1989, tờ bản đồ số 5 ra cung cấp thông tin cho báo”.
Qua trao đổi với Văn phòng UBND huyện Thanh Trì được biết, huyện cũng đang chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra để xác minh, làm rõ sự việc.
Trước việc làm này, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng UBND thị trấn Văn Điển đang bỏ qua quyền lợi của người dân, “nóng vội” cưỡng chế, giải tỏa đất để bán đấu giá có lợi ích nhóm và “che giấu” dấu hiệu sai phạm khi nhiều diện tích đất biến động tăng thêm sau này (không có trong bản đồ 1989) vẫn được cấp sổ đỏ ? Đề nghị huyện Thanh Trì sớm làm rõ trả lời công dân, tránh bức xúc khiếu kiện kéo dài.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.